Angela Phương Trinh khó khăn vì dao kéo trong 'Sứ mệnh trái tim'

11/11/2016 08:14 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Dù đạo diễn - NSƯT Đỗ Đức Thịnh khẳng định Sứ mệnh trái tim không ăn theo Hậu duệ mặt trời (phim truyền hình của Hàn Quốc), nhưng chắc khán giả sẽ cảm nhận thấy nó phảng phất vài hình ảnh và cảm hứng quen quen.

Phim có sự tham gia diễn xuất của Angela Phương Trinh, Võ Cảnh, Williams Belle, Dương Mạc Anh Quân, Huỳnh Hồng Loan, Hữu Thanh Tùng, Thế Bảo… Công chiếu toàn quốc từ ngày 11/11.

1. Về thể loại, phim này đi chính giữa, hoặc bao gồm cả hai là binh nghiệp và ngôn tình. Nếu nhìn ở bình diện truyền thông từ đầu đến nay thì phim chỉ là chuyện ngôn tình giữa một chàng công binh và một cô giáo trẻ. Trong khi đó, điểm sáng thật sự của phim là dám chọn một lối đi khác với mặt bằng phim giải trí hiện nay, làm về những người lính công binh sống có lý tưởng lành mạnh, chuyên rà soát bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.

Nếu nhìn ở thể loại phim binh nghiệp, tuy chưa đột phá về cách kể và chưa mạnh mẽ về ý tưởng như Sống trong sợ hãi của Bùi Thạc Chuyên, nhưng Sứ mệnh trái tim cũng đã tìm được lối nhỏ cho đề tài dễ khô khan.


Dù vẫn xinh xắn, nhưng “dao kéo” đã làm Angela Phương Trinh gặp nhiều khó khăn trong các cảnh cận

Bao năm nay nói tới phim binh nghiệp thì cả giới làm phim và khán giả gần như mặc định là phim chiến tranh, nơi phe ta dù gặp khó khăn nhưng vẫn chiến thắng vang dội. Những người lính công binh trong Sứ mệnh trái tim hoàn toàn khác. Họ có thể chỉ đi lính vì sự ủy thác của gia đình để rèn luyện, thậm chí đi để giảm cân… nhưng rồi hoàn cảnh đã trui rèn, giúp họ kỷ luật, đoàn kết và dần trưởng thành hơn.

Hơn nữa, lâu nay phim binh nghiệp thường nói về khía cạnh bên ngoài, nơi sứ mệnh và nhiệm vụ được giao (thậm chí phải hy sinh) là trên hết. Phim Sứ mệnh trái tim đi vào tâm tư, tình yêu của người lính, nơi mà kỷ luật quân đội không cấm yêu. Họ cũng là đại diện cho người lính thời bình, nơi gian lao và hy sinh phải mang dáng hình khác.

2. Nhìn tổng thể, Sứ mệnh trái tim vẫn đi theo tinh thần lãng mạn của những phim mà Đỗ Đức Thịnh đã làm, vẫn cho thấy đây là sản phẩm của thái độ nghiêm túc. Nếu phải so sánh, thì phim này chưa hấp dẫn, bất ngờ bằng Ma dai (ĐD: Hoàng Duy - Đỗ Đức Thịnh), nhưng cân đối, chặt hơn Taxi, em tên gì? (ĐD: Đinh Tuấn Vũ - Đỗ Đức Thịnh).

Điều đáng tiếc nhất là “dao kéo” thẩm mỹ đã làm cho Angela Phương Trinh (vai cô giáo Phong Linh) gặp quá nhiều khó khăn trong việc biểu cảm sự tinh tế của cơ mặt trong các cảnh cận. Nếu đây là phim truyền hình thì nữ nghệ sĩ này còn có thể “giấu giếm” dễ hơn, trong khi màn ảnh rộng thì quá khó. Có lẽ vì vậy mà với những cận cảnh sâu lắng, quay phim cũng “đành lấy” thoáng qua. Buổi chiếu ra mắt báo chí lại diễn ra tại một trong những phòng chiếu có màn hình to nhất, sự “tố cáo” dao kéo càng mạnh mẽ hơn.

Sự đáng tiếc này càng bị Bình Trâu (Williams Belle) và Hoàng Bách (Võ Cảnh) “tố cáo” thêm, bởi hai nam diễn viên điển trai này có khuôn mặt khá tự nhiên, các cảnh cận giữa họ và Angela Phương Trinh là cả một sự tương phản giữa tự nhiên và dao kéo. Khuôn mặt hiện nay của Angela Phương Trinh sẽ là đẹp khi một mình trên sân khấu ca hát, trong các MV ca nhạc đầy kĩ xảo, vốn được phát trên các màn hình nhỏ của máy tính, của màn ảnh gia đình.

Từ lúc nhỏ - trong phim Người mẹ nhí chẳng hạn - Angela Phương Trinh đã có đông người xem vì cách diễn mỏng manh, nhưng tự nhiên, đầy cảm xúc. Trong cả Taxi, em tên gì? Sứ mệnh trái tim, tuy chưa thật hay, nhưng nếu so với mặt bằng diễn viên cùng trang lứa, cách diễn của Angela Phương Trinh có những ưu trội, đáng ghi nhận. Rất tiếc, dao kéo thẩm mỹ đã vô tình “phản bội” lại ước muốn vươn cao bay xa của chính chủ nhân.

Thiết nghĩ, đây không chỉ là kinh nghiệm cần rút ra với Angela Phương Trinh, với Trương Ngọc Ánh (các phim gần đây cũng bị tương tự), mà còn với nhiều diễn viên muốn đóng cảnh cận trên màn ảnh rộng.

Như Hà
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm