Anh lần đầu triển lãm tranh Francisco De Goya: Bậc thầy tranh chân dung

29/09/2015 06:37 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Cho dù miêu tả một thành viên hoàng gia xấu xí hay một người nghèo ở  Madrid, họa sĩ Tây Ban Nha Francisco de Goya (1746-1828) bao giờ cũng vẽ người trước rồi mô tả vị thế của họ sau. Phong cách vẽ này của ông được nêu bật trong triển lãm tranh chân dung tại Phòng trưng bày Quốc gia Anh.  

Triển lãm Goya: The Portraits tại Phòng trưng bày Quốc gia gồm 160 bức chân dung còn tồn tại của Goya, chiếm 1/3 trong số tranh mà ông đã vẽ.

Vẽ qua những gì thấy được

Titian, Holbein, Van Dyck và Rembrandt đều là những họa sĩ mô tả gương mặt và nhân vật một cách siêu việt, song họ lại thể hiện rõ sự khác biệt trong vẽ chân dung và những tác phẩm khác. Goya lại không như vậy. Cho dù vẽ tranh mang tính riêng tư, công cộng, trong tranh phác thảo hay bản khắc, người xem đều nhận thấy rõ nét   hình ảnh đất nước Tây Ban Nha trong đó.

Goya sống ở Tây Ban Nha vào thời điểm đất nước này đang chuyển chế độ và chịu tác động của cuộc Cách mạng Pháp, các cuộc chiến của Napoleon và sự khôi phục nền quân chủ.

 Goya đã từ vùng quê tối tăm tới triều đình Madrid và sau đó tới Bordeaux (Pháp). Năm 46 tuổi, ông bị điếc. Đó là thời điểm Tây Ban Nha bước vào giai đoạn hỗn loạn nhất, song ông không thể nghe được những gì đang diễn ra quanh mình, mà chỉ quan sát.

Các nhà tổ chức triển lãm gọi Goya là “cha đẻ của chân dung tâm lý”. Năm 37 tuổi, ông vẽ gương mặt người khác nhiều hơn chân dung tự họa. Trước đó, ông hay vẽ tranh mang những hình ảnh tôn giáo xung quanh thành phố Zaragoza quê hương mình và mô tả cuộc sống hàng ngày trong nhà máy thảm hoàng gia ở Madrid.

Mặc dù từng theo học Jose Luzan và Francisco Bayeu, người sau này trở thành anh vợ Goya khi ông kết hôn với Josefa “Pepa” Bayeu, song chủ yếu Goya vẫn tự học. Trong những năm 1760, Goya đã 2 lần cố gắng xin vào Viện Mỹ thuật Hoàng gia, song đều bị từ chối. Sau đó, ông đã tự lo tiền để sang Italy nhằm nâng cao học vấn nghệ thuật của mình.

Thế mạnh lớn nhất của Goya trong vẽ chân dung là bất chấp vị thế của người mẫu, dù người đó có là vua hay hoàng hậu, bá tước, bác sĩ hay nhà văn..., bao giờ ông cũng vẽ người trước và mô tả vị thế của họ sau. Với đặc điểm này, Goya thường bị nhìn nhận là một kẻ châm biếm nền quân chủ Bourbon hơn là một họa sĩ mô tả những gì mình nhìn thấy.

Năm 1780, Goya đã được tuyển chọn là thành viên của Viện Mỹ thuật Hoàng gia và nhận được sự ủy quyền vẽ chân dung đầu tiên từ một quý tộc. Năm 1783, Goya vẽ chân dung bá tước Floridablanca, một nhân vật quan trọng trong triều đình Vua Charles III. Và năm 1784, Goya cho ra đời tác phẩm tạo bước đột phá, The Family Of The Infante Don Luis De Borbon.

Tư thế trong tranh không có sự lặp lại

Kể từ đó, thành công đến với ông nhanh chóng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công ấy là ông không coi việc vẽ các bức chân dung là để kiếm tiền. Ông mê vẽ chân dung và cho rằng đó là “khoa học linh thiêng đòi hỏi nghiên cứu sâu”.

Các tranh chân dung đã thể hiện rõ ông là một nghệ sĩ đầy tâm huyết. Hầu như tư thế trong các bức chân dung của Goya không có sự lặp lại. Ông nghiên cứu rất kỹ để tạo tư thế cho người mẫu và sau đó mô tả một cách kỹ lưỡng không gian xung quanh họ. Khi mô tả trang phục, ông tự cho phép mình tự do, không gò bó, ràng buộc.

Thành công trong sự nghiệp, song Goya là người rất hay cáu giận vì có nỗi buồn riêng tư. Năm 1792-1793, ông bị ốm nặng sau khi bị tổn thương não và khiến ông bị điếc. Năm 1794, nữ công tước Alba “đã đến xưởng vẽ của tôi khẩn nài tôi vẽ gương mặt bà sau khi tôi đã vẽ chân dung mẹ chồng và chồng bà” – Goya từng kể.

Sau đó, Goya đã vẽ nhiều bức chân dung về nữ công tước Alba. Mặc dù có nhiều lời đồn đại, tuy nhiên không có bằng chứng nào cho thấy họ là người tình của nhau. Song Goya đã trở thành thành viên danh dự trong gia đình bà. Do đó, ông được đặc ân tiếp cận với nữ bá tước và đã vẽ rất nhiều tranh phác họa thân mật về bà, như hình ảnh mô tả bà trêu chọc người vú em hay ôm đứa con nuôi…

“Tác phẩm của tôi rất đơn giản. Nghệ thuật của tôi thể hiện chủ nghĩa lý tưởng và sự thật” - Goya từng tuyên bố.

Song trong tranh của Goya, sự thật luôn hiện hữu rõ hơn chủ nghĩa lý tưởng. Trong hợp đồng ủy quyền quan trọng nhất, vẽ chân dung Vua  Charles IV và gia đình hoàng gia vào năm 1800, Goya hoàn toàn không mô tả sự uy nghi và lộng lẫy của gia đình này mà mô tả đúng như những gì mà ông nhìn thấy ở họ.

Việt Lâm (theo Guardian)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm