Aung Thu: 'Sát thủ Myanmar' khiến Tuấn Anh 'nổi giận'

20/08/2017 06:04 GMT+7 | Các ĐTQG

(giaidauscholar.com) - “Niềm hy vọng của quốc gia chủ yếu dựa vào tài năng phi thường của Aung Thu. Mọi động tác của Aung Thu đều toát lên sự thông minh. Trước khi nhận được bóng, thằng bé đã biết phải làm gì tiếp theo, nhưng là làm mọi thứ vì đội bóng chứ không phải cho bản thân nó”.

HLV Gerd Zeise, một người Đức 65 tuổi vừa nói về Aung Thu, tiền đạo 19 tuổi mang quốc tịch Myanmar với đại diện truyền thông của FIFA năm 2015. Aung Thu đáng tuổi cháu của HLV Zeise nhưng ông coi cậu là báu vật, vì mọi danh hiệu, mọi dấu mốc ông giành được từ khi đặt chân tới quốc gia Đông Nam Á đều gắn liền với cái tên Aung Thu.

World Cup

Cuối năm 2014, giải bóng đá U19 châu Á đến với Myanmar, lâu rồi quốc gia này mới tổ chức một sự kiện tầm cỡ châu lục. Người dân Myanmar háo hức chờ đợi lứa U19 vừa giành Cúp Hassanal Bolkia ở Brunei tiếp tục đem về niềm vui. Thế rồi, phép màu xuất hiện.

Thầy trò HLV Gerd Zeise vượt qua vòng bảng với tư cách đội nhì bảng, tiếp tục vượt qua U19 UAE ở tứ kết, lọt vào top 4 đội mạnh nhất, đồng nghĩa với một suất tham dự FIFA U20 World Cup 2015. “Một quả bom” vừa nổ ở châu Á.

Tiền đạo số 1 Aung Thu chỉ ghi 2 bàn trong suốt hành trình ấy, nhưng không ai dám phủ nhận vai trò quan trọng của số 9. Ở trận bán kết, Aung Thu ghi một bàn thắng tuyệt hảo, một lần kiến tạo cho đồng đội lập công nhưng vẫn không đủ để giúp U19 Myanmar vượt qua U19 Qatar (Đội lên ngôi vô địch sau đó – PV). Aung Thu và các đồng đội không lọt vào được chung kết, không sao cả, vì giá trị mà anh và cả đội đem lại còn lớn lao hơn thế.

Bàn thắng tuyệt phẩm và đường kiến tạo của Aung Thu trong trận bán kết giải U19 châu Á với U19 Qatar năm 2014. Nguồn: AFC Hub.

Việt Nam có Nguyễn Hồng Sơn, Thái Lan có Kiatisak Senamuang được coi là tượng đài còn với người Myanmar, thật khó để nói bật ra một cái tên. Sự hưng thịnh của bóng đá Myanmar nằm ở những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Huy chương vàng Asian Games 1966, 1970, tham dự Olympic Munich 1972 là những kỳ tích có thật ở Myanmar. Với những người Myanmar của thời hiện đại, sự hưng thịnh ấy tưởng chừng đã là dĩ vãng cho đến khi lứa Aung Thu ra mắt.

Nửa thế kỷ trôi qua, Myanmar mới trở lại tầm thế giới. Một quốc gia thuộc vùng trũng của bóng đá tham dự World Cup là sự kiện rất đáng quan tâm. Thế giới sẽ biết đến Myanmar. Người dân tự hào vì được là một phần của quốc gia Myanmar. Aung Thu và các đồng đội đại diện cho sự tự hào ấy trình diện trước thế giới.

“Chinlone (môn thể thao truyền thống của Myanmar – PV) từng là số 1 ở nơi đây nhưng bóng đá càng ngày càng phổ biến. Việc được tham dự World Cup khiến mọi người rất tự hào. Họ muốn chơi bóng đá ngay và chẳng mấy chốc nó sẽ trở thành số 1”, HLV Gerd Zeise nói.

Một năm sau ngày tham dự FIFA U20 World Cup, Mỹ chính thức dỡ bỏ lệnh cấm vận về thương mại với Myanmar. Những giấc mơ đẹp tươi trở thành hiện thực cứ liên tục đến với xứ sở này chỉ trong vỏn vẹn vài năm.

Chú thích ảnh
Aung Thu (số 9) là học trò cưng của HLV Gerd Zeise tại U19, U20 và U22 Myanmar. Ảnh: Myanmar Football Federation.
U19 Myanmar giành quyền dự VCK U20 thế giới: Tẩm ngẩm tầm ngầm mà đấm chết voi!

U19 Myanmar giành quyền dự VCK U20 thế giới: Tẩm ngẩm tầm ngầm mà đấm chết voi!

Myatthu Myo, một anh bạn người Myanmar mà tôi mới quen, trả lời khiêm nhường: "Tôi nghĩ ít nhất phải 10 năm nữa hẵng tính. Chúng tôi còn thiếu kinh nghiệm".

Tuấn Anh nổi giận

Thật khó để chứng kiến một cầu thủ điềm đạm và hiền lành như Nguyễn Tuấn Anh nổi giận, vậy mà Aung Thu đã khiến một trong những tài năng bóng đá Việt không giữ nổi sự bình tĩnh.

23/8/2014, chung kết Hassanal Bolkia Cup, U19 Myanmar 3 – 3 U19 Việt Nam. Công Phượng vừa gỡ hòa.

Phút 82, Aung Thu có bóng bên cánh trái. Anh đi bóng đến sát vòng cấm. Aung Thu ngoặt bóng vào trong, trước mặt anh là Lê Văn Sơn, phía sau Tuấn Anh đang lao về. Aung Thu đẩy bóng thêm hai nhịp rồi tung cú cứa lòng chân phải đẹp ngỡ ngàng, vài tíc tắc, bóng đã nằm ngoan trong lưới U19 Việt Nam. 4-3 cho U19 Myanmar, U19 Việt nam bất động, Văn Sơn nằm im sau cú xoạc bóng trong vô vọng.

Tuấn Anh thì khác, cậu cúi gằm mặt trong khoảnh khắc rồi tung chân đá mạnh vào mặt cỏ SVĐ quốc gia Hassanal Bolkia, hất tung không khí ở Brunei. Hình ảnh ấy phản chiếu sự bực tức và khó chịu rất lớn trong lòng Tuấn Anh, một cử chỉ mạnh mẽ có thể thấu cảm được khi những nỗ lực của toàn đội một lần nữa bị dập tắt. 4 lần Lê Văn Trường vào lưới nhặt bóng gần bằng cả 6 trận đấu trước cộng lại. Bóng đá Việt Nam một lần nữa đánh rơi huy chương vàng tưởng như đã ở rất gần sau khi hạ đối thủ truyền kiếp Thái Lan ở bán kết.

Pha dẫn bóng ghi bàn đẹp mắt của Aung Thu và hành động nổi giận của Tuấn Anh trong trận chung kết Hassanal Bolkia Cup năm 2014. Nguồn: VTV6.

Thế nhưng, Aung Thu chưa dừng lại. Một tháng sau, tại trận bán kết Giải U19 Đông Nam Á, số 9 lại ghi bàn vào lưới Lê Văn Trường, chỉ khác một điều, U19 Việt Nam thắng 4-1, trả sòng phẳng vốn liếng đã vay ở Brunei. Tuấn Anh là người ghi bàn mở tỷ số cùng một pha ăn mừng theo phong cách Ricardo Kaka.

20/11/2016, tuyển Việt Nam đối mặt chủ nhà Myanmar. Aung Thu lại nổ súng từ sát vòng 16m50 và nếu đội trưởng Công Vinh không lên tiếng ấn định chiến thắng 2-1 thì có lẽ tuyển Việt Nam đã phải đối đầu với Thái Lan ở bán kết.

Trước đó, năm 2015, U23 Myanmar hạ U23 Việt Nam 2-1 ở bán kết SEA Games 28 nhưng Aung Thu không góp mặt. Đại hội năm ấy, số 9 lỡ hẹn vì chấn thương.

Kỳ đại hội lần này Aung Thu không còn lỡ hẹn nữa. U22 Myanmar vượt qua vòng bảng sớm 1 vòng. Ba trận đấu, Aung Thu đều ghi bàn mở tỷ số, góp dấu giày vào 4/11 bàn thắng của đội, dẫn đầu danh sách vua phá lưới.

SEA Games 29, hàng phòng ngự nào cũng ngại Aung Thu.

Ba bàn thắng của Aung Thu vào lưới các đội tuyển quốc gia của Việt Nam. Nguồn: VTV6.

U19 Myanmar 4-3 U19 Việt Nam: Gục ngã vì hàng thủ

U19 Myanmar 4-3 U19 Việt Nam: Gục ngã vì hàng thủ

Một trận đấu kịch tính và căng thẳng đến những phút cuối cùng. U19 Việt Nam đã chơi với tinh thần quyết thắng, với nỗ lực tuyệt vời nhưng cuối cùng để U19 Myanmar đánh bại 4-3 do những sai lầm vô cùng đáng tiếc và đáng trách của hàng thủ.

Người thừa kế

7 năm trước, bóng đá Đông Nam Á được chứng kiến cuộc chiến của những tiền đạo cắm hàng đầu. Thái Lan có Teerasil Dangda, Việt Nam có Công vinh, Singapore có Khairul Amri, Malaysia có Safee Sali, Indonesia có Boaz Solossa và Cristian Gonzales, Philippines có Phil Younghusband.

Thực tại đã xoay chuyển 180 độ, những huyền thoại giải nghệ hoặc đã đủ già khiến Việt Nam, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines chật vật đi tìm cái tên thay thế. Myanmar thì ung dung vì sau Kyaw Ko Ko, Aung Thu đã sẵn sàng từ lâu rồi.

HLV Radojko Avramovich, người từng giành 3 chức vô địch AFF Cup cùng Singapore từng nói về Aung Thu khi dẫn dắt đội tuyển Myanmar năm 2014: “Khi tôi nhìn thấy chàng trai này (Aung Thu) lần đầu tiên, tôi đã phát hiện ra sự đặc biệt. Tài năng của cậu ấy rất lớn và khoảng thời gian tới cậu ấy sẽ trở thành tiền đạo hàng đầu của Myanmar. Những mùa AFF Suzuki Cup tiếp theo cũng sẽ là thời gian của cậu ấy”.

HLV Gerd Zeise huấn luyện Aung Thu từ đội U19, gắn bó 4 năm nên chỉ nhận xét trong một câu ngắn gọn súc tích: “Thằng bé có thể chơi cho những CLB ở châu Âu”.

Chú thích ảnh
Aung Thu sở hữu bản năng săn bàn bẩm sinh, tốc độ, khả năng dứt điểm và sự lạnh lùng giúp anh gần như không bao giờ bỏ lỡ các cơ hội đối mặt. Ảnh: Myanmar Football Federation.

Aung Thu là tiền đạo không bao giờ bỏ lỡ cơ hội khi đối mặt, khả năng đánh hơi bàn thắng của tiền đạo 21 tuổi được gọi là “kỹ năng hảo hạng”. Hãy xem lại trận đấu của U19 Myanmar với U19 Qatar, U19 Việt Nam năm 2014, U20 Myanmar với U20 New Zealand năm 2015 và những trận đấu vừa kết thúc của U22 Myanmar tại SEA Games 29.

Aung Thu sử dụng thuần thục những cú đặt lòng sệt không thể cản phá như trong trò chơi điện tử. Aung Thu chỉ cao 1m67 nhưng di chuyển tinh quái và lướt đi nhanh như một cơn gió. “Những cầu thủ Myanmar đặc biệt là Aung Thu rất nhanh, chúng tôi không thể rời mắt khỏi họ”, HLV Kiatisak Senamuang phát biểu trước trận bán kết giữa Myanmar và Thái Lan ở AFF Suzuki Cup 2016.

Aung Thu vì thế được coi là tinh túy trong công tác đào tạo trẻ tại Myanmar ở kỷ nguyên mới. Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Myanmar, tỷ phú Zaw Zaw rất tự hào với lứa cầu thủ này vì đã chứng minh được những cải tổ của ông cho nền bóng đá là đúng đắn, như cách bầu Đức đối xử với lứa Công Phượng vậy.

Trang chủ AFF Suzuki Cup từng viết một tiêu đề rất giàu hình ảnh vào cuối năm 2016: “Thời gian này là của Teerasil nhưng Aung Thu đang háo hức đợi ở đường biên”, ám chỉ rằng Aung Thu luôn sẵn sàng thay thế Teerasil Dangda ở sân khấu chính cho vị trí tiền đạo số 1 Đông Nam Á.

4 bàn thắng của Aung Thu tính đến thời điểm hiện tại của SEA Games 29.

Đôi nét về Aung Thu:

Ngày sinh: 22/5/1996

Nơi sinh: Pyinmana, Myanmar

Vị trí thi đấu: Tiền đạo cắm/Tiền đạo cánh

Thần tượng: Lionel Messi

CLB: Yadanarbon FC (2013 - nay)

Chú thích ảnh
Aung Thu (số 9) là tiền đạo mà bất cứ đội tuyển quốc gia Đông Nam Á nào cũng thèm khát. Ảnh: AFC.

- Năm 2009, gia nhập học viện bóng đá Myanmar ở Mandalay (Năm 2004, 5 dự án của FIFA Goal đã cho phép Myanmar xây dựng trụ sở và viện nghiên cứu bóng đá. Cùng với đó, việc tỷ phú Zaw Zaw lên làm chủ tịch MFF giúp Myanmar hiện tại có một trường đào tạo, 2 học viện đào tạo và 5 trung tâm huấn luyện).

- Năm 2011, thi đấu cho U16 Myanmar tại giải U16 Đông Nam Á (ghi 4 bàn)

- Năm 2014:

+ Vô địch cúp Hassanal Bolkia ở Brunei (ghi 4 bàn).

+ Hạng 3 giải U19 châu Á (ghi 2 bàn)

- Năm 2015:

+ U20 Myanmar tham dự FIFA U20 World Cup.

+ 13/10/2015, ghi bàn đầu tiên cho ĐTQG trong trận đấu với Lào tại vòng loại World Cup 2018.

+ Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất Đông Nam Á.

- Năm 2016:

+ Nhân tố chính giúp Yadanarbon FC vô địch giải VĐQG Myanmar.

+ Cầu thủ xuất sắc nhất giải VĐQG Myanmar

+ Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất AFF Suzuki Cup.

Nhà báo Scott McIntyre, chuyên gia về bóng đá Đông Nam Á của Four Four Two và Fox Sports Asia:

“Nếu Chan Vathanaka được đến Nhật Bản thì không có lý do gì sát thủ của Myanmar không thể làm được điều tương tự. Kỹ thuật, sức mạnh, tốc độ và khả năng dứt điểm hoàn hảo, cầu thủ 21 tuổi đang thử vận may ở một trong những giải đấu nhỏ của Đông Nam Á, chuyển sang một giải đấu mới như của Ấn Độ dường như là ý tưởng ban đầu, một nấc thang mới cho tài năng của cậu ấy”.

Hiếu Lương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm