Nguy cơ chó thả rông: Dấu hiệu nhận biết và cách phòng bệnh dại

07/06/2018 15:11 GMT+7 | Bạn cần biết

(giaidauscholar.com) - Ở nước ta, theo các chuyên gia dịch tễ, bệnh dại có số người tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm gây dịch. Hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không đi tiêm vắc xin điều trị dự phòng bệnh dại sau khi bị chó (mèo) cắn. Mới đây, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận một nữ bác sĩ thú y bị chó cắn trong khi chữa bệnh cho chính con chó đó, do không tiêm phòng nên bệnh nhân bị mắc bệnh dại và tử vong.

Bệnh dại có chiều hướng gia tăng

Bệnh dại được xem là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do virút dại thuộc họ Rahabdovirus gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh và được đánh giá là bệnh truyền nhiễm gây chết người đáng sợ nhất của loài người. Bệnh lây chủ yếu qua vết cắn hoặc vết xước (thường do chó, mèo gây ra).

Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật). Bệnh dại đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào hạng thứ 12 trong các bệnh truyền nhiễm gây tử vong.

Chú thích ảnh
Ảnh: Internet

Ở nước ta, trong những năm gần đây, bệnh dại đang có chiều hướng gia tăng và thực sự là mối nguy hiểm lớn cho con người và vật nuôi. Đặc biệt, bệnh có nguy cơ tăng mạnh vào mùa nắng nóng. Theo thống kê của ngành Y tế, trong năm 2016, số người tử vong vì bệnh dại cả nước là 91 người, năm 2017 là 63 người và riêng 4 tháng đầu năm 2018 là 18 người.

Về nguyên nhân của tình hình bệnh dại, theo cơ quan y tế, chủ yếu là do đàn chó nuôi chưa được tiêm phòng vắc xin dại triệt để, nhiều nơi tiêm phòng đạt tỷ lệ thấp, có địa phương không tổ chức tiêm phòng; hiện tượng chó, mèo nuôi thả rông, không được quản lý còn phổ biến. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về sự nguy hiểm của bệnh dại, còn chủ quan, khi bị chó, mèo cắn không đến các cơ sở y tế để tư vấn, tiêm vắc xin phòng bệnh dại dẫn đến bị phát bệnh và tử vong.  

Dấu hiệu nhận biết và cách phòng bệnh dại

Bệnh dại là bệnh rất nguy hiểm đối với tất cả mọi người. Tuy nhiên, đây là loại bệnh chúng ta toàn có thể phòng tránh được. Do đó, hiểu về bệnh dại để có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả là một việc làm hết sức quan trọng và cần thiết.

- Dấu hiệu nhận biết

Bệnh dại có rất nhiều biểu hiện, thời gian phát bệnh dài hay ngắn phụ thuộc vào vết cắn, vết cắn càng gần thần kinh trung ương (đầu, mặt, cổ), vết thương càng nặng thì thời gian phát bệnh càng ngắn.  

Trong một số trường hợp bệnh có thể có thời gian ủ bệnh đến 1 năm sau mới phát bệnh, trước khi phát bệnh từ 2 đến 4 ngày người bệnh có cảm giác đau nhức vết cắn, sưng tấy lên đồng thời kèm theo một số dấu hiệu như: bồn chồn, nóng nảy, cáu giận la hét vô cớ, không kiềm chế được bản thân, có những hành động dữ dằn, bất bình thường. Tiếp đến là người bệnh lên cơn co giật, co cứng toàn thân, sợ nước, sợ ánh sáng, co thắt hệ hô hấp, liệt 1 hoặc 2 chi dưới sau đó lan dần lên trên dẫn đến khó thở (do liệt cơ hô hấp) thời gian phát bệnh đến lúc tử vong khoảng từ 4 đến 10 ngày.

- Cách phòng bệnh

Để chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Tiêm đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo; không đùa nghịch hay trêu chọc chó, mèo.

Khi bị chó, mèo cắn, cào cần: rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút dưới vòi nước sạch với nước xà phòng, sau đó sát khuẩn bằng cồn 450-700 hoặc cồn i ốt để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường, như: rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn i ốt hoặc Povidone, Iodine, hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Tiếp đó, cần đến ngay trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.

Ngoài ra, cần tuyên truyền tới từng hộ gia đình về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, để người dân chủ động phòng chống bệnh cho bản thân và cộng đồng thực hiện các biện pháp quản lý và phòng bệnh trên đàn chó nuôi theo hướng dẫn của cán bộ thú y, ký cam kết thực hiện 5 không: không nuôi chó mèo không tiêm phòng dại; không nuôi chó mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương; không nuôi chó thả rông; không để chó cắn người; không để chó mèo gây ô nhiễm môi trường.

Tuyên truyền cho những người có nguy cơ cao (động vật cắn, cào) hoặc nghi mắc bệnh dại thực hiện điều trị dự phòng bằng vắc xin, huyết thanh kháng dại theo hướng dẫn của cán Bộ Y tế. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.  
Hiện nay ở nước ta, tại trung tâm y tế dự phòng tỉnh và các trung tâm y tế tuyến huyện đều có vắc xin, huyết thanh kháng dại và thực hiện tiêm miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi và người nghèo.

Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, tính đến ngày 8-5-2018, có 5 vắc xin phòng dại được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam, bao gồm: Verorab (sản xuất tại Pháp), Abhayrab, Indirab,Speeda và Rabipur (đều được sản xuất tại Ấn Độ).

Cục Quản lý Dược khẳng định cung ứng đủ vắc xin phòng bệnh dại cho người dân

Cục Quản lý Dược khẳng định cung ứng đủ vắc xin phòng bệnh dại cho người dân

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã nhận được thông tin phản ánh về nguy cơ chưa cung ứng đủ vắc xin phòng bệnh dại. Nguyên nhân là do nhu cầu tiêm phòng dại của nhân dân tăng cao từ quý I/2018, đặc biệt vào các tháng mùa hè. Do đó, các đơn vị không đủ vắc xin dự trữ; giá dự thầu vắc xin này cũng cao hơn giá mời thầu. Ngoài ra, một số đơn vị chưa chủ động thay thế nguồn vắc xin trong trường hợp nguồn cung thiếu..

TTXVN/Đàm Trung (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm