(giaidauscholar.com) - Ngọt tự nhận mình may mắn hơn so với nhiều nghệ sĩ độc lập khác. Bởi họ đã chứng kiến rất nhiều cú ngã đau của đồng nghiệp. Đau đến mức không gượng dậy được.
2017 là một năm không thể ngọt ngào hơn với Ngọt. 3.000 vé cho tour diễn xuyên Việt đầu tiên của họ tại Hà Nội và TP HCM trong tháng 8 được bán hết sạch. Album phòng thu thứ hai, Ng`bthg tạo hiệu ứng mạnh với 4.000 bản phát hành.
Thành tích trên, nếu so với những tên tuổi khác trên thị trường thì rõ ràng đúng như Ngọt tự nhận, "không bằng một góc". Nhưng nhìn từ góc độ một nhóm nhạc độc lập, vốn liếng không gì khác ngoài âm nhạc, một nhóm nhạc từng trải qua những ngày tháng ngồi đếm từng cái like, từng lượng "Kẹo" tăng dần mà "ăn mừng", thì đây là dấu mốc đáng kể.
Và đằng sau những lời khen có cánh, những áng văn ngợi ca mỹ miều trên truyền thông, đằng sau ánh đèn sân khấu với ẩn hiện những khuôn mặt háo hức của khán giả đa phần còn trẻ măng, Ngọt trở lại là những chàng trai 9x Hà Nội chân thành, mộc mạc pha chút lém lỉnh tếu táo. Trở lại với nỗi lo "tồn tại".
Bốn chàng trai ấy đã đến với âm nhạc bằng đam mê, nhưng những nỗi ám ảnh rất điển hình của một nhóm nhạc độc lập "tự tay làm hết" lại buộc họ phải sân si khi hoạch định mục tiêu cho mình.
Gặp lại Ngọt 2 tuần kể từ lễ trao giải Âm nhạc Cống hiến lần 13-2018, vẫn cách nói chuyện bộc trực không tô vẽ vậy, Ngọt kể chuyện về năm tháng khó khăn thuở đầu, về cả những góc khuất của tháng ngày rực rỡ hiện tại.
* Là nghệ sĩ Indie đầu tiên nhận giải Âm nhạc Cống hiến. Và đây cũng là giải thưởng chính thống đầu tiên của Ngọt. Các bạn cảm thấy sao?
Vũ Đinh Trọng Thắng: Ngọt rất cảm kích các anh chị nhà báo đã tín nhiệm bỏ phiếu cho Ngọt. Cảm ơn khán giả vì đã ủng hộ Ngọt dù bản thân nhóm không có đầu tư vào truyền thông.
Và giải thưởng này không chỉ là phần thưởng, mà là điều mà Ngọt cũng như cộng đồng Indie đang thực sự cần. Để có động lực tiếp tục con đường mình theo đuổi.
* Ngọt đã bắt đầu thế nào?
Vũ Đinh Trọng Thắng: Ngọt bắt đầu chính thức từ năm 2013, tầm tháng 11 và 12. Ban đầu tập những bài mình sáng tác. Sau đó có nhiều thành viên hơn thì bắt đầu đến các quán cafe xin để được chơi nhạc.
Những chỗ đó tất nhiên họ không thích lắm vì mình chỉ chơi nhạc của mình thôi không cover bài nào khác. Lại còn không có bản thu trước nữa. Mình cũng hiểu cái khó của họ vì không biết nhạc của mình ra làm sao.
Về sau Ngọt mới quyết định thu âm một số bài đăng lên souncloud. Ngày ấy chất lượng thu âm kém lắm vì không có tiền, toàn sinh viên năm nhất mà. Cứ điện thoại đứa nào tốt nhất thì dùng cái đó để thu. Kiểu nhạc tự sáng tác tự thu âm giản dị vậy thế nào mọi người lại thích.
Sau này có điều kiện thu âm tốt hơn, nhiều bạn lại bảo nhớ cái kiểu giản dị đơn giản ngày trước. Nhưng biết sao được, việc của mình là phải làm cái tốt nhất trong khả năng thôi.
Rồi sau vài lần thay đổi thành viên thì được đội hình như hôm nay. Vốn liếng lớn nhất có được đến thời điểm này là tính kỉ luật khi làm việc của nhóm.
*Còn việc tập hợp thành viên thì sao? Liệu có “định mệnh” nào đưa Ngọt đến với nhau chăng?
Vũ Đinh Trọng Thắng: "Ngưu tầm ngưu mã tầm mã" thôi. Mình đi đánh show thì bắt đầu gặp anh Hoàng, còn hồi cấp 2 học chung với Nam Anh và Tuấn. Trước thì cứ đi hỏi loanh quanh ở Hà Nội, kiểu “có ông nào biết đánh đàn không thì về chơi với band tôi”.
Phan Việt Hoàng: Nói chung là không lãng mạn lắm đâu.
Vũ Đinh Trọng Thắng: Đúng rồi. Không phải kiểu một ngày đẹp trời giữa quán café lãng mạn chạm mặt nhau như định mệnh đâu. Chủ yếu mình là người đi hỏi.
*Bản thân Thắng tự sáng tác, hát và chơi nhạc cụ được sao không nghĩ đến chuyện solo?
Vũ Đinh Trọng Thắng: Mình cũng nghĩ đến rồi nhưng lại nghĩ solo thì sao vui bằng lập ban nhạc. Có nhiều nhạc cụ khác làm cho nhạc của mình dày hơn, mình lại luôn muốn phối nhạc của mình càng ngày càng dày nữa thành ra mình thích làm việc với ban nhạc.
Làm việc với bản thân thì dễ thật nhưng đội nhóm cho mình nhiều thứ với nhiều đức tính hay hơn.
* Nhưng hoạt động nhóm cũng có cái khó chứ?
Vũ Đinh Trọng Thắng: Đúng rồi. Nhưng đó là lửa thử vàng để mình có nhiều kinh nghiệm hơn.
Ví dụ như một vấn đề mình thấy là của hầu hết ban nhạc tại Hà Nội đó là đi muộn. Cái đấy phải sửa rất lâu. Về sau mình thấy là muốn sửa thì mình phải là người đến đúng giờ đã.
Hay như chuyện phối hợp, phân công nhiệm vụ làm sao cho hợp lý. Một bản phối ai có trách nhiệm gì, phần nào. Không thể nào cả band cùng hùa nhau phối nhạc được. Mỗi người một ý thì gay.
* Thành viên của Ngọt ai cũng yêu âm nhạc từ nhỏ, sao không chọn theo học nhạc bài bản?
Phan Việt Hoàng: Lật lại câu chuyện lịch sử ngày trước phụ huynh là người bỏ tiền cho mình đi học. Bố mẹ mình thì cũng chỉ coi đó là một môn năng khiếu thôi. Thi đỗ đại học xong mình đặt vấn đề theo học nhạc viện bố mẹ cũng không đồng ý.
Phải đến khi hoàn thành xong chương trình cao học thì bố mẹ mới đồng ý cho mình đi theo con đường âm nhạc.
Mà có lẽ chương trình học bài bản, khuôn khổ như ở nhạc viện cũng không hợp với một nhóm nhạc cá tính như Ngọt.
Nguyễn Hùng Nam Anh: Ngoài âm nhạc thì thực ra chúng mình cũng có những đam mê khác. Nên con đường mình chọn sẽ là cả hai.
* Tự mày mò học nhạc, Ngọt có bị ảnh hưởng bởi nghệ sĩ đi trước nào không?
Vũ Đinh Trọng Thắng: Có chứ. Thực ra mình chẳng là gì ngoài những mảnh ghép của các nghệ sĩ hoặc con người mà mình thích. Có khá nhiều, người mình nghe gần đây, người mình nghe lâu rồi. Mình ảnh hưởng của The Beatles, Nirvana hay một số band nhỏ hơn.
Phan Việt Hoàng: Không thể phủ nhận sự ảnh hưởng rất lớn. Ngày xưa học đàn mình chủ yếu học theo những người mình thần tượng. Mỗi người một chút. Đúng như Thắng nói, mình như mảnh ghép của những người hoặc thể loại mình nghe.
* Phải lo cả những việc phụ vậy Ngọt sắp xếp thời gian thế nào?
Phan Việt Hoàng: Phải chấp nhận và hi sinh thôi. Ngày trước mình đi làm 8 tiếng, tối về lên studio tập với anh em. Khó khăn nhất là sắp xếp thời gian làm sao không ảnh hưởng đến gia đình, bạn gái mà bây giờ là vợ mình. Cũng may mọi người đều thông cảm, và cũng may nữa là năm 2017 Ngọt tương đối thành công nên mọi người có cái nhìn khác.
* Đã có rất nhiều mỹ từ người ta dùng để miêu tả âm nhạc của Ngọt. Còn các bạn dùng từ gì để tự nói về mình?
Vũ Đinh Trọng Thắng: Mỗi bài của Ngọt sẽ có một câu chuyện riêng, và một từ riêng. Mình viết nhiều và vứt cũng nhiều. Đủ nhiều để biết là những bài mình chọn là hay lắm rồi. Mà phải hay mới dám thu âm vì cũng tốn tiền.
Bởi vì nó hay nên mỗi bài đặc biệt và khó để gom hết thành một từ được.
* Cụ thể, Thắng sáng tác nhiều đến mức độ nào?
Vũ Đinh Trọng Thắng: Mỗi ngày mình đều đặt ra quy tắc phải viết một bài, hoặc ít nhất là một giai điệu. Nếu như hôm sau mình không còn nhớ gì về nó nữa tức là không đủ hay và mình sẽ bỏ nó đi.
Sáng tác với mình là công việc, chứ không phải sở thích nên mình luôn cố gắng mài dũa nó, rèn luyện để tìm ra bản sắc riêng.
Đó là kỉ luật mình đặt ra. Trong đầu luôn luôn nghĩ là khoảnh khắc này, tình huống này có đáng để viết ra thành bài hát không. Cảm hứng thì đến từ khắp muôn nơi, từ cuộc sống, tình yêu, sách vở...
* Là một nhóm nhạc độc lập, nghĩa là tự làm mọi thứ. Ngọt phải đối mặt với những áp lực gì?
Phan Việt Hoàng: Công việc luôn ngập tràn. Thậm chí ngay đêm nhận giải Cống hiến về vẫn ngồi hì hụi chuẩn bị, vẽ logo... Độc lập mà, phải tự lo hết tất cả. Làm thế nào để nhạc hay. Rồi làm thế nào để mọi người đồng cảm và ủng hộ sản phẩm của mình. Các buổi biểu diễn cũng phải tự bỏ tiền ra. Lo được khâu tổ chức rồi thì lại sợ ít người đến xem show.
Là một nghệ sĩ độc lập thì luôn trong trạng thái như đi trên dây, ngã lúc nào chẳng biết. Mà có những cú ngã không gượng dậy nổi. Ngọt may mắn chưa gặp phải tình trạng đó nhưng mình đã nhìn thấy nhiều anh em khác. Họ ra sản phẩm không ai quan tâm dù nhạc hay. Sau đó tan rã rồi bỏ.
Nam Anh: Còn cả áp lực về tài chính nữa…
* Áp lực tài chính phải chăng là lý do Ngọt phải viện đến hình thức gây quỹ cộng đồng để thực hiện album đầu tiên, “Ngọt”?
Phan Việt Hoàng: Cái này thì phải hỏi bạn gái của Thắng (cười).
Vũ Đinh Trọng Thắng: Thực ra ngày ấy mình cũng nghiện mấy dự án crow-funding, gây quỹ cộng đồng. Mình thấy nó có ý nghĩa, đầu tư cho người có ý tưởng hay khi họ trình bày được ý tưởng ấy. Ngọt bấy giờ đã có một số người ủng hộ rồi nên mình mới đặt vấn đề với mọi người có thể ủng hộ để chúng tôi ra album được không.
Dự án thất bại vì không đến được mức hoàn thành được album nhưng thay vào đó, Ngọt có được một số bạn bè ủng hộ bằng cách mix nhạc giúp hoặc với mức giá rất trẻ.
* Nói về những người ủng hộ Ngọt thì không thể không nhắc đến các “Kẹo”. Cái tên “Kẹo” xuất phát từ đâu?
Vũ Đinh Trọng Thắng: Cũng tình cờ thôi. Có lần mình viết post đếm thành viên trên group fan bởi ngày ấy cộng đồng fan còn ít. Đếm thì cứ 100 người thì ghi 100 kẹo, 200 người ghi 200 kẹo. Dần quen miệng gọi luôn là các bạn Kẹo. Bạn bè mắng cho bảo sến súa nhưng về sau thấy cũng hay.
Nam Anh: Ngày trước Ngọt hay ngồi đếm lượng like, lượng kẹo từng ngày một. Chờ đến số chẵn để ăn mừng.
Vũ Đinh Trọng Thắng: Bây giờ thì nhiều quá không đếm nổi nữa (cười).
* Để nói về các Kẹo, Ngọt sẽ nói gì?
Nam Anh: Kẹo thì giống như cái tên ấy. Dễ thương, hầu hết là hiền và ngoan, ủng hộ một cách rất vô điều kiện. Có những bạn lần nào đến show cũng tặng quà, tặng đồ tự làm.
Vũ Đinh Trọng Thắng: Mình chưa từng nghĩ Ngọt sẽ được ủng hộ đến thế. Mình sáng tác ra thì chỉ biết là mình thấy nó hay thôi chứ đâu biết người khác có thấy hay không.
Đạt được đến lượng ủng hộ gì đó trong khi không có quảng cáo gì nhiều, ngoại hình thì nhìn cũng ở mức nhìn được thôi, Ngọt rất cảm kích điều đó. Đây là động lực lớn để chúng mình tiếp tục.
* Lượng Kẹo ngày một tăng có đồng nghĩa với việc nguồn tài chính của Ngọt đã cải thiện hơn trước?
Phan Việt Hoàng: Đến ngay như bây giờ Ngọt cũng chưa bao giờ dư dả. Nguồn thu từ âm nhạc bây giờ đủ để nhóm có thu nhập như một người làm công ăn lương bình thường.
Mỗi lần làm sản phẩm hay liveshow, Ngọt luôn phải tính đến bài toán đầu tư, sinh lời rồi lại dùng số tiền thu được ấy để tái đầu tư và tồn tại.
Ví dụ ra album đầu tiên, may mắn là hiệu ứng tốt nên có được vài lời mời. Số tiền thu được ấy mình lại dùng để làm album 2, album 3. Tiếp theo cũng sẽ như vậy thôi.
* Nhìn sang các nghệ sĩ Indie khác, Ngọt thấy sao?
Phan Việt Hoàng: Đây là tình trạng chung của các nhóm nhạc độc lập. Vì gần như chẳng ai bỏ vốn cho bọn mình dù có tài năng.
Nhu cầu của đa phần khán giả bây giờ là nghe dòng nhạc khác. Khi bỏ vốn kinh doanh bằng âm nhạc, người ta sẽ không thích đầu tư vào những người đi theo đam mê như tui mình. Nhạc hay là một chuyện, nhạc bán được lại là chuyện khác.
Ngọt chỉ là một trường hợp rất may mắn thôi. Chứ đa phần nghệ sĩ Indie Việt Nam không được may mắn như thế.
Nhưng nói gì thì nói, Ngọt có thể đứng đầu về lượng fan ở cộng đồng Indie, còn nhìn ra thị trường thì chẳng được một góc. Để các thành viên dành toàn bộ thời gian cho âm nhạc thì khá khó. Chúng tôi vẫn phải có công việc riêng.
Vấn đề chật vật trong mưu sinh vẫn ám ảnh các nghệ sĩ Indie hằng ngày.
* Nhưng phải chăng để giữ được chất riêng thì nghệ sĩ độc lập vẫn nên… độc lập thôi?
Phan Việt Hoàng: Nếu gặp được nhà đầu tư “thiên thần”, yêu âm nhạc và sẵn sàng hỗ trợ cho các bạn thì câu chuyện sẽ khác. Còn hiện tại thị trường âm nhạc Việt Nam còn khá non trẻ so với thế giới để có được những nhà đầu tư như thế. Trên thế giới thì có nhiều.
* Ngọt đã có kế hoạch gì cho thời gian tới chưa?
Nguyễn Hùng Nam Anh: Ngọt rất muốn thử thách chính mình trong âm nhạc và gia tăng cả số lượng khán giả.
Phan Việt Hoàng: Thực ra Ngọt cũng sân si, tham lam lắm. Đã vượt được ngưỡng này rồi thì lại đến ngưỡng khác.
* Nghĩa là Ngọt sẽ không chỉ chơi nhạc vì đam mê, vì chính Ngọt như nhiều người vẫn nói?
Nguyễn Hùng Nam Anh: Đam mê là câu chuyện của 1, 2 năm trước rồi. Đến giờ này Ngọt đã đạt được thành công nhất định thì buộc phải đặt ra mục tiêu nghiêm túc hơn.
Phan Việt Hoàng: Ngày trước chưa có tham vọng nhưng thật ra vẫn ước mơ chứ. Nghệ sĩ nào chẳng muốn được đứng trên sân khấu 1000, 2000 người.
* Nói về “Em dạo này” đi, Ngọt sáng tác ca khúc này như thế nào?
Vũ Đinh Trọng Thắng: Bài này mình viết về Nấm, người yêu hiện tại của mình. Bài hát hình thành trong đầu khi mình đang lái xe từ trường về nhà. Sau đấy tạt qua chỗ ông bạn mượn đàn để phối lại.
Ông bạn này người Pháp, ghét nhạc valse. Mình nhớ có nói với ông ấy rằng: “Đây sẽ là bài ông ghét nhất của tôi. Nhưng là bài mọi người thích nhất”.
* Nhưng “Em dạo này” lể về chàng trai sau khi chia tay nghĩ về người yêu cũ mà…
Vũ Đinh Trọng Thắng: Mình với Nấm từng chia tay rồi quay lại. Lúc viết bài này thì đã chia tay một thời gian rồi, mới bắt đầu chiêm nghiệm lại. Thế mới có câu hát “Anh dù không muốn tình cờ gặp lại nhau lần nữa..” đó. Hồi ấy là không muốn gặp lại thật. Đến lúc quay lại với nhau Nấm có nói đây là điều lãng mạn nhất mình dành cho bạn ấy.
* Tiết lộ một chút về nhân vật “Em”?
Vũ Đinh Trọng Thắng: Chẳng biết nói sao. Mình chỉ biết là ngay lúc này mình rất muốn về vì Nấm đang nấu cơm ở nhà (cười).
* Rồi sau khi sáng tác, nhóm phát triển ca khúc thế nào? Tại sao lại nghĩ đến một phong cách rất Pháp như vậy?
Vũ Đinh Trọng Thắng: Bài này phát triển cũng mất kha khá thời gian.
Phan Việt Hoàng: Ban đầu Thắng chỉ đánh Acoustic vì chưa có ý đồ gì với bài này. Về sau vào phòng thu nhóm lại thấy mình cần nhiều hơn thế.
Vũ Đinh Trọng Thắng: Lúc ấy mình nghĩ là đánh riêng hát riêng nó chỉ dừng ở mức thông điệp. Nhưng sau rồi nó thành bài hát thì nó phải cần bản phối tử tế. Mình luôn muốn các sản phẩm phải có cả 4 thành viên tham gia. Bây giờ có đàn, piano, guitar đưa vào thì dễ nhưng đến phần trống lại thấy không gì hợp hơn là trống đánh bằng dùi chổi kiểu Jazz. Thế là nhóm mới quyết định sẽ làm bản phối mang màu sắc âm nhạc Pháp.
Tình cờ thế nào đúng đợt này Ngọt được mời sang Pháp diễn. Cả nhóm mới ngồi lại, chiêm nghiệm không khí lãng mạn ở Paris. Cùng với đấy mình cũng thường xuyên nghe gypsy jazz luôn.
* Có rất nhiều phỏng đoán về ý nghĩa của MV mà chưa ngã ngũ. Bản thân là “chính chủ”, Ngọt có muốn giải thích gì cho khán giả?
Vũ Đinh Trọng Thắng: Hãy để cho khán giả tự tưởng tượng và có lý giải riêng thôi. Ý đồ của Ngọt là vậy mà.
Phan Việt Hoàng: Nhân nói về MV, mình muốn dành sự cảm kích đến 2 bạn Đỗ Như Trang và Ngô Đài Trang. 2 bạn đã làm với chi phí thấp đến mức không tưởng. Nếu không có tình thương của ekip, gần như làm việc không công thì chắc sẽ chưa làm được.
* Một lời cuối dành đến khán giả, Ngọt muốn nói gì?
Phan Việt Hoàng: Ngọt chỉ muốn nhắn nhủ đến các bạn Kẹo là, dù có khó khăn, Ngọt sẽ tiếp tục bám trụ với âm nhạc bằng tất cả khả năng của mình. Ngọt sẽ nỗ lực để đưa đến cho các bạn sản phẩm ngày càng chất lượng hơn. Hãy tin ở chúng mình, Ngọt luôn nghĩ đến các bạn.
* Xin cảm ơn Ngọt!
**********
Đúng vậy. Hãy luôn giữ lòng tin ở Ngọt. Tin rằng dù cho ánh hào quang xung quanh Ngọt có dần lớn đến đâu, cũng không thể lu mờ đi ánh sáng trong trẻo từ tâm hồn và âm nhạc của 4 chàng trai Vũ Đinh Trọng Thắng, Nguyễn Hùng Nam Anh, Phan Việt Hoàng và Nguyễn Chí Hùng.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất