Ngày 28/10, phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự 74 bị cáo trong đường dây buôn lậu xăng dầu lớn nhất từ trước đến nay tại Đồng Nai bước sang ngày làm việc thứ 4 với phần xét hỏi đối tượng cầm đầu Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, ngụ quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh).
Sáng 25/10, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai khai mạc phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự về hành vi buôn lậu và nhận hối lộ đối với 74 bị cáo trong đường dây buôn lậu xăng dầu lớn nhất từ trước đến nay.
Trong phần xét hỏi, Chủ tọa phiên tòa, Thẩm phán Nguyễn Văn Thành cùng đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai và các luật sư tiến hành chất vấn bị cáo Đào Ngọc Viễn.
Tại phiên tòa, bị cáo Đào Ngọc Viễn cho rằng, đối tượng chỉ hưởng lợi 36 tỷ đồng trong vụ buôn lậu xăng dầu chứ không phải là 46 tỷ như cáo trạng đã công bố. Ngay từ lúc bắt đầu kết hợp làm ăn với Phan Thanh Hữu (65 tuổi, ngụ Thành phố Hồ Chí Minh), giữa hai người đã xảy ra mâu thuẫn về việc ăn chia lợi nhuận. Viễn khai, từ khi bắt đầu hợp tác cho tới khi bị bắt, bị cáo chỉ gặp Hữu một lần và sau đó rất ít khi liên lạc với nhau. Có nhiều tháng, Viễn và các đồng phạm khác được chia lời rất ít, dù biết bị thiệt thòi nhiều nhưng bị cáo vẫn phải chấp nhận do gia đình đang khó khăn.
Theo bị cáo Viễn, bản thân vốn chỉ làm nghề vận tải, chuyên chở quốc tế mà không biết buôn bán xăng dầu. Tàu chở hàng là của bị cáo, tuy nhiên khi chở hàng về, chia hàng về đâu, đi lại như thế nào, các thuyền trưởng làm việc trực tiếp với Hữu vì Hữu là người có kinh nghiệm. “Bị cáo chỉ dặn các thuyền trưởng rằng, anh Hữu là chủ hàng, anh Hữu điều đi đâu phải đi chỗ đó, giao hàng ở đâu sẽ đến đó giao”, Viễn khai.
Trong quá trình làm ăn với nhau, tàu của Viễn vận chuyển 44 chuyến, mỗi chuyến giá chở hàng từ trên 1 tỷ đến trên 2 tỷ đồng ( tùy theo trọng tải). Cả hai làm ăn với nhau từ tháng 2/2020 đến thời điểm bị phát hiện.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai nhận định, tại phiên tòa, Viễn có lời khai mâu thuẫn với lời khai tại Cơ quan điều tra nên đề nghị Hội đồng xét xử cho công bố các tài liệu liên quan.
Được Tòa chấp nhận, đại diện Viện Kiểm sát đã công bố hồ sơ liên quan, xác định bị cáo Viễn khai lợi nhuận thu được trong quá trình vận chuyển xăng là hơn 47 tỷ đồng. Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra xác định, số lượng xăng nhập về Việt Nam của bị cáo Viễn chưa tiêu thụ hết nên xác định lại số tiền thu lợi của bị cáo Viễn là hơn 46 tỷ đồng. Tuy nhiên, bị cáo Viễn khẳng định, số tiền thu lợi được nhận từ Hữu không đến con số như vậy và mong Hội đồng xét xử xem xét.
Theo cáo trạng, Viễn, Hữu thỏa thuận góp vốn để nhập lậu xăng dầu với tổng số vốn hai đợt là 53,4 tỷ đồng. Trong số đó, Hữu góp 40% số vốn, nhóm của Viễn góp 60% (Viễn góp 10%, ba người khác góp 50%), ăn chia theo tỷ lệ 4 - 6. Hữu có trách nhiệm quản lý số tiền này, tìm khách hàng bán xăng nhập lậu và quan hệ với các lực lượng chức năng để đưa hối lộ phục vụ hoạt động buôn lậu. Viễn chịu trách nhiệm sử dụng tàu vận chuyển xăng từ Singapore về Việt Nam. Hữu sẽ điều động tàu khác vận chuyển số xăng này cung cấp cho các đầu mối tiếp theo tại nhiều tỉnh thành để tiêu thụ.
Từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, các đối tượng đã vận chuyển 48 chuyến với hơn 198 triệu lít xăng, tổng giá trị gần 2.600 tỷ đồng. Trong đó, Hữu hưởng lợi hơn 156,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, Viễn còn góp vốn với một số đối tượng khác mua hai tàu thủy vận chuyển xăng đưa về tỉnh Khánh Hòa tiêu thụ. Từ tháng 2-4/2021, nhóm của Viễn đã buôn lậu 3 chuyến, vận chuyển trên 5,7 triệu lít xăng. Tổng cộng, Viễn cùng các đồng phạm đã buôn lậu gần 204 triệu lít xăng với tổng giá trị hơn 2.690 tỷ đồng. Riêng cá nhân Viễn thu lợi bất chính trên 46,7 tỷ đồng.
Lê Xuân/TTXVN