Thông tin từ Bộ Y tế cho biết: Ngày 28/10, nước ta ghi nhận thêm 641 ca mắc mới COVID-19. Sở Y tế Ninh Bình đăng ký bổ sung 1.907 ca mắc trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổng sung thông tin.
Chiều tối 27/10, nhiều báo điện tử đã đưa tin với nội dung “03 ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Kạn tử vong”. Ngày 28/10, ông Tạc Văn Nam, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn cho biết: Đây là một sự nhầm lẫn về thông tin.
Như vậy là tính từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.501.906 ca mắc, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 115/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.235 ca mắc).
Trong ngày 28/10, nước ta không ghi nhận ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.162 ca, chiếm 0,4% so với tổng số ca mắc. Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 138/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Trong ngày cũng có thêm 284 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh; nâng tổng số ca khỏi bệnh ở nước ta lên đến 10.602.546 ca. Tuy vậy, vẫn còn 55 người bệnh vẫn đang thở ô xy trong các cơ sở điều trị, gồm 47 người thở ô xy qua mặt nạ; 3 người thở ô xy dòng cao và 5 người thở máy xâm lấn...
Trong ngày 27/10 có 85.474 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm cho người dân. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 261.694.006 liều. Trong đó, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 221.547.296 liều; số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.374.722 liều và số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 16.771.988 liều...
Theo Bộ Y tế, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán. Miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian. Đồng thời, virus liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ nguy cơ tăng nặng, tử vong trở lại.
Do đó, hệ thống đáp ứng phòng, chống dịch từ trung ương đến địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh nhất là trong bối cảnh một số bệnh lưu hành (sốt xuất huyết, tay chân miệng, adenovirus…) đang trong mùa cao điểm và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi khác (đã ghi nhận 02 ca bệnh đầu mùa khỉ xâm nhập từ nước ngoài).
Các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm, quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là tiêm vaccine phòng COVID-19, truyền thông nâng cao trách nhiệm, ý thức người dân, cộng đồng và xã hội...
TTXVN