Để phim hoạt hình Việt Nam phát triển *Bài 2: Cần một 'tổng chỉ huy'

14:25 29/10/2022

Có tiềm năng, nhưng để phát triển và có thể vươn ra thế giới, hoạt hình Việt Nam cần có một “tổng chỉ huy”, một đầu tàu để dẫn dắt hoạt hình Việt Nam phát triển.

Kỳ 1 - Có tiềm năng nhưng chưa phát triển

Kỳ 1 - Có tiềm năng nhưng chưa phát triển

Hoạt hình là thể loại phim được khán giả nhiều lứa tuổi yêu thích, đặc biệt là khán giả nhỏ tuổi.

Lĩnh vực quan trọng của phát triển công nghiệp văn hóa

Nói về vai trò của phim hoạt hình, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn- Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội khẳng định: Hoạt hình là lĩnh vực quan trọng của phát triển công nghiệp văn hóa. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, sự tăng trưởng của phim hoạt hình ở Việt Nam đã rất tốt.

Theo báo cáo của CGV, trong 10 năm qua, doanh thu phim hoạt hình của hệ thống CGV tăng từ 2% lên 15%, điều này cho thấy, phim hoạt hình có những đóng góp tích cực đối với thị trường điện ảnh của chúng ta. Nhìn ra thế giới, ở Nhật Bản, phim hoạt hình và các sản phẩm liên quan đến hoạt hình đóng góp 5-6% GDP của nước này, đây là một con số rất lớn. Ông Bùi Hoài Sơn cho rằng, nếu phát triển phim và các sản phẩm liên quan đến hoạt hình tốt, chúng ta hoàn toàn có cơ hội phát triển.

Chú thích ảnh
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn- Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội

Ngoài giá trị về kinh tế, theo ông Bùi Hoài Sơn, phim hoạt hình có tác dụng rất tốt trong việc lan tỏa thông điệp cuộc sống, thông điệp nhân văn, từ đó khai thác giá trị văn hóa để tạo ra bản sắc riêng của hoạt hình Việt Nam. Đó cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước, hình ảnh văn hóa dân tộc, xây dựng sức mạnh mềm của quốc gia, thương hiệu quốc gia…Ông Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, việc xây dựng phim hoạt hình có vai trò quan trọng trong xây dựng những con người sáng tạo. Từ đó xây dựng hệ sinh thái sáng tạo trong cả nước, đó là điều chúng ta đang cần để từ đó đổi mới, phát triển.

Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Vương Duy Biên chia sẻ, phim hoạt hình Việt Nam cũng phải tính đến việc thu hút đông đảo khán giả nhiều lứa tuổi chứ không chỉ là trẻ em như hiện nay. Theo ông Vương Duy Biên, phim hoạt hình có chất nghệ thuật rất mạnh, nhưng thử đặt vấn đề, nếu Tễu là nhân vật của múa rối Việt Nam được thế giới biết đến thì hoạt hình Việt Nam đã có nhân vật đặc trưng chưa? Ông Vương Duy Biên cho rằng, xây dựng được nhân vật điển hình cho hoạt hình Việt Nam chính là xây dựng thương hiệu Việt Nam. Đã đến lúc hoạt hình không chỉ phục vụ công chúng nhỏ tuổi mà phải tham dự các liên hoan phim lớn của thế giới, được công chúng thế giới biết đến…

Cần sự hỗ trợ

Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Lý Phương Dung cho rằng, chúng ta có tiềm năng, tiềm lực để phát triển phim hoạt hình, tuy nhiên cần có sự hỗ trợ từ chính sách của nhà nước, không chỉ với hãng nhà nước mà với những công ty tư nhân để phát triển chung cho phim hoạt hình.

Nhiều đơn vị sản xuất phim hoạt hình cũng đồng quan điểm, cho rằng, nếu có những hoạt động xúc tiến, hỗ trợ từ Nhà nước và sự hợp tác giữa các doanh nghiệp thì sẽ đi nhanh hơn, sẽ mang lại doanh thu cho Nhà nước cũng như quảng bá hình ảnh Việt Nam vươn tầm thế giới. Đồng thời, mong muốn Nhà nước hỗ trợ không các đơn vị chỉ về sự kết nối, hợp tác, tạo thị trường mà còn hỗ trợ về chính sách thuế, đào tạo nguồn nhân lực.

Theo nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty Sconnect – ông Tạ Mạnh Hoàng, Việt Nam có nhiều khó khăn trong sự phát triển phim hoạt hình vì chưa có sự hỗ trợ nhất định từ phía Nhà nước. Ở các nước trên thế giới, đặc biệt là Hàn Quốc ngành công nghiệp điện ảnh của họ rất phát triển vì có sự kết nối giữa các doanh nghiệp và được chính phủ Hàn Quốc tạo điều kiện, hỗ trợ tổ chứcsự kiện đưa các doanh nghiệp ra toàn thế giới, từ đó, tạo được sự uy tín và quan hệ gần gũi hơn với bạn bè quốc tế. Ông Tạ Mạnh Hoàng cho rằng, nếu được nhà nước hỗ trợ về chính sách, các doanh nghiệp hoạt hình Việt Nam sẽ bớt "cô đơn" khi ra thế giới.

Bà Lê Quỳnh Như, người đồng sáng lập và quản lý DeeDee Animation Studio cũng cho rằng, nhà nước cần sớm có những hỗ trợ cho những đơn vị tư nhân, việc hỗ trợ này có thể cụ thể như tại các hội chợ hoạt hình sẽ có gian hàng của Việt Nam. Bà Lê Quỳnh Như chia sẻ, các doanh nghiệp hoạt hình hiện đi tham dự liên hoan phim hay hội chợ quốc tế liên quan… đều là tự phát.

Trong khi ở nhiều quốc gia khác, đều có gian hàng giới thiệu của các quốc gia do Chính phủ nước họ kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp liên quan rồi quảng bá thương hiệu, sản phẩm cho đối tác quốc tế thấy được tiềm năng của họ ở lĩnh vực này. Bà Lê Quỳnh Như mong muốn, nhà nước hay tổ chức nào đó ở Việt Nam hỗ trợ các công ty hoạt hình Việt Nam điều này, để các công ty có thể ra ngoài với cái tên là Hoạt hình Việt Nam chứ không phải đơn lẻ như hiện nay.

Chú thích ảnh
"Wolfoo" được xem là người bạn đồng hành cùng trẻ em trên toàn thế giới

Ngoài hỗ trợ về quảng bá, nhà nước Việt Nam cũng cần có chính sách về thuế. Theo bà Lê Quỳnh Như, nhiều nhà sản xuất nước ngoài không thích chọn những đơn vị ở Việt Nam do chính sách hoàn thuế chưa hợp lý. “Nhiều lần thương thuyết ở vòng cuối, chúng tôi bị bật ra vì đối tác muốn chọn những đơn vị ở nước khác do chính sách hoàn thuế của nước đó ưu đãi hơn. Chúng tôi nhiều lần phải hạ mức giá xuống để đối tác có lợi về thuế”, bà Lê Quỳnh Như chia sẻ.

Ông Đoàn Trần Anh Tuấn, nhà sáng lập và điều hành Colory Animation Studio chia sẻ, phía bạn Malaysia chia sẻ, chính phủ có tổ chức hỗ trợ nhưng hỗ trợ sàng lọc và tổ chức đó hoạt động như một doanh nghiệp, từ sự hỗ trợ đó, họ có nhiều phim nổi tiếng ra với thế giới.

Cùng chung quan điểm, ông Đinh Kiều Anh Tuấn, người sáng lập và điều hành của Sun Wolf Animation Studio, cho rằng để làm một bộ phim công chiếu tại rạp, đưa ra thị trường thế giới chúng ta cần rất nhiều nguồn lực từ nhân lực, kinh phí, thị trường… Dù khó khăn nhưng các doanh nghiệp vẫn đang làm và theo đuổi lĩnh vực này được hơn 10 năm.

Tuy nhiên, hiện nay, ở Việt Nam chưa có sự quan tâm, quảng bá về hoạt hình. Doanh nghiệp phải tự mình quảng bá và như thế không mang lại hiệu quả lớn. Chúng ta có nhiều người làm hoạt hình cực giỏi cộng tác với nhiều studio nổi tiếng thế giới, nhưng ngay cả người Việt Nam còn không biết tới huống chi việc quảng bá đội ngũ đó ra nước ngoài.

Nếu như có được những hoạt động xúc tiến, hỗ trợ từ nhà nước và sự hợp tác giữa các doanh nghiệp thì hoạt hình Việt Nam sẽ có cơ hội đi nhanh hơn, sẽ mang lại được doanh thu cho nhà nước cũng như quảng bá hình ảnh Việt Nam vươn tầm thế giới.

Chia sẻ về việc làm thế nào để phát triển công nghiệp hoạt hình cũng như mong muốn hỗ trợ chính sách từ nhà nước, ông Tạ Mạnh Hoàng cho rằng, muốn phát triển hoạt hình thì phải có tầm nhìn và đầu tiên phải đặt nó vào đúng vị trí rồi đánh giá xem nó quan trọng không. Theo đó, hoạt hình đang là thị trường khá tốt, có những doanh nghiệp chỉ có hơn chục người nhưng doanh thu hàng năm là vài chục triệu USD. Vậy nên, hãy coi nó là ngành đóng góp bao nhiêu % GDP vào kinh tế của nhà nước. Khi đặt vào đúng chỗ thì mới có hoạch định chính sách hỗ trợ, chiến lược rõ ràng. Phải coi phim hoạt hình là bài toán thì mới có lời giải...

Ông Phan Quân Dũng, Trưởng khoa Mỹ thuật và Thiết kế, Trường Đại học Văn Lang nhận định, hoạt hình Việt Nam vẫn đang phát triển trong tình trạng cục bộ, đơn vị nào làm được thì làm, không có đầu tàu, không có dẫn dắt. Chúng ta thiếu sự làm phim chuyên nghiệp, ví dụ từ khâu viết kịch bản phân cảnh, rồi đến dựng phim, quay phim, âm thanh, ánh sáng…

Theo ông Phan Quân Dũng, chúng ta muốn phát triển thì phải thúc đẩy hoạt hình lên một tầm mới, tức là mức độ quan tâm cao hơn.

Đội ngũ nghệ sỹ, người làm phim hoạt hình trong cơ chế nhà nước của chúng ta có nhiều cá nhân giỏi, nhưng hiện chỉ thuần túy quan tâm đến nghề nghiệp, đòi hỏi về chính sách chưa quyết liệt để đáp ứng như cầu xã hội...

Ông Phan Quân Dũng đưa ra giải pháp cụ thể là cần có người cầm đầu, làm đề án khảo sát về con người, thị trường, doanh nghiệp, kỹ thuật cơ sở vật chất cũng như xu hướng mới, hệ thống nền tảng liên quan như truyện tranh, game và có thống kê có số liệu…Và chúng ta cần một đầu tàu để kết nối, cần người có tâm, tầm, lực kết nối để hàng năm tạo ra các chương trình, liên hoan phim nhằm xúc tiến công nghiệp hoạt hình với bên ngoài; phải tạo sự ảnh hưởng, tiếng vang, vinh quang cho ngành hoạt hình…

Cũng theo ông Phan Quân Dũng, để lĩnh vực này phát triển là có được chiến lược phát triển hoạt hình Việt Nam nằm trong chiến lược phát triển văn hóa. Trong đó, quan trọng nhất là xây dựng chính sách thích hợp để tận dụng các nguồn lực kinh tế, có sự tôn vinh xứng đáng cho người sáng tạo nhằm tạo nên sự phát triển đột phá của hoạt hình Việt Nam, giúp phim hoạt hình Việt có thể đóng góp thực sự cho sự phát triển của công nghiệp văn hóa Việt Nam

Tại tọa đàm về phim hoạt hình mới đây, bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam cho biết, mục tiêu của Hiệp hội là xác định xu hướng hợp tác quốc tế của hoạt hình Việt Nam nhằm từng bước đưa hoạt hình và các sản phẩm liên quan ra thị trường quốc tế một cách bài bản, góp phần xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam, bảo vệ bản sắc văn hóa Việt trong phim hoạt hình.

Theo bà Ngô Phương Lan, doanh nghiệp có định hướng phát triển riêng, nhưng muốn đi lớn, đi dài thì phải đi cùng nhau dưới tên chung là hoạt hình Việt Nam. Hiệp hội sẽ làm cầu nối để liên kết với nước ngoài, kết nối với các đơn vị hoạch định chính sách để trình lên chính phủ, mở đầu cho con đường phát triển phim hoạt hình Việt Nam.

Phương Lan/TTXVN

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự