Ca khúc 'I Feel Love' do Donna Summer thể hiện: Âm nhạc đến từ tương lai

19:00 30/10/2022

Có những ca khúc chia lịch sử nhạc pop thành trước và sau nó. Một số không thể lung lay được như She Loves You, Anarchy In The U.K hay Rapper’s Delight. Số khác thì ban đầu, người ta không nhận ra tính cách mạng của chúng (như Acid Tracks của Phuture) nhưng thời gian đã trả lại công bằng. Ngược lại, có những ca khúc mà tác động của nó là tức thì, một cú sốc trong thời gian thực, như I Feel Love.

'Nữ hoàng disco' Donna Summer: 'Nhịp tim và nhạc nền' của cả một thế hệ

'Nữ hoàng disco' Donna Summer: 'Nhịp tim và nhạc nền' của cả một thế hệ

“Nữ hoàng disco” Donna Summer, người trong suốt thời thơ ấu đã khiến những người đi lễ rơi nước mắt với giọng hát của mình, đã trút hơi thở cuối cùng cách đây đúng 10 năm sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư phổi.

Điều ngộ nghĩnh là Donna Summer - người thể hiện I Feel Love - chỉ coi đây như một trò đùa còn nhà sản xuất Pete Bellotte đơn giản cho đó là một ca khúc khá.

Người dễ tính

Ra đời cách đây 45 năm, vào đầu tháng 7/1977, I Feel Love nhanh chóng vang đội toàn cầu, đạt No.1 ở một số quốc gia (bao gồm Anh, nơi nó thống trị suốt cả tháng) và leo tới No.6 ở Mỹ.

Nhưng tác động của nó vượt xa phạm vi disco mà ca sĩ Donna Summer và các nhà sản xuất của cô là Giorgio Moroder và Pete Bellotte đã có chỗ đứng. Các nhóm nhạc post-punk cùng làn sóng mới ngưỡng mộ và vội tóm lấy âm thanh sáng tạo, chính xác phát điên cuồng của nó. Ngay cả bây giờ, I Feel Love vẫn được đánh giá cao hơn những đĩa đơn kinh điển của năm 1977 như God Save The Queen, Sheena Is A Punk Rocker hay Complete Control. Tuyên bố một cách đơn giản: Nếu có ca khúc nào được xác định là khởi đầu của thập niên 1980 thì đó phải là I Feel Love.

Chú thích ảnh
Donna Summer và nhà sản xuất Giorgio Moroder

Nhân duyên khởi nguồn từ đầu những năm 1970, khi Summer chuyển tới Munich, Đức, để biểu diễn trong vở nhạc kịch Hair. Sau thành công của vở kịch, cô trở thành ca sĩ hát phiên (session vocalist, chỉ ca sĩ được thuê hát theo từng phiên thu âm) và chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi cô rơi vào quỹ đạo của Moroder - người đã thành lập phòng thu Musicland danh tiếng ở thành phố nước Đức này.

“Chúng tôi trở thành những người bạn tốt của nhau” - Moroder nhớ lại - “Cô ấy là ca sĩ vô cùng tài năng, có thể ứng biến nhưng cũng rất kỷ luật. Ngoài đời, cô rất vui tính”. Summer đặc biệt dễ cộng tác trong phòng thu. Theo Bellotte, đó là bởi cô không quan tâm lắm tới chuyện sản xuất nhạc.

Giai điệu tương lai “I Feel Love”:

“Trong toàn bộ quãng thời gian làm việc với nhau, chúng tôi chưa một lần xích mích” - Bellotte kể - “Chúng tôi thật quá may mắn vì cô không hứng thú với quá trình sản xuất chút nào. Cứ thế, cô bước vào phòng thu, thường là vào khoảng bốn giờ chiều, và trò chuyện hàng giờ đồng hồ. Sau đó, cô nhìn đồng hồ và nói: Ô, tôi phải đi thôi! Rồi cô vào phòng thu và hầu như chỉ hát một lần - và biến mất”. Quả thật, nếu không phải là Summer với sự đơn giản trong tính cách như vậy, khó mà có được I Feel Love như ngày nay.

Năm 1977, khi cộng tác với Summer trong album thứ năm của cô, I Remember Yesterday, Moroder -tác giả người Italy, “cha đẻ của disco” - đã đặt tiêu chuẩn lên mức cao không tưởng cho ông cũng như đồng sản xuất Bellotte. Họ đặc biệt tạo nên một ca khúc rất kỳ lạ vào giai đoạn cuối với phần sản xuất đã đi vào huyền thoại. Đó là I Feel Love. Thế nhưng, Summer chẳng mấy ấn tượng về sự lạ kỳ này. “Giorgio mang cho tôi những bản popcorn (kiểu nhạc pop soul thường được ghi âm ở Anh và Mỹ vào cuối thập niên 1950, đặc trưng bởi nhịp chậm hoặc trung bình thay vì nhanh) ông ấy vừa thu âm và tôi nói: Cái quái gì thế này hả Giorgio? Tôi đã thu âm nó như một trò đùa” - cô kể với Rolling Stone vào năm 1978.

“Đĩa đơn này (I Feel Love) sẽ thay đổi âm thanh của nhạc club trong 15 năm tới”- Brian Eno.

Người đàn bà đang yêu

Bộ ba Summer, Moroder và Bellotte đã gắn chặt với nhau vào năm 1975 khi cùng làm nên đĩa đơn kinh điển Love To Love You Baby. Ca khúc đã làm mưa làm gió khắp thế giới, leo lên đỉnh cao cũng như bị dìm xuống vực thẳm bởi cùng một lý do: Tiếng rên rỉ của Summer, không phải chỉ một lần mà tới ít nhất 22 lần trong 17 phút.

Sau hợp tác thành công đột phá, họ khao khát tìm kiếm những chân trời mới. Với ý định cùng nhau tạo ra một album, Bellotte đã nảy ra một ý tưởng tuyệt vời.

Là người đam mê văn học từ nhỏ, Bellotte đã lấy cảm hứng từ bộ tiểu thuyết đi dọc lịch sử nước Anh A Dance To The Music Of Time của Anthony Powell. Bellotte đề xuất rằng mỗi ca khúc trong I Remember Yesterday (vốn ban đầu định mang tên A Dance To The Music Of Time) phải gợi lên ảnh hưởng của một thập kỷ khác nhau của thế kỷ XX, từ swing của thập niên 1940 tới hippie của 1960, từ funk của 1970 tới disco đương đại và hơn thế. Nảy ra vào những phút cuối, Bellotte và Moroder quyết định kết thúc album với một ca khúc đại diện cho tương lai: I Feel Love.

Để đạt tới cái đích mơ hồ này, Moroder và Bellotte mạnh tay dựng hẳn một nền tảng mới. Ca khúc sẽ có âm thanh hoàn toàn nguyên bản, mang hơi thở của tương lai. Và với cả hai, ý tưởng về một ca khúc tới từ tương lai có nghĩa là bộ tổng hợp và máy nhịp điệu. Từ đó, họ quyết định sản xuất toàn bộ ca khúc mà chỉ dùng duy nhất bộ tổng hợp Moog Modular 3P. Vấn đề duy nhất là họ… không có nó!

Chú thích ảnh
Donna Summer đã hát “I Feel Love” trong say đắm tình yêu với Bruce Sudanto

May mắn, nhà soạn nhạc cổ điển Eberhard Schoener có đúng bộ tổng hợp họ cần. Nhưng vấn đề khác lại nảy sinh: Dàn Moog rất thất thường và do đó, họ phải thuê kỹ sư của Schoener là Robby Wedel trong một hợp đồng trọn gói.

Khi thử được dòng đầu tiên, kỹ sư Wedel hỏi các nhà sản xuất có muốn đồng bộ phần tiếp theo. Họ hoàn toàn không hiểu gì cho tới khi được giải thích rằng một khi đặt chế độ đồng bộ, Moog sẽ làm tương tự với tất cả những gì họ ghi âm tiếp theo. Điều này thật kinh ngạc vì chính bản thân Robert Moog cũng không hề biết chuyện đồng bộ hóa này!

Sau vài giờ thử, Moroder và Bellotte dần hiểu được cách hoạt động của Moog và bắt đầu kết hợp nhịp điệu sôi động của các nhạc cụ với nhau. Không dễ dàng chút nào, họ phải nhích dần từng 20- 30 giây trên con đường chưa từng ai qua.

Với phần âm nhạc đã có sẵn, miếng ghép cuối cùng là phần lời cho Summer hát - mà cô dự định viết cùng Bellotte. Một đêm, Bellotte tới thăm Summer tại nhà cô để sáng tác. Thế nhưng, Summer lại quá bận rộn gọi điện cho một nhà chiêm tinh ở New York để hỏi xem nên đến với ai, bạn trai hiện tại hay một chàng trai cô vừa gặp là Bruce Sudanto. Thế là, trong khi Summer trao đổi với nhà chiêm tinh suốt ba giờ đồng hồ, Bellotte đã một mình tự viết lời. Ca từ rất đơn giản với những câu cảm thán ngắn, bộc lộ sự đắm say khi đang yêu của người con gái.

“Khi bước xuống cầu thang, Donna tuyên bố nhà chiêm tinh học nói: Chính là người đàn ông đó. Đó là đêm mà I Feel Love được viết và cũng là khi cuộc đời cô hoàn toàn thay đổi. Điều tuyệt vời nhất đã đến với cô. Cô và Bruce đã ở bên nhau tới hết cuộc đời”- Bellotte nhớ lại. (Summer qua đời năm 2012).

Sau khi làm quen với ca khúc, Summer về ngay Munich để thu âm phần giọng của mình trong một lần! Chắc chắn không phải bỗng dưng cô thể hiện thành công tới vậy. Rõ ràng, phút mặc khải trong tình yêu với Bruce Sudanto đã được cô mang vào I Feel Love.

Ngay sau khi I Feel Love ra mắt, David Bowie, người đang làm bộ ba album Berlin Trilogy khi đó, nhớ rằng cộng sự Brian Eno đã “lao vào” và nói rằng mình vừa nghe thấy “âm nhạc của tương lai”. “Không cần tìm kiếm nữa, chính là nó đấy rồi” - Eno phấn khích - “Đĩa đơn này sẽ thay đổi âm thanh của nhạc club trong 15 năm tới”. Eno không sai, nhưng lịch sử đã chứng minh I Feel Love còn có sức mạnh lớn hơn thế.

I Feel Love là cơn sốt ngay từ khi ra mắt, truyền cảm hứng cho vô số nhạc sĩ những năm sau đó và vẫn có ảnh hưởng tới tận bây giờ. Quyết định của Moroder khi loại bỏ dàn nhạc mềm mượt của disco để theo đuổi chủ nghĩa tối giản nhấp nháy nhạc tổng hợp đã tạo tiền đề cho disco, synth-pop và làn sóng nhạc điện tử tương lai ở châu Âu. Trong văn hóa club, I Feel Love mở đường cho các thể loại như Hi-NRG, Italo, house, techno và trance bằng sự lặp lại cơ học, điện tử băng giá, cảm giác trống rỗng cố định của chuyển động hậu nhân.

The Financial Times ca ngợi I Feel Love là “một trong những bản thu có ảnh hưởng nhất từng được làm”. Rolling Stone xếp nó thứ 52 trong danh sách 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại. Năm 2011, Thư viện Quốc hội Mỹ thêm ca khúc vào Cơ quan Đăng ký Ghi âm Quốc gia như là một phần “quan trọng về mặt văn hóa, lịch sử hoặc thẩm mỹ”.

Về mặt con người, nhiều nghệ sĩ đã cảm ơn I Feel Love khi sinh ra họ một lần nữa. Đặc biệt, ca khúc nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ cộng đồng người đồng tính. “Ngay cả bây giờ, hàng triệu người đồng tính vẫn yêu Donna và nói: Tôi được giải phóng nhờ ca khúc này. Nó là một thánh ca” - Moroder trầm ngâm.

Thư Vĩ (tổng hợp)

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự