Ngày 31/10, phiên tòa xét xử sơ thẩm 74 bị cáo trong đường dây buôn lậu xăng dầu lớn nhất từ trước đến nay tại Đồng Nai tiếp tục làm việc và quyết định cách ly một số bị cáo để tiến hành xét hỏi từng bị cáo nhằm làm rõ các vấn đề liên quan trong vụ án.
Chiều 28/10, phiên tòa xét xử sơ thẩm 74 bị cáo trong đường dây buôn lậu xăng dầu lớn nhất từ trước đến nay tại Đồng Nai bước sang ngày làm việc thứ 4 với phần xét hỏi đối tượng Phan Thanh Hữu (65 tuổi, ngụ Thành phố Hồ Chí Minh).
Trước khi vào phòng xét xử, theo lời đề nghị của luật sư bào chữa, Hội đồng xét xử đã cho cách ly 13 bị cáo khác liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo Phan Thanh Hữu (65 tuổi, ngụ Thành phố Hồ Chí Minh) và Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, ngụ quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh).
Tại phiên tòa, các luật sư đã hỏi bị cáo Hữu và Viễn để làm rõ về vốn góp, số lượng xăng nhập lậu và số tiền thu lợi bất chính từ hoạt động buôn lậu xăng từ Singapore về Việt Nam.
Cáo trạng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai xác định, số tiền lời trong mỗi lít xăng mà Hữu nhận được trong đường dây buôn lậu là 2.000 đồng/lít. Tuy nhiên, bị cáo Hữu cho biết, số tiền chênh lệch để xác định bị cáo được tiền lời là phải tính chi phí đầu tư, trừ các khoản thu chi khác thì mới ra được số tiền lời.
“Đáng ra cơ quan điều tra phải tính toán rõ ràng tất cả các chi phí rồi trừ phần thu và chi ra mới ra được tiền lời. Tuy nhiên, cơ quan điều tra tự tính trung bình lời 2 ngàn đồng/lít mà không căn cứ vào đâu cả”- bị cáo Hữu khai.
Theo bị cáo Hữu, chi phí một chuyến tàu để đưa được hàng về Việt Nam bao gồm như: chi phí môi giới; chi phí tiền cảng, hoa tiêu, phân phối, kho chứa, thuê bãi, tiền “bôi trơn” hàng tháng để nhập lậu nhưng cơ quan điều tra không tính toán mà chỉ trừ chênh lệch tiền mua vào, bán ra để xác định số tiền lời của bị cáo là 2 ngàn đồng/lít.
Bị cáo Hữu khai, vì để con trai của bị cáo là bị cáo Phan Lê Hoàng Anh (33 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) được tại ngoại nên bị cáo đã chấp nhận tất cả theo ý điều tra của cơ quan. Nói đến đây, bị cáo Hữu bật khóc vì đã kéo con trai vào vòng lao lý.
Theo cáo trạng, bị cáo Hoàng Anh đã thay cha nhận tiền bán xăng lậu hơn 1.000 tỉ đồng. Cụ thể, để thu tiền mua, bán xăng nhập lậu, Hữu dẫn con trai gặp gỡ khách mua xăng lậu để thu tiền. Bên cạnh đó, Hữu để Hoàng Anh lập nhiều tài khoản ở các ngân hàng khác nhau để nhận tiền từ các đầu mối tiêu thụ xăng lậu.
Từ tháng 3/2020 đến 2/2021, bị cáo Hoàng Anh đã giúp cha nhận thanh toán (tiền mặt và chuyển khoản) tiền mua bán, xăng nhập lậu của rất nhiều bị cáo mua xăng lậu.
Cụ thể, bị cáo Hoàng Anh nhận chuyển khoản, tiền mặt từ các bị cáo Nguyễn Hữu Tứ, Trần Ngọc Thanh, Lê Thanh Trung, Phạm Thị Hương... với tổng số tiền hơn 1.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, khi có chỉ đạo của Tứ, Hoàng Anh sẽ chuyển tiền lợi nhuận từ việc bán xăng nhập lậu và tiền phí thuê tàu cho Phạm Hùng Cường (đang bị truy nã) với số tiền gần 282 tỉ đồng để Cường chuyển cho bị cáo Đào Ngọc Viễn, Phùng Danh Thoại (cựu Đại tá, Trưởng phòng xăng dầu Cục Hậu cần Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển)...
Theo cáo buộc của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai, bị cáo Phan Lê Hoàng Anh không hưởng lợi từ hoạt động buôn lậu xăng dầu, nhưng phải chịu trách nhiệm với vai trò đồng phạm giúp sức đối với gần 198 triệu lít xăng nhập lậu, tổng giá trị phạm pháp hơn 2.596 tỉ đồng.
Lê Xuân/TTXVN