Ngày 31/10, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo về việc triển khai Tổng đài 156 tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, những ngày gần đây, cơ quan này nhận được thông tin phản ánh của một số người dân về việc họ nhận được tin nhắn có đầu số 052... thông báo việc nhận tiền trợ cấp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, thời gian qua, tình trạng cuộc gọi rác trên mạng viễn thông diễn ra phức tạp, có chiều hướng tăng lên. Đặc biệt, xuất hiện nhiều cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, giả mạo các cơ quan nhà nước, các tổ chức nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người dùng.
Từ tháng 1 đến 9/2022, Tổng đài 5656 tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác qua tin nhắn của Bộ Thông tin và Truyền thông do Cục An toàn thông tin quản lý, vận hành đã nhận được hơn 202.940 lượt phán ánh. Trong số này, hơn 25.470 lượt phản ánh tin nhắn rác (giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2021), hơn 177.470 lượt phản ánh cuộc gọi rác (tăng 34,2%), trong đó số lượt phản ánh về cuộc gọi đòi nợ, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo chiếm 12.5%.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết: Trước vấn nạn SIM rác, tin nhắn và cuộc gọi rác, cần có một kênh tiếp nhận các thông tin phản ánh của người dân một cách thống nhất, thuận tiện nhất. Đầu số 5656 chủ yếu nhận thông tin về tin nhắn rác. Trong thực tế, người dân nhận được nhiều cuộc gọi lừa đảo, giả mạo nên cần có đầu mối để tiếp nhận thông tin về các số điện thoại thực hiện các thông tin này. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc phản ánh, bên cạnh đầu số 5656, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các doanh nghiệp viễn thông đã thống nhất từ ngày 1/11/2022 sẽ triển khai, mở rộng việc tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo thông qua hình thức cuộc gọi tới đầu số 156. Khi có cuộc gọi phản ánh, các nhà mạng sẽ tiếp nhận, phân loại, xử lý các nội dung này. Về lâu dài, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đẩy mạnh phối hợp với Bộ Công an để xử lý các hành vi lừa đảo qua cuộc gọi viễn thông.
Đầu số 156 được sử dụng thống nhất trên toàn quốc và triển khai với tất cả các nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông cố định, di động. Việc người dân tích cực tham gia phản ánh thông tin khi nhận được tin nhắn rác, cuộc gọi rác, lừa đảo sẽ là cơ sở để giúp các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp viễn thông có thêm thông tin chính xác, tin cậy để tiến hành xử lý các vụ việc.
Khi nhận được cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân có thể phản ánh thông qua 2 hình thức là gọi điện hoặc nhắn tin (miễn phí) đến đầu số 156.
Với tin nhắn rác, cú pháp soạn tin nhắn là: S (số điện thoại phát tán tin nhắn rác - nội dung cuộc gọi rác] gửi 156 (hoặc 5656).
Với cuộc gọi có dấu hiệu là cuộc gọi rác, soạn tin nhắn theo cú pháp: V (số điện thoại phát tán cuộc gọi rác - nội dung cuộc gọi rác) gửi 156 (hoặc 5656).
Với cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, cú pháp gửi tin nhắn: LD (số điện thoại phát tán cuộc gọi lừa đảo - nội dung cuộc gọi lừa đảo) gửi 156 (hoặc 5656).
Người dân cũng có thể gọi trực tiếp tới đầu số 156 (miễn phí) để cung cấp thông tin về số điện thoại vừa thực hiện cuộc gọi có dấu hiệu gọi rác, lừa đảo, trích dẫn các nội dung có liên quan bằng cách làm theo hướng dẫn của bộ phận chăm sóc khách hàng.
Ngọc Bích/TTXVN