Hàn Quốc đang chiếm vị trí trung tâm trong ngành công nghiệp giải trí toàn cầu với sự bùng nổ của những bộ phim ăn khách như Ký sinh trùng (Parasite), những loạt phim truyền hình như Trò chơi con mực (Squid Game) hay những làn sóng nghệ sĩ K-pop như BTS.
Tháng 6 này, tại Hà Nội, Công ty TJB Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất phiên bản Việt cho format nổi tiếng này với tên gọi Cầu thủ tí hon.
Tuy nhiên, cũng có một lĩnh vực giải trí từng phải vật lộn để chiếm thị trường nhưng bây giờ đang bứt phá mạnh mẽ không chỉ ở Hàn Quốc mà khắp toàn cầu, đó là các chương trình truyền hình thực tế không có sẵn kịch bản.
Những chương trình này trước đây vốn không đạt được thành công lớn trên toàn cầu, phần lớn là do rào cản ngôn ngữ và sự khác biệt văn hóa cũng như không thể hiện được sự thú vị và hấp dẫn đối với khán giả khắp thế giới. Song gần đây các chương trình như vậy tại Hàn Quốc liên tục thu hút được sự chú ý từ các mạng lưới và các công ty sản xuất trên khắp thế giới. Các đơn vị này quan tâm đến việc mua format nhiều chương trình để sản xuất lại ở quốc gia của mình.
Liên tục “xuất ngoại”
Theo một báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc công bố năm nay, tổng doanh thu của các format nội dung truyền thông bán ra nước ngoài đã tăng lên khoảng 12,88 triệu USD vào năm 2020, trong khi năm 2017 là 9,84 triệu USD.Công ty tư vấn truyền thông có trụ sở tại Anh, K7 Media, báo cáo rằng năm 2020 Hàn Quốc chiếm 10,1% doanh số bán chương trình truyền hình thực tế trên thế giới, cao thứ 3 cùng với Mỹ, sau Anh với 42,1% và Hà Lan là 10,3%.
Cho đến gần đây, cũng mới chỉ có một số format chương trình của Hàn Quốc được mang ra nước ngoài làm lại và đạt được thành công, như chương trình du lịch Grandpas Over Flowers (Cụ ông đẹp hơn hoa) của đài tvN. Chương trình này đã được bán cho NBC vào năm 2016 và được làm lại với tên Better Late Than Never. Format của Better Late Than Never giống nguyên phiên bản gốc, trong đó các ngôi sao gạo cội của Hollywood có những trải nghiệm những chuyến đi kỳ thú, mạo hiểm và đầy thách thức. Như vậy, Grandpas over Flowers đã trở thành chương trình tạp kỹ đầu tiên của Hàn Quốc bán format sang Mỹ.
Sau đó, chương trình thực tế của Hàn Quốc đã có bước đột phá lớn khi chương trình âm nhạc đầy cạnh tranh của đài MBC - King of Masked Singer (Vua mặt nạ) đã gặt hái thành công vang dội với bản làm lại của đài Fox (Mỹ) - The Masked Singer vào năm 2019.Tại Việt Nam, phiên bản của chương trình này cũng được biết đến với cái tên The Masked Singer - Ca sĩ mặt nạ.
King of Masked Singer là chương trình có sự tham gia của những ca sĩ biểu diễn, được thiết kế rất công phu nhằm che giấu danh tính của họ và ban cố vấn là những nhân vật danh tiếng và ca sĩ nổi tiếng phải đoán giọng ca phía sau mặt nạ là ai. Theo K7 Media, bản quyền sản xuất chương trình này đã được bán cho hơn 50 nước cho đến nay và là format bán chạy nhất thế giới trong 3 năm liên tiếp.
Điển hình, Fox đã bắt đầu mùa thứ 8 của chương trình này hồi tháng trước. Chương trình cũng đã được làm lại thông qua các mạng toàn cầu khác như Prosieben ở Đức, đã phát sóng mùa thứ 7 trong tháng này và RAI ở Italy. Mạng ITV của Vương quốc Anh cũng đã điều chỉnh định dạng ban đầu để tạo ra một chương trình phiên bản khiêu vũ đầy cạnh tranh có tên là The Masked Dancer hồi đầu năm nay.
Tại “LA Screening” năm nay - sự kiện hội chợ thị trường nội dung quốc tế được tổ chức vào tháng 5 - format của King of Masked Singer cũng đã được bán cho các mạng lưới ở các nước Mỹ Latin, bao gồm cả Bolivia.
Thành công vang dội của King of Masked Singer trên khắp thế giới đã đưa người sáng tạo ban đầu của nó là Park Won Woo, Giám đốc điều hành của dITurn, trở thành người châu Á đầu tiên nhận được giải vàng tại lễ trao giải Format Quốc tế năm nay.
|
Những chìa khóa thành công
“Các chương trình thực tế của Hàn Quốc phải chấp nhận rủi ro ở nhiều khía cạnh khác nhau. Điều này cho phép các nội dung Hàn Quốc vươn ra toàn cầu” - Rob Wade, Giám đốc điều hành của Fox Entertainment, người đứng sau thành công của King of Masked Singer phiên bản Mỹ, nói trong một hội nghị tại thị trường nội dung phát sóng, Broadcast WorldWide (BCWW), hồi năm ngoái.
“Nói chung, ngành công nghiệp truyền thông phương Tây có xu hướng không muốn chấp nhận rủi ro. Mặt khác, những người sáng tạo các chương trình thực tế của Hàn Quốc có hiểu biết cao về các chương trình không có kịch bản sẵn khiến chúng trở nên độc đáo” - Wade nói thêm.
Craig Plestis, Giám đốc điều hành của Smart Dog Media, nói thêm rằng format dễ làm theo của các chương trình truyền hình thực tế của Hàn Quốc cũng là lý do dẫn đến thành công hiện có. “Các format chương trình của Hàn Quốc đã gặt hái được thành công vang dội trên khắp thế giới, không chỉ ở Mỹ. Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát khắp toàn cầu, nhiều người ở nhà xem những chương trình của Hàn Quốc qua truyền hình. Chúng đơn giản nhưng thú vị và có thể thu hút nhiều người cùng tụ tập để thưởng thức” -Plestisnói.
Công ty truyền thông Hàn Quốc CJ ENM cũng đã bán bản quyền sản xuất một số format như chương trình âm nhạc I Can See Your Voice. Đâylà chương trình giới thiệu một nhóm các giọng ca bí ẩn có thể hát hay hoặc hát không hay. Các ca sĩ khách mời sẽ xem xét dựa trên các gợi ý và nhận diện ngoại hình của người chơi mà đưa ra phán đoán về khả năng hát của người này. Được biết, chương trình này đã được bán cho hơn 27 quốc gia, bao gồm cả những nước từng bị coi là xa lạ với nội dung tiếng Hàn như Bulgaria, Estonia và Lithuania.
Trong khi đó, chương trình trò chơi sinh tồn của CJ ENM - The Genius đã có 4 mùa phát sóng và gần đây đã được Hà Lan mua bản quyền để sản xuất.The Genius mỗi mùa đều có 13 thí sinh tham gia, đây đều là những cá nhân xuất sắc trong xã hội, từ chuyên gia của các lĩnh vực hẹp cho đến những người có IQ cao, sinh viên đại học xuất sắc, người nổi tiếng hay người sở hữu nhan sắc vượt trội. The Genius là show đấu trí nên bản năng sống sót và tinh thần chiến đấu của các cá nhân được bộc lộ rất rõ nét. Chương trình cũng rất khéo léo trong việc lồng ghép những bài học sâu sắc về cách đối xử giữa người với người, lột tả chân thực mỗi khía cạnh trong tính cách của thí sinh.
Thêm nữa, CJ ENM cũng đã bán chương trình hẹn hò ăn khách Exchange ở 8 quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Tây Ban Nha và Mỹ. Adam Steinman, chuyên gia của hãng Warner Bros., lưu ý rằng tính hiệu quả về chi phí của các format chương trình Hàn Quốc luôn thu hút sự quan tâm từ người mua toàn cầu, đặc biệt là ở Mỹ và Vương quốc Anh.
“Các format chương trình không có kịch bản sẵn của Hàn Quốc có chất lượng cao để sản xuất nhưng có giá thấp hơn tương đối, chỉ chiếm một phần nhỏ so với giá các chương trình ở Mỹ hoặc Vương quốc Anh. Vì vậy, các mạng lưới dễ mua chúng” - Steinman nói - “Và người xem toàn cầu dễ đồng cảm với khán giả Hàn Quốc, vì vậy nếu chương trình thành công ở Hàn Quốc, thì khả năng thành công của chương trình cũng rất cao ở các quốc gia khác như Đức, Pháp và New Zealand”.
Steinman cũng nói thêm rằng ngày càng có nhiều mạng lưới sản xuất đang tìm cách tiếp cận các chương trình thực tế của Hàn Quốc.“Chúng tôi đang làm việc với các mạng lưới của Hàn Quốc về các sáng kiến và cuộc thi viết kịch bản của họ, đồng thời trao đổi với họ về việc tham gia vào giai đoạn đầu. Chúng tôi muốn có những ý tưởng tuyệt vời và rất nhiều trong số đó đến từ Hàn Quốc” - Steinman cho hay.
“Các chương trình thực tế của Hàn Quốc phải chấp nhận rủi ro ở nhiều khía cạnh khác nhau. Điều này cho phép các nội dung Hàn Quốc vươn ra toàn cầu” - Rob Wade, Giám đốc điều hành Fox Entertainment.
|
Việt Lâm (tổng hợp)