(giaidauscholar.com) - Mỗi khi nghe ai nhắc tới “ốc bươu vàng”, như một phản xạ tự nhiên, Huỳnh Phước Hiền nổi gai ốc. Món ốc bươu vàng luộc ăn trừ cơm đã nuôi lớn Hiền suốt một tuổi thơ nghèo đằng đẵng.
Bóng đá hôm nay 7/11: Trọng tài World Cup rút 10 thẻ đỏ trong 1 trận đấu. HLV thứ 5 ở Ngoại hạng Anh bị sa thải. Tuyển Pháp nhận hung tin về Benzema. Lịch thi đấu bóng đá. Trực tiếp bóng đá.
Học hết lớp 11 rồi lên TP.HCM mưu sinh với nghề đan vợt tennis thuê, bưng vác rồi bán đồ thể thao thuê, vậy mà chẳng ai ngờ sau 12 năm cơ cực, chàng trai Huỳnh Phước Hiền đã đổi đời nhờ thể thao.
Mò ốc ăn trừ bữa
Hiền (năm nay 29 tuổi) xuất thân trong gia đình nghèo, đông con, không ruộng, vườn ở ấp An Phú, xã An Long, huyện Tam Nông, Đồng Tháp. Cha mẹ Hiền đẻ được 6 người con, tình cảnh đói ăn xảy ra đều như vắt chanh. Nhà thì xiêu vẹo, hai bên không có tường quây kín. Mỗi ngày mưa to gió lớn, mưa cứ thốc vào hết trong nhà, mấy anh chị em phải chạy ra sau bức vách. Lớn lên, suốt ngày mấy chị em Hiền phải mò ốc bươu vàng, luộc lên chấm muối ăn tới no, vì nhà không có cơm.
“Tôi lúc nào cũng thèm ăn cơm, thèm đi học nhưng nhà nghèo quá”, Hiền hồi tưởng. Năm 2010, khi vừa học hết lớp 11, Hiền trốn ba mẹ theo xe khách lên TP.HCM để làm thuê. Trong tâm trí cậu nhóc nhỏ thó, đen thui ngày ấy “mình phải đi làm, phải kiếm được tiền lo cho cha mẹ, anh chị em”.
Theo lời người bà con ở quê giới thiệu, Hiền vào làm thuê trong cửa hàng bán dụng cụ thể thao trên đường Huyền Trân Công Chúa, quận 1. Không việc gì Hiền nề hà, từ bốc vác đồ, dọn hàng, bán hàng, đan vợt tennis… Anh được chủ bao ăn, ở, được trả lương 1,5 triệu đồng/tháng. Các năm sau thì có tăng lên một chút, nhưng cao nhất chỉ là 5 triệu đồng/tháng hồi năm 2018.
Làm thuê nuôi giấc mơ làm chủ
Khi Hiền làm được một thời gian ở cửa hàng, anh xin việc cho chị gái, về bán hàng thuê giống mình. Cả hai chị em đều giống hệt nhau ở sự chịu thương chịu khó và vô cùng tiết kiệm. Chủ lo chỗ ở và các bữa ăn chính, còn lại bữa sáng thì Hiền và chị chỉ dám ăn mì gói quanh năm. Chị Huỳnh Thị Bé Ngoan, 31 tuổi, chị gái của Hiền chỉ tay lên khuôn mặt em trai, ngậm ngùi: “Cũng vì ăn nhiều mì gói quá, Hiền lên mụn chi chít ở mặt, da bị rỗ luôn…”.
Hiền không cho phép mình có thời gian nghỉ ngơi. Khi không có khách, anh học cách ghi nhớ các món hàng, xuất xứ của hàng, đặc điểm… Dần dần anh tự học nghề đàn vợt từ các anh chị đã làm lâu hơn ở tiệm. Ngày ấy chưa có máy đan vợt hiện đại có thể tự động điều chỉnh lực căng như bây giờ nên đòi hỏi người đan phải có sự tỉ mỉ, khéo léo rất cao.
Chăm chỉ, khéo tay, Hiền đan vợt giỏi và được nhiều người chơi tennis ở TP.HCM yêu mến. Đặc biệt, cậu nhóc nhanh nhẹn này còn có sự tò mò, ham học hỏi. Đan xong vợt và đi giao vợt cho khách ở sân, anh “học lỏm” cách chơi tennis, tự hứa với bản thân sau này có tiền sẽ quyết tâm học chơi tennis đến nơi đến chốn vì thấy bộ môn này hay quá. Có một tay vợt có tiếng, thường xuyên đan vợt quen chỗ Hiền, quý mến và thương hoàn cảnh của Hiền cứ dịp gần tết lại ghé đến tiệm rồi lì xì cho anh.
Cả năm Hiền và chị gái chỉ dám nghỉ đúng 3 ngày tết. Quanh năm hai chị em mặc lại đồ cũ người ta cho, không dám uống nước ngọt dù thèm. Tiền lương có được, hai chị em hầu như giữ nguyên gửi cho ba mẹ, cho cho các em ăn học. “Lúc nào trong tôi cũng có một điều ước, đó là lo được cho ba mẹ, cho các em và tạo dựng được một cửa hàng của riêng mình. Nghĩ tới điều ấy tôi thấy quên hết mệt nhọc”, chàng trai đan vợt thuê bộc bạch.
Đổi đời nhờ thể thao
Năm 2018, Hiền nghỉ việc làm thuê ở “phố bán đồ thể thao” Huyền Trân Công Chúa, quận 1. Chàng trai “nick name” Hiền Hý đứng ra kinh doanh riêng. Trước tiên, khi vốn ít, Hiền bán đồ thể thao online, xây dựng mạng lưới khách hàng rộng hơn. Chăm chỉ, chịu khó, khách đặt hàng ở xa tới đâu, kể cả Bình Dương, Đồng Nai, Hiền đều đích thân đi giao.
Hiểu biết thể thao, vững kiến thức về các mặt hàng, bán hàng đàng hoàng, chịu thương chịu khó, Hiền được rất nhiều người quý mến. Nhiều người đi đan vợt từ khi cậu nhóc Hiền 16 tuổi, cho tới bây giờ lại là khách “ruột” khi Hiền Hý khởi nghiệp.
Tháng 7/2022, Hiền mở được cửa hàng đầu tiên của mình trong hẻm 283 đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10, TP.HCM. Cửa hàng khang trang với máy đan vợt hiện đại, các loại vợt tennis, giày thể thao, túi thể thao chính hãng… Ngày đầu tiên khi dọn hàng xong xuôi, Hiền nhìn chị gái và các em rồi rớt nước mắt. Cậu bé mới học hết lớp 11, đi đan vợt thuê ngày nào đã có có cửa hàng tiền tỉ, từ mồ hôi nước mắt và ý chí kiên cường. Hiền bộc bạch: “Gia đình là điểm tựa vững chắc để tôi không ngừng cố gắng và không bỏ cuộc dù khó khăn đến thế nào…”.
Đổi đời nhờ thể thao, Hiền cũng đưa 3 người em ruột của mình lên TP.HCM cùng làm những công việc như mình ngày trước. Em trai 22 tuổi của Hiền đang nhặt bóng trong sân tennis tại quận 7, em gái 19 tuổi phụ bán hàng thể thao tại Quận 1 và em út giúp Hiền kinh doanh.
Mấy chị em Hiền cũng xây dựng lại được cho mẹ được căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi ở quê nhà. Thấm thía cái đói sẽ khốn khổ như thế nào nên từ ngày thoát nghèo, cứ mỗi tháng, mấy chị em lại nấu khoảng 70 - 80 phần cơm gà rồi tặng cho bà con vô gia cư khu vực cầu Chữ Y, cầu Nguyễn Văn Cừ…
Huấn luyện viên tennis Nam Nguyễn, người sáng lập HighFive Tennis Center, Quận 7, TP.HCM, người biết Hiền từ lúc anh 17 tuổi cho hay vẫn nhớ cậu nhóc nhỏ xíu, đen thui nhưng lanh lợi, hoạt bát, ngoan ngoãn, học đan vợt rất nhanh ở đường Huyền Trân Công Chúa.
Anh chia sẻ: “Cho tới ngày hôm nay, với tôi, Hiền như một đứa em ruột. Hiền siêng năng, chịu khó, rất biết cách đối nhân xử thế với mọi người xung quanh. Những gì em đạt được như ngày hôm nay cũng chưa gọi là quá to lớn, nhưng cũng có thể gọi là thành quả cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của em”.
|
Sơn Nam