Sự việc - Ý kiến: Cảm ơn 'thượng đế'!

11:10 02/11/2022

(giaidauscholar.com) - Việc fan bóng đá Việt Nam được đánh giá hâm mộ đứng đầu châu Á, với 75% dân số yêu bóng đá, đã gây ngỡ ngàng nhiều người. Nên đón nhận tin vui trên theo chiều hướng nào?

Người dân Việt Nam yêu bóng đá số 1 châu Á

Người dân Việt Nam yêu bóng đá số 1 châu Á

Theo bảng xếp hạng do Nielsen thống kế, Việt Nam là quốc gia có người dân quan tâm đến bóng đá số 1 châu Á ở thời điểm hiện tại.

Theo khảo sát của Công ty Nielsen (Hàn Quốc) tiến hành trong giai đoạn từ 2019-2021 và từ tháng 1-4/2022, Việt Nam đứng đầu châu Á về tỷ lệ người hâm mộ bóng đá, với 75% dân số Việt Nam yêu bóng đá. Một sự ngạc nhiên nhưng cũng không quá vô lý.

Từ rất lâu, người hâm mộ Việt Nam đã nổi tiếng trong khu vực về mức độ cuồng nhiệt với các đội tuyển quốc gia. Bất cứ các kỳ SEA Games hay AFF Cup, Việt Nam luôn gân ấn tượng mạnh trên các khán đài.

Hình ảnh các dòng người thức khuya, dậy sớm chịu đựng mưa rét hay nóng bức để mong có được tấm vé vào sân Mỹ Đình, đã quá quen thuộc. Mấy năm qua, bóng đá Việt Nam càng được thế giới biết đến nhiều hơn nhờ thành tích đột biến.

Dù thế, để chọn ra một sự kiện tiêu biểu, lột tả sự cuồng nhiệt bóng đá của người dân Việt Nam, phải kể đến lễ đón chào đội tuyển U23 trở về từ Thường Châu (Trung Quốc) năm 2018. Sự kiện đó đã làm “rung chuyển” truyền thông thế giới.

Khán giả được ví là một trong hai tiền đạo (cùng với truyền thông) trong mô hình phát triển của các nền bóng đá. Nói thế để thấy rằng, Việt Nam đang sở hữu thứ tài sản vô giá- tình yêu bóng đá của khán giả nhà.

Làm sao để chuyển hóa thành sức mạnh vô song, đưa nền bóng đá lẫn các đội tuyển QG hòa nhập được bóng đá đỉnh cao thế giới, vẫn còn quá nhiều việc phải làm.

Chú thích ảnh
Khán giả Việt Nam dã được tôn vinh số 1 châu Á. Ảnh: Hoàng Linh

Việc đầu tiên là phải biết tôn trọng khán giả, thông qua sự tận hiến và tạo ra các giải đấu ngày càng “xanh-sạch-đẹp”. Đồng thời, phải cùng các Hội CĐV xây dựng mối quan hệ hợp tác theo hướng “cộng sinh”, chuyên nghiệp hóa.

Chúng ta chưa làm được điều đó, khiến hoạt động của các Hội CĐV tản mát. Nhiều giải đấu quốc tế CĐV lên không gian mạng dùng lời lẽ, ngôn từ, thậm chí hành động hết sức phi thể thao để phản ứng trọng tài, đối thủ, làm mất thể diện cả nền bóng đá.

Đa số các CLB đều không sống được nhờ bán vé và đồ lưu niệm. Các ông bầu mỗi năm phải bỏ ra hàng trăm triệu để thuê cổ động viên cổ vũ, nhóm người đó cũng không đại diện cho toàn thể fan của đội bóng…

Vậy nên, dù V-League vừa được xếp thứ 5 khu vực Đông Á, nhưng xét hai tiêu chí cơ bản- chất lượng chuyên môn và sự thu hút khán giả, chúng ta vẫn còn thua Thái Lan. Ngay thời điểm này, khi V-League chỉ còn 4 vòng thì BTC còn phải thuê trọng tài Thái Lan, Malaysia về điều hành để mong giải “hạ cánh an toàn”, nên chớ vội lạc quan.

Cuối cùng, một nền thể thao không chỉ trông chờ vào mỗi bóng đá. Thể thao Việt Nam đang phát triển thiếu cân xứng, khi quá chú trọng vào ĐTQG và U23 QG.

Trong khi đó, bóng đá nữ và nhiều môn thể thao đỉnh cao khác thiếu sự quan tâm. Kết quả, thể thao nước nhà chỉ tung hoành được ở SEA Games, ra đấu trường ASIAD và Olympic thì “tắt tiếng”!

Hữu Quý

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự