Xem xét đưa mức xử phạt cao hơn để ngăn chặn tin giả

11:32 04/11/2022

Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Thị Song An (Long An) về làm rõ giải pháp ngăn chặn tin giả, thông tin xấu độc trên không gian mạng, tại phiên chất vấn sáng 4/11, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đây là vấn đề nan giải không chỉ tại Việt Nam, mà rất nhiều nước trên thế giới cũng đang phải đối mặt với tình trạng này.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Sử dụng mạng xã hội hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Sử dụng mạng xã hội hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ

Sáng 28/10, tiếp tục Kỳ họp thứ 4, phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Theo "Tư lệnh" ngành Thông tin và Truyền thông, trên không gian số, tin giả lan truyền rất nhanh, rất rộng. Hiện nay, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành các nghị định quy định rõ hành vi, trách nhiệm của các bên liên quan; ấn định thời gian các nhà mạng phải xóa bỏ thông tin sai sự thật, xấu, độc từ 48 giờ xuống còn 24 giờ.

Mức phạt đối với hành vi đưa tin giả đã được tăng lên gấp 3 lần, tuy nhiên, mức phạt trên của Việt Nam chỉ bằng 1/10 so với các quốc gia trên thế giới. Do vậy, thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tham mưu cho Chính phủ xem xét, cân nhắc áp dụng mức xử phạt cao hơn để nâng cao mức răn đe, ngăn chặn hành động đưa tin giả.

Liên quan đến việc ngăn chặn thông tin xấu, độc trên không gian mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, đây thực sự là công việc khó khăn. Giải pháp căn bản nhất vẫn là cần phải có sự vào cuộc tích cực, chủ động của các bộ, ngành, các tổ chức, cá nhân và các gia đình. Khi có sự vào cuộc của toàn bộ xã hội mới có thể giải quyết được căn cơ vấn đề này trên không gian mạng. 

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

 Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, về mặt pháp luật, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để định nghĩa rõ các hành vi, quy định rõ quy trình xử lý hành chính, mức phạt để lực lượng công an có cơ sở vững chắc tiến hành xử lý các trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công khai các đầu số điện thoại để tiếp nhận phản ánh của người dân về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này. Bộ cũng đã sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin để rà quét, ngăn chặn các trang web có dấu hiệu lừa đảo; tập trung xử lý sim rác, xóa khỏi hệ thống những số thuê bao không có thông tin đầy đủ, hoặc thông tin không chính xác, đối soát thông tin qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư… 

Về vấn đề báo hóa tạp chí, báo hóa trang thông tin được đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) đề cập, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay, chúng ta đã công khai dấu hiệu, biểu hiện thế nào là một tạp chí báo hóa, một trang thông tin báo hóa để toàn dân cùng giám sát. Đảng, Nhà nước cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt để rà soát, kiểm tra, thanh tra, xử lý, tiến hành xử phạt, nhắc nhở, yêu cầu đối với nhiều cơ quan để đảm bảo từng bước giải quyết vấn đề này.

Lý giải về vấn đề kết nối cơ sở dữ liệu chưa thông suốt, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, hiện nay, có 8 cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành đang kết nối hiệu quả. Mỗi ngày có khoảng 2 triệu giao dịch kết nối trung ương, địa phương và bộ, ngành với nhau. Tuy nhiên, có nhiều cơ sở dữ liệu khác đã xây dựng nhưng chưa kết nối, chia sẻ; một số cơ sở thông tin đã xây dựng nhưng chưa đủ điều kiện kết nối. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục xử lý vấn đề này, thúc đẩy và đảm bảo kết nối.

Hải Ngọc/TTXVN

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự