Giá dầu châu Á giảm gần 2%

09:11 07/11/2022

Giá dầu giảm gần 2% trong phiên sáng 7/11 tại thị trường châu Á sau khi các quan chức Trung Quốc cuối tuần qua nhắc lại cam kết về các biện pháp ngăn chặn dịch COVID-19 nghiêm ngặt, phá tan hy vọng về nhu cầu dầu phục hồi tại nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới này.

Giá dầu Brent tăng 2% trong tuần qua

Giá dầu Brent tăng 2% trong tuần qua

Giá dầu thế giới tăng trong phiên 22/10 và tăng trong cả tuần, trong khi giá khí đốt tự nhiên giảm mạnh, khép lại tuần qua với mức giảm hơn 20%.

Khoảng 6 giờ 36 phút sáng 7/11 theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,58 USD (1,6%) xuống 96,99 USD/thùng, sau khi chạm mức thấp 96,50 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 1,77 USD (1,9%) xuống 90,84 USD/thùng, sau khi giảm xuống mức thấp 90,40 USD/thùng trước đó.

Nhà phân tích Tina Teng thuộc công ty CMC Markets cho biết giá dầu đã giảm mạnh khi các quan chức Trung Quốc cam kết sẽ duy trì chính sách "Zero COVID" giữa lúc số ca mắc mới tăng tại nước này có thể khiến chính phủ áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt hơn, qua đó làm giảm triển vọng nhu cầu “vàng đen”. Thêm vào đó, đồng USD tăng giá cũng gây sức ép lên giá dầu.

Chú thích ảnh
Một trạm xăng ở London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 4/11, các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lên tiếng sẽ tiếp tục xem xét mức tăng lãi suất nhỏ hơn tại cuộc họp sắp tới bất chấp số liệu mạnh về thị trường lao động.

Trong tuần trước, dầu Brent và WTI, đã tăng lần lượt là 2,9% và 5,4%, nhờ đồn đoán Trung Quốc có khả năng chấm dứt các biện pháp phong tỏa liên quan đến dịch COVID-19. Thông tin này đã đẩy thị trường chứng khoán Trung Quốc và giá các loại hàng hóa lên cao. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo ngày 5/11, các quan chức y tế nước này cho biết họ sẽ kiên trì với cách tiếp cận hiện nay ngay khi phát hiện ca mắc mới.

Số liệu thương mại từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, dự kiến công bố vào cuối ngày 7/11, có thể cho thấy xuất khẩu tiếp tục giảm giữa lúc nhu cầu toàn cầu tiếp tục giảm.

Các nhà phân tích của ANZ cho biết trong một lưu ý rằng thị trường vẫn đang đối phó với các dấu hiệu suy yếu về nhu cầu dầu do giá vốn đã cao và bối cảnh kinh tế suy yếu ở các thị trường lớn, đồng thời cho biết thêm nhu cầu ở châu Âu và Mỹ đã giảm trở lại mức năm 2019. Theo ANZ, nhu cầu dầu toàn cầu trong quý IV/2022 chỉ tăng 600.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm 2021 và ở mức vừa phải trong năm 2023.

Minh Hằng/TTXVN (Theo Reuters)

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự