(Bài dự thi) - Sở dĩ tôi nói như vậy là vì tình cờ, vì ngẫu nhiên tôi mới tháp tùng với mọi người đi cùng trên chuyến xe đến Bình Thuận - Miền Trung xa xôi, để thăm người anh của bọn tôi.
Trước đó hai hôm, Tâm có điện mời tôi lên Thành phố Hồ Chí Minh chơi vì anh ấy mới ở nước ngoài về. Rất tiện vì ngày lúc đó tôi cũng đang trên đường vào Thành phố Hồ Chí Minh thăm con gái, cháu nó học ở gần đấy.
Đêm đó tôi đang ở nhà Tâm uống bia, chuyện trò rôm rả thì mấy người họ hàng của Tâm ở thành phố và cả ở dưới quê lên. Đúng lúc ấy thì điện thoại của Tâm reo, sau đó anh quay sang chúng tôi cất giọng, vừa ngập ngừng vừa hồ hởi “có chuyến đi chơi bất ngờ đây, mong các huynh đệ ủng hộ. Chúng ta cố gắng đi chơi với nhau một chuyến nhé”.
Chúng tôi gần như đồng thanh “mà đi đâu, lúc này được chứ?”
Miền Trung! Ông anh ruột của tôi vừa điện qua đây, anh nói nhân ngày mai gia đình có tổ chức lễ mừng “lục tuần” cho ảnh nên rất vui nếu tôi và các anh em chúng ta trong nầy sắp xếp đi được, khoảng hai ngày thôi. Sau giây phút cân nhắc việc nước, việc nhà chúng tôi cùng nhau nâng ly okê với Tâm…
Thế là tôi phải điện về cho bà xã nói rõ mục đích, ý nghĩa chuyến đi, đồng thời động viên bà ấy chăm sóc ruộng vườn, nhà cửa “vườn hồng đóng chặt đợi anh về”
Chiếc xe 12 chỗ đời mới khởi hành lúc 5 giờ sáng, được trang bị mấy thùng “Ken”, thuốc lá, thức ăn, đồ nhắm…vì anh bạn là Việt kiều mà. Dẫu bên ấy có vất vả thế nào nhưng khi về nước cũng phải gắng làm sao coi được khi “áo gấm về làng”, rồi tôi lại nghĩ khác, nếu những ai gặp ông bạn tôi, chắc không ai nghĩ là một Vịêt kiều vì anh quá bình dân, từ ăn mặc, ngôn ngữ, tác phong. Đặc biệt là anh ấy biết chia sẻ với những người có hoàn cảnh nghiệt ngã, khó khăn…luôn quan tâm và khích lệ những ai có tinh thần hiếu học, cầu tiến trong cuộc sống. Tóm lại, anh luôn đặt chữ “Đắc, nhân, tâm” trong lòng rất nhiều người.
Mải miên man suy nghĩ, xe đã bon bon tới đất Bình Thuận, cái nắng rất dữ của tháng 3 âm lịch mới bí bích làm sao. Nhìn ra ngoài, những tia nắng như có muôn ngàn vì sao đến nhức mắt. Lộ nhựa thẳng tắp, phẳng phiu khá rộng song rất ít xe đi ngược chiều hay trái chiều. Những dải đất hai bên lộ trải dài bao la, khô cằn chẳng có cây nào hiện hữu có giá trị. Thi thoảng gặp lũ bò dăm ba con đứng gặm cỏ dưới ruộng - cỏ cũng chết tròm trèm hết nửa thân vì nắng và đất. Xa xa có một vài đám lúa đám ngô còn sống vì đồng trũng và có suối…Phần nhiều đất ruộng, màu được cày xới để chờ đến mưa mới gieo trồng. Điều làm tôi thấy chạnh lòng là trên con đường dài nắng nóng lại khô cằn như thế lại có những căn nhà thấp lè tè, xây gạch kín mít, mái lợp tôn nóng chẳng có một cái cây xanh nào che chắn cho những con người sống trong “cái lò” ấy được tiếp hơi cả.
Ngoài vai chánh là ông bạn tôi, còn đa phần chúng tôi là những khách bất đắc dĩ. Tuy vậy, phút băn khoăn qua mau trước những cử chỉ cùng lời chào mời rất chân thật, ân cần của ông chủ nhà vì họ hàng hôm ấy khi tiếp xúc với đoàn khách miền Nam chúng tôi đến giao lưu văn nghệ, đàn ca tài tử với các bác ngoài ấy ai mà không hát không kể chuyện vui…
Hôm sau, sau phần cà phê sáng cùng chương trình thời sự tổng hợp “chuyện hai miền” chúng tôi phải nói lời chia tay vời gia chủ mà hai bên chủ khách cứ như còn vướng trong lòng niềm lưu luyến, tiêng tiếc…
Chiếc xe được tăng tốc về địa điểm tham quan cuối cùng là núi “Tà pao” nơi thờ Đức mẹ Tà pao – nơi được gọi là hiển linh, xua đi điều dữ, đem đến điều lành tới cho gia đạo nên chị em trong đoàn xuýt xoa yêu cầu. Khi chúng tôi lên độ cao khoảng hơn 100 mét thì một khoảng sân rộng chừng có 30 người đang quỳ đọc Thánh kinh, có Đức cha giảng đạo đứng cạnh tượng Đức mẹ Tà pao sừng sững uy nghiêm.
Được biết mỗi ngày có chừng ấy người tự nguyện đến quỳ và nghe giảng đạo (ngày lễ, tết thì rất đông). Điều lạ lùng là Đức mẹ hay bay ra, bay vào ẩn hiện trong tượng thờ. Song đối với người thành tâm mới nhìn thấy, người đứng cạnh tôi cho biết.
Tục ngữ có câu “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Quả đúng như vậy, có những điều nó luôn hiện hữu, gần gũi quanh ta thôi, song vì trái tim ta không nghĩ tới thì mắt ta không nhìn thấy được.
Sau chuyến đi ngẫu nhiên ấy, đến giờ mỗi khi nhớ đến miền Trung tôi lại thấy những ngôi nhà gạch thấp, bé, lợp mái tôn nóng với cái nắng, gió táp vào từ mọi phía. Những con bò gặm những cọng cỏ khô như rơm, thấy giữa lưng chừng núi có tượng thờ Đức mẹ Tà pao với mấy mươi người quỳ đọc Thành kinh và nghe Đức cha giảng đạo…
Ngô Nam Tiến