Chủ đề Một chuyến đi, với định hướng rộng của Ban Tổ chức, ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các cây bút chuyên nghiệp và không chuyên trên khắp đất nước và người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài. Một chuyến đi không hạn chế về mặt đề tài: đó có thể là hành trình khám phá những vùng đất lạ, nhưng cũng có thể là hành trình khám phá tâm hồn con người và khám phá bản thân, những chuyến đi có chủ đích hoặc ngẫu hứng, những chuyến buồn - vui, những kỷ niệm thời đã qua hay cuộc du ngoạn vào tương lai, cũng có thể là những chuyến đi mở rộng không gian ra ngoài đất Việt... Một chuyến đi cũng không khuôn định thể loại: du ký, tất nhiên là phù hợp, nhưng để chuyển tải một chuyến đi, người viết hoàn toàn có thể sử dụng thể loại tản văn, tạp văn, tùy bút, phóng sự, hồi ký, tự truyện, cả sự pha trộn báo và văn với những liên tưởng hoặc tưởng tượng phóng khoáng...
Điều này được phản ảnh sinh động trong các bài viết dự thi. Từ hơn 1200 bài từ khắp nơi gửi về, Ban Sơ khảo đã chọn được 100 bài viết có chất lượng chuyển lên Hội đồng Chung khảo.
Hội đồng đã sàng lọc nhiều lần và đề cử vào vòng chấm giải 45 bài. Bắt đầu từ đây là công việc khó khăn và thú vị nhất của việc chấm thi. Khó khăn, vì chất lượng các bài viết đều ở mức khá đồng đều, ít thấy sự hơn kém. Thú vị, vì các bài đều sinh động, đa diện đa sắc về nội dung và hình thức thể hiện. Phù hợp với tinh thần rộng mở của thể lệ, tiêu chí chấm giải của các thành viên giám khảo cũng mềm dẻo và chấp nhận mọi đề tài, mọi thể loại, chỉ nêu cao một tiêu chuẩn: phải là bài viết hay. Sau khi xem xét kỹ chất lượng của các bài viết, từ thực tế chưa có bài thực sự nổi bật và thuyết phục được đa số giám khảo, Hội đồng đi đến quyết định bỏ trống giải nhất, và tặng thêm một giải nhì và một giải ba.
Trong số 45 bài viết, 13 bài được đề cử để tranh giải chính thức. Kết quả là 6 tác phẩm đoạt giải thưởng chính thức của cuộc thi viết Một chuyến đi, 20 tác phẩm đoạt giải Chuyến đi đáng nhớ. Bên cạnh đó là một giải thưởng chính thức qua bình chọn trên mạng.
* Nhiều ấn tượng ở Một chuyến đi
Bước một bước và bài học để đời của Vũ Thị Huyền Trang hầu như chỉ có một chi tiết: ở cửa khẩu biên giới, cô sinh viên khi đi qua cái barie đã có một cách xử sự không phù hợp. Sự việc này trở thành nhớ đời đối với cô, và kịp thời đến cùng sự hối hận là một nhận thức mới: ở nơi xác nhận chủ quyền đất nước và toàn vẹn lãnh thổ, người ta cần phải đi qua cái barie một cách đàng hoàng. Sự khái quát của bài viết còn được nâng lên khi cái barie không dừng lại ở hữu hình: trong cuộc sống, và cả trong lòng người cũng có những cái barie khác, và người ta cần phải đi qua một cách đàng hoàng, nghiêm túc. Chi tiết mang tính khái quát đã làm sáng lên một bài viết mà câu chuyện còn đơn giản, tưởng như không có gì để nói nhiều.
Không có chân – chị vẫn đi của Thái Việt kể lại câu chuyện sinh động về một người chị tật nguyền. Mối quan hệ gây dị nghị và không dễ cảm thông lại được cứu vớt bằng quan niệm duy cảm của người mẹ. Không phân biệt, không kỳ thị, không rạch ròi duy lý; chỉ cần lòng nhân, hay là tình thương chân thành của con người, là có thể cắt nghĩa cho tất cả. Tình thương ở đây là con đường ngắn nhất, thuyết phục nhất để một con người có thể đến với một con người. Một cốt truyện mạch lạc, một lối kể sáng rõ, một chút kỹ thuật gài cắm chi tiết gây hiệu quả, đã đem đến cho người đọc một câu chuyện chân thực và xúc động.
Cũng được kể lại một cách có ấn tượng là Một chuyến đưa tang của Phạm Hải Quyền. Khó có ai trong đời chưa gặp một đám tang như thế này. Thương xót, bùi ngùi, cám cảnh, sẻ chia với tang quyến, băn khoăn cho gia cảnh mà người ra đi đã để lại. Nhưng rồi thương nhớ đến đâu thì người đưa tang cũng phải từ biệt người chết mà trở về với đời sống - ở đây là một quán bia. Có chúc tụng, có hò reo, có lãng quên. Tác giả ưu tư khi để ý thấy “không còn ai nhắc đến người ra đi nữa”, “những băng đen mọi người gài lên ngực khi nãy, rơi lả tả và nhàu nhĩ dưới những chân giầy”. Nghe ra thì nghiệt ngã, nhưng trong buồn thương, có cái ngộ ra rất bình thường về đời sống, như một ý thơ của Chế Lan Viên: một mai không có anh, chim vẫn hót, trời vẫn xanh... Tác giả đã sắp xếp chi tiết có ngụ ý để gây được cảm xúc qua một bài viết ngắn.
Những chuyến xe đêm của Nguyễn Quốc Bửu kể về công việc của thành viên một hội từ thiện ở thành phố Hồ Chí Minh. Từ đêm cho đến sáng, với hàng chục phần quà trên chiếc xe máy, họ đã đi khắp thành phố để tặng quà cho người nghèo gặp trên đường. Mỗi phần quà là 2kg gạo với 2 chai dầu gió xanh, không lớn, nhưng là sự trợ giúp thiết thực và ngay lập tức cho những người lang thang cơ nhỡ. Gây xúc động là chi tiết cụ già cụt hai chân bên lề đường, từ chối nhận quà vì vừa mới được người khác tặng – người nghèo không tham, và trong nghèo khó vẫn nghĩ đến những người cùng cảnh ngộ. Bài viết có tác dụng thức tỉnh, và nếu hình thức hoạt động này được nhân lên thì ý nghĩa xã hội thật đáng kể. Bài phóng sự kèm theo ảnh cũng tạo được ấn tượng thật chân thực.
Chuyến đi bão táp của Thanh Hà là chuyện một cặp vợ chồng do hiểu lầm mà quan hệ tan vỡ, chị cầm quyết định ly hôn của tòa lên trao cho anh ở nơi công tác. Chuyến đi của một thời khó khăn, chỉ có hơn 100 km mà từ Hà Nội phải đi từ sáng sớm, qua một đêm, sáng hôm sau mới đến nơi. Trớ trêu là có người gặp trên đường nghĩ rằng chị lặn lội khó khăn đi thăm chồng. Nhưng những truân chuyên của một chuyến đường đời, với sóng gió dông bão của cuộc đời, có lẽ đã khiến cho người đàn bà biết nâng niu hơn cái hạnh phúc mà suýt nữa mình để mất.
Cũng thuộc loại hồi ức, Biết mấy đau thương của Hải Sơn gây ấn tượng bởi lối kể thật thà, chân xác những gì mình đã chứng kiến vào đầu năm 1975. Tin đồn bịa đặt đã khiến cho dân lành bỏ chạy hoảng loạn và chết thảm thương. Những người dân nghèo đi hôi của đã gặp những xác chết ngổn ngang, những người hấp hối trong đau đớn... Một số chi tiết rợn người, gây xúc động, dấy lên lòng căm giận đối với chiến tranh phi nghĩa. Cảm xúc này đã đánh thức lòng trân trọng đối với hòa bình và cái giá phải trả cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.
Từ một lời hứa chưa thực hiện được, tác giả Yên Khương trong bài Hứa với nhân vật nói lên nỗi băn khoăn của người làm báo có trách nhiệm trước con người và trước cuộc đời. Để làm được việc tốt cho người này, ta phải nhờ đến sự giúp đỡ của người khác, của cả cộng đồng. Cứ thế mà hình thành sự đáp đến tiếp nối, hình thành một chuỗi dây chuyền, và tin rằng điều tốt sẽ thành hiện thực, sẽ được nhân lên.
* Du ký và hồi ức
Với những bài đề cử cho giải Chuyến đi đáng nhớ, giám khảo tập trung vào những bài mang tính du ký, kể về hành trình qua các vùng địa lý, mang màu sắc bản địa. Những bài nổi bật đều tái hiện hình ảnh các vùng miền của đất nước: Cái giá của sự hoang sơ của Đỗ Lãng Quân, phần minh họa như một phóng sự ảnh, kể về chuyến đi ban đầu và nhiều ấn tượng về vùng Tây Bắc. Cùng ở khu vực này, Nơi chân trời trước mặt của Chu Bá Nam là kỷ niệm Tây Bắc khó quên khi đi làm công tác tìm kiếm dược liệu trong rừng núi. Giàng Cho Số của Nguyễn Khánh Linh kể về cô hướng dẫn viên du lịch “như một bông hoa rừng” ở Sa Pa. Món nợ vô hình của Bạch Vân là nỗi day dứt vì có lúc thiếu sự tin cậy vào con người. Thương nhớ Hoàng Sa của Trần Hoài từ một câu chuyện cụ thể, hướng cảm xúc của người đọc đến vùng đảo xa xôi thuộc vùng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Chuyến đi tìm công lý của Trần Mạnh Tài là hành trình còn tiếp nối của các nạn nhân Việt Nam kiện những công ty Mỹ sản xuất chất độc màu da cam/dioxin.
Đi bắt nghiện của Nguyễn Việt Hà, qua cái nhìn độc đáo của một người con gái, hiện lên hình ảnh người cha là công an dùng tình thương và sự cảm thông để cảm hóa những người lầm lỡ. Tia nắng đáy sông của Nguyễn Thị Nguyện là “chuyến dã ngoại” trên một bãi cỏ ven hồ, rất gần, ai cũng có thể tiện chân bước đến được, nhưng đó là cả một hành trình ấn tượng với cô gái tật nguyền. Đi tìm O Văn của Nguyễn Viết Lợi tạo được nỗi cám cảnh và xót xa trước tình người. Trước bà cụ gánh mùa xuân vào phố của Lương Đình Khoa là sự cảm thông với tâm trạng của người già mà ngay cả người thân cũng chưa chắc đã thấu hiểu...
Ở những chuyến đi trong hồi ức, một số bài tạo được sự chú ý: Chuyến đi định mệnh của Nguyễn Thanh Hải là sự trân trọng, muốn tìm lại ân nhân cũ trong một hoàn cảnh khó khăn. Tác giả Vinh Nhi của Về nơi tôi sinh ra làm một chuyến đi thăm lại nhà hộ sinh nơi mình sinh ra, bình dị nhưng là nơi khởi nguồn, không phải ai cũng nghĩ ra cần có một chuyến đi như vậy. Đà Lạt và... mẹ của Phương Uyên là kỷ niệm đau thương về người mẹ đã hy sinh vô điều kiện. Tôi và 15 ngày ở bệnh viện của Vũ Thị Phương Mai là chuyến đi vào cõi sống chết để sau đó kết nối những người chung một hành trình còn ở lại với cuộc đời. Theo mẹ đi chợ Đồng Xuân của Vũ Thế Long là nỗi tiếc nuối những đổi thay làm xói mòn các giá trị của một thời.
***
Cuộc thi viết Một chuyến đi đã khép lại, nhưng với những người viết và với tất cả chúng ta, phía trước lại mở ra những hành trình tiếp nối. Cũng có thể từ đây, những bài viết về các chuyến đi, hấp dẫn hơn, kỳ thú hơn, sẽ tiếp tục được gửi về, tạo dựng mối quan hệ tương tác giữa người viết với người đọc, giữa người viết với nhau, trên trang giấy và cả trên trang mạng, làm giàu thêm cho đời sống báo chí và đời sống của mỗi người.
Hồ Anh Thái
(Nhà văn, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo)