Cách đây gần 20 năm, vào tuần
giáp tết, những gia đình ở Huế lại nổi lửa làm mứt gừng. Nhưng gần đây,
khi kinh tế khá hơn, hàng hóa phục vụ ngày tết cũng nhiều hơn thì những
bếp lửa như thế đã bắt đầu vắng dần...
Ký ức “ngày xưa” được “đánh thức” vào hôm qua, khi tôi thấy những túi mứt
gừng được đặt trong siêu thị. Những lát mứt gừng màu vàng nhạt được trang điểm
thêm nhiều hạt bụi đường trắng tinh xếp ngay ngắn trong chiếc túi ni - long đẹp
mắt song không được nhiều người để ý.
Dường như người ta cố tình đi lướt qua nó để tìm những món mứt mới, hiện đại
và sang trọng hơn.
Sự “nguội lạnh” của họ trước món mứt từng “đồng cam cộng khổ” trong những năm
khó khăn làm tôi nhớ đến hương vị vừa cay vừa ngọt rất “đời” vốn có ở mứt
gừng.
Và tôi nghĩ, có thể chỉ những người sinh trước những năm 1990 mới có cảm nhận
đó. Họ là thế hệ được sinh ra giữa ranh giới khó khăn và sung túc.
Nguyên liệu cũng khó mua
Đó là chuyện của những năm đầu thập niên 1990.
Lúc này một số mặt hàng phục vụ ngày tết như mứt gừng, mứt dừa, hạt dưa, rượu
Hương Lúa... bắt đầu được bày bán dè xẻn trong những của hàng mậu dịch, nhưng
không phải bất kỳ người dân nào cũng có đủ tiền để mua tất cả chúng.
20 năm trước, hầu như nhà nào ở Huế
cũng nấu mứt gừng
Sự thiếu hụt về kinh tế chỉ cho phép họ chọn mua những mặt hàng không thể tự
tay làm được, ví dụ như bánh, kẹo, thuốc lá, mì chính, rượu. Còn mứt họ sẽ tự
làm để tiết kiệm tiền. Nhà tôi cũng không ngoại lệ dù biết đây là công việc mất
nhiều thời gian.
Còn nhớ, năm nào cũng vậy. Trước tết khoảng một tuần, những bà nội trợ lại
bắt đầu rủ nhau tìm mua nguyên liệu để nấu mứt. Nguyên liệu “xịn” theo đúng
nghĩa của người Huế phải là những của gừng tươi được trồng ở ngã ba Tuần, nơi có
hai nhánh của sông Hương (Huế)- Tả Trạch, Hữu Trạch gặp nhau trước khi đổ về
đồng bằng. Đây là loại gừng được cho là thơm, có màu vàng nhạt, không quá cay và
không phải bất kì ai cũng mua được vì lúc này nông dân đã biết đi mua gừng ở nơi
khác mang về bán.
Qua được “cửa ải” thứ nhất, những bà nội trợ lại tiếp tục chinh phục “cửa ải”
thứ hai. Đó là họ phải tìm mua đường- loại đường cát vừa trắng vừa mịn,
bây giờ thì đã được bày bán nhan nhản trong các quầy tạp hoá nhỏ nằm ven đường.
Trong khi đó ở thời điểm cách đây 20 năm, để mua được nó bạn phải có người quen,
hoặc, “người quen của người quen” làm ở cửa hàng mậu dịch - nơi mà những gói
đường bày bán công khai thường có màu vàng đất, và loại đường trắng cần tìm luôn
được “bày bán” ở... trong kho.
Nước mắt và gừng cháy
Tôi tin những người từng làm mứt gừng vào khoảng thời gian đó suốt đời sẽ
không quên được những chuyện xảy ra xung quanh bếp lửa. Và ấn tượng đầu tiên
phải kể đến là khói.
Hồi đó ít nhà dùng than tổ ong, thứ người ta thường dùng là củi, than củi.
Vậy nhưng những ngày giáp tết ở Huế thường có mưa, nên củi không mấy khi được
khô. Để có những bếp lửa cháy đượm, suốt khoảng thời gian nấu mứt, cánh đàn ông
phải may ô, quần đùi bò sát đất quạt lấy quạt cho lửa bén vào những thanh củi
ướt, khiến khói túa khắp nhà. Dù bị khói làm ngạt thở, nước mắt nước mũi chảy
dàn dụa và ho sặc sụa nhưng những thành viên trong gia đình vẫn kiên trì bám
bếp, bởi chỉ cần sơ hở để già lửa một chút mẻ mứt đang nấu sẽ bị cháy.
Nhưng bây giờ, những hình ảnh như thế này đang hiếm dần
Nhắc đến cháy, lại nhớ những câu chuyện kiêng cữ của những bà nội trợ ở Huế.
Họ là những người cẩn thận và “kiêng” đủ thứ. Thí dụ như trong ngày đầu năm mới,
dù xác pháo, vỏ hạt dưa nằm lung tung khắp sân, khắp nhà nhưng họ vẫn “kiêng”,
không cho con cái quét đi vì sợ sẽ quét vận may ra khỏi cửa.
Còn trong việc nấu mứt, trong khi ông chồng hì hục thổi lửa, thì bà vợ lại
luôn miệng cấm bọn trẻ con nhắc đến từ “cháy” vì sợ từ này sẽ “leo” vào chảo,
làm mẻ mứt đang nấu bị khét đắng. Điều hài hước nằm ở chỗ, mặc dù cấm đi cấm lại
bọn trẻ con rất nhiều lần, nhưng chính các bà lại là người gây nên “hoạ”.
Mỗi lần có mẻ mứt bị cháy, các bà tha hồ mà xuýt xoa tiếc rẻ, trong khi đó,
bọn trẻ con lại lấm lét nhìn nhau, sướng rơn. Mứt gừng nấu xong thường được cho
vào túi ni long để cúng ông bà trước khi mời khách. Còn những mẻ mứt bị cháy
được đổ ra mâm, và bọn trẻ tha hồ nhặt mứt ở đó cho vào miệng mà không hề bị
mắng. Với trẻ con, một miếng ăn trên bếp lúc nào cũng ngon hơn hẳn lúc đã được
dọn ra bàn, cho dù đó chỉ là một lát mứt sắp cháy đen.
Hàng trăm USD và 27 nghìn đồng
Nhiều năm nay, nhà tôi không làm mứt.
Những nhà sống chung quanh cũng đã bỏ thói quen làm mứt gừng từ lâu.
Những ngày cận tết mọi người lại kéo nhau chạy ù ra siêu thị. Ở đó người ta
bày bán từ mứt ta, đến mứt tây, từ rượu làng nấu cho đến rượu nhập ngoại không
thiếu thứ gì.
Và tết cổ truyền, cứ thế, đến rồi đi, khá lặng lẽ.
Nhưng tết này, khi thấy những túi mứt gừng sắp bị bỏ quên trong siêu thị, tôi
lại thèm cảm giác cùng cả nhà ngồi nấu mứt, thèm được hít căng lồng ngực mùi
thơm nồng của gừng - mùi thơm từng len qua khỏi chái bếp, toả ra ngõ, lan dần
khắp khu phố, trong khi em bé đang đứng cạnh đấy lại liên tục đòi mẹ mua cho
những túi kẹo bim bim.
Và từ siêu thị trở ra tôi đã có cảm giác rất đặc biệt khi vô tình quệt vào
một phụ nữ đang ôm một “núi” hàng tết lỉnh kỉnh trước bụng làm nó suýt rơi xuống
đất.
Bây giờ Huế đã giàu hơn, lớp thanh niên sinh trước 1990 như người phụ nữ này,
không hiếm người có thu nhập trên 1000 USD/tháng. Họ hoàn toàn có đủ khả năng
chi trả hàng trăm USD cho những dịp đặc biệt.
Nhưng điều tôi muốn nói là chỉ mới đây thôi, khoảng 20 năm trước, cứ mỗi lần
tết đến, họ cũng như tôi, cũng cùng với gia đình phải thức ngủ, vật lộn từ 1- 2
đêm để làm 1kg mứt gừng - loại mà bây giờ trong siêu thị bày bán mỗi cân đúng 27
nghìn đồng.
Dương Quang Tiến (Theo NDĐT)