Sẽ giàu mạnh nếu dùng hàng Việt

20:29 29/10/2009

Hơn 1.000 câu hỏi gửi về tòa soạn báo Tuổi Trẻ ngày 19-10 để trao đổi với bảy đại sứ hàng Việt xung quanh câu chuyện “Làm sao để đồng hành cùng hàng Việt?”. Với sự ra đời của Câu lạc bộ đại sứ hàng Việt, từ đây hàng Việt không còn đơn độc trên con đường chinh phục thị trường nội.

Mỗi người đến với vai trò đại sứ hàng Việt trong tâm tư khác nhau, tuy vậy mẫu số chung của họ là mong muốn thật nhiều người dùng hàng Việt.

Đâu cứ nổi tiếng là xài hàng ngoại

Đại sứ quảng bá hàng Việt

Câu lạc bộ đại sứ hàng Việt ra mắt ngày 19-10 với 15 thành viên do nghệ sĩ Quyền Linh làm chủ nhiệm lâm thời. Câu lạc bộ được thành lập dựa trên sáng kiến Câu lạc bộ doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao, BSA.

Các đại sứ là những người nổi tiếng và có uy tín trong xã hội sẽ ủng hộ việc “ưu tiên sử dụng hàng Việt” và cố gắng nêu gương ở những nơi công cộng thông qua các hoạt động trao đổi, đưa ra những nhận xét, đánh giá về hàng Việt, giao lưu với các đối tượng người tiêu dùng và doanh nghiệp trong các sự kiện, chuyên đề để quảng bá sử dụng hàng Việt...

Nghệ sĩ Kim Xuân nhấn mạnh như vậy khi một bạn đọc cho rằng hàng nội chưa phải là sự ưu tiên của các nghệ sĩ. Kim Xuân cho biết: “Từ rất lâu rồi tôi đã là người tiêu dùng hàng VN, không như những điều người ta hay nghĩ cứ là người nổi tiếng thì phải xài hàng ngoại”.

Thường xuyên tiếp xúc với các chính khách, bà Tôn Nữ Thị Ninh vẫn chọn chất liệu vải nội cho trang phục của mình. “Tôi luôn tìm lụa tơ tằm VN để mặc mà vẫn đảm bảo được yêu cầu hoạt động đối ngoại của tôi. Ngoài những lọ nước hoa ngoại mà tôi được tặng hoặc mua (chỉ vài lọ thôi!), tôi đang có và sử dụng một lọ nước hoa Miss Saigon cho sinh hoạt thường ngày” - bà Ninh nói.

Thậm chí, nếu có nước hoa của thương hiệu nội “đẳng cấp” kha khá thì nhà ngoại giao duyên dáng này mạnh dạn giới thiệu hoặc khoe với bạn bè nước ngoài. Bà Ninh dí dỏm: “Tôi là người “sành điệu” nhất trong nhà, còn chồng tôi là nhà giáo và con trai tôi rất ghét những ai sính ngoại, cả hai là đồng minh của tôi”.

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng khoe rằng trong hầu hết bộ sưu tập của mình, chất liệu vải VN như lụa Vạn Phúc, Phước Thịnh... đều được ưu tiên sử dụng vì bền, hoa văn đẹp.

“Mỗi chúng ta chắc sẵn sàng dùng hàng VN nếu hàng Việt đảm bảo được mối tương quan chất lượng - giá cả và hàng Việt cũng được bày bán thuận tiện ở nhiều nơi” - bà Ninh nói.

Làm gì để hàng Việt về quê?

Trong buổi giao lưu với các đại sứ, điều trăn trở lớn nhất của bạn đọc vẫn là chất lượng và làm sao để người tiêu dùng tiếp cận được hàng Việt; cách nào để hàng Việt cạnh tranh được với hàng Thái Lan, Trung Quốc. Bạn đọc Quỳnh Mai kể: “Nhiều khi để mua được hàng Việt thật khó, nhất là các vùng quê, tôi vẫn phải mua hàng để “cõng” về quê cho bố mẹ. Vậy các đại sứ hàng Việt hành động thế nào để người dân nông thôn biết và sử dụng hàng Việt nhiều hơn?”.

Nghệ sĩ Quyền Linh, chủ nhiệm Câu lạc bộ đại sứ hàng Việt, chia sẻ: “Đây cũng là điều trăn trở đối với doanh nghiệp hàng VN. Có những doanh nghiệp với nhiều sản phẩm chất lượng rất cao nhưng họ không đủ lực để cạnh tranh trong việc quảng bá rầm rộ trên cơ quan truyền thông đại chúng”.

Bà Ninh cho rằng nỗ lực đưa hàng Việt đến người tiêu dùng ở nông thôn là một bước đi rất đúng, thể hiện sự chủ động, năng động của các nhà sản xuất và các nhà phân phối của VN. Tuy nhiên, đối với người tiêu dùng thành thị thì cũng phải nghĩ ra kế hoạch, biện pháp đặc thù thích hợp, trong đó không thể thiếu sự góp sức định hướng tâm lý và gu tiêu dùng.

Mỗi gia đình hãy là một đại lý hàng Việt

Trước thắc mắc của một công nhân đang làm tại một nhà máy của công ty đa quốc gia ở VN, liệu vận động dùng hàng Việt thì hàng thương hiệu nước ngoài sẽ bị tẩy chay, Quyền Linh phân tích: “Chúng tôi đang cổ động với thông điệp ưu tiên cho hàng Việt. Và chúng tôi sẽ đưa ra ba sự ưu tiên: thứ nhất, đó là sản phẩm được sản xuất tại VN do người VN làm ra và chủ doanh nghiệp cũng là người VN. Thứ hai, sản phẩm làm ra tại VN nhưng liên doanh với các doanh nghiệp nước ngoài. Và cuối cùng là sản phẩm sản xuất tại VN do chính người dân VN làm ra nhưng chủ doanh nghiệp là người nước ngoài”.

"Nếu một đất nước 86 triệu dân này ai cũng thể hiện vai trò “đại sứ hàng Việt” của mình thì đất nước chúng ta chẳng mấy chốc sẽ trở nên giàu và mạnh"

Nghệ sĩ Quyền Linh
Rất nhiều bạn đọc đặt mong muốn trở thành đại sứ hàng Việt, cùng tham gia các hoạt động vận động dùng hàng Việt. Bà Vũ Kim Hạnh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), cho biết mỗi đại sứ hàng Việt trong Câu lạc bộ đại sứ hàng Việt hiện nay đang dùng những ảnh hưởng nhất định của mình để thuyết phục mọi người cùng đồng hành với mình.

Sắp tới các đại sứ hàng Việt sẽ đến các diễn đàn, hội chợ để vận động người tiêu dùng dùng hàng Việt, hàng Việt sẽ không còn cô độc trong cuộc vận động nữa. Bởi như tiến sĩ Đinh Phương Duy nói: “Khi mỗi gia đình là một đại lý hàng Việt thì tôi tin rằng sẽ có nhiều người Việt bị lôi kéo xài hàng Việt hơn nữa”.

Tại sao người dân Hàn Quốc, Nhật dù ở đâu vẫn chỉ sử dụng hàng nước mình? Quyền Linh chia sẻ: Hàn Quốc, Nhật... giàu có vì người dân có ý thức dùng sản phẩm do chính đất nước họ sản xuất ra. “Và tôi nghĩ đó chính là lòng yêu nước, vậy tại sao người Việt không làm được điều đó? Chúng ta sẽ tự hào nếu như đất nước chúng ta giàu mạnh bởi lý do hết sức đơn giản: chúng ta sử dụng hàng Việt” - Quyền Linh nói.

Theo Tuổi trẻ

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự