Chuyện ông lão gần 100 tuổi "canh" cầu Long Biên

08:38 20/09/2010

(Bài dự thi) - Nông dân bãi Giữa sông Hồng  từ lâu đã quen với hình ảnh ông lão 98 tuổi, hàng ngày đạp xe từ chân cầu bên kia của Gia Lâm sang trải chiếu ở Bãi Giữa nằm "canh" cầu Long Biên.

Một buổi sáng mùa thu, tôi dành ngày thứ 7 của mình để đạp xe qua cầu Long Biên. Không gian mênh mông, gió đang hát ca cùng sóng nước sông Hồng mênh mang và dòng người đang tấp nập qua lại.

Trong cuộc hành trình không có chủ định, tôi gặp một ông già kì lạ. Một con người hơn 20 năm nay ngày nào cũng  như ngày nào, mùa đông giá lạnh cũng như những ngày hè nắng cháy da đều nằm dưới Bãi Giữa sông Hồng “canh” cầu Long Biên, nằm để hồi tưởng về một tình yêu khắc sâu trong tâm khảm. Không biết do may mắn hay là có “cơ duyên”, tôi được cụ chia sẻ mối bận tâm bấy lâu nay của cuộc đời mình.


Cầu Long Bien dưới góc nhìn bãi Giữa sông Hồng. Ảnh Lê Thu Hòe

Đó là một cụ ông gần 100 tuổi, sống ở bên kia chân cầu thuộc Gia Lâm - Hà Nội. Cả cuộc đời, ông làm bạn với chiếc xe đạp cà tàng đi khắp các phố phường của Hà Nội. Ông đi không chủ định, đi rất nhiều và dường như không bao giờ biết mệt mỏi. Trên chiếc xe lủng củng không biết bao nhiêu là đồ đạc, không lúc nào ông quên gắn một lá cờ của Tổ quốc. Trong túi áo là phong thư tình và bức ảnh đen trắng ông cùng vợ chụp trên cầu Long Biên được gói thật cẩn thận trong chiếc khăn mặt mùi soa ố vàng.

Ngày nào cũng vậy, dù cuộc hành trình có bắt đầu từ đâu, điểm dừng chân cuối ngày của cụ là Bãi Giữa của sông Hồng. Như đã thành thói quen, không đến “nhớ” không chịu nổi. Và thói quen đó đã ở lại với ông vài chục năm nay. 


Cầu Long Biên. Ảnh Lê Thu Hòe

Tôi gặp cụ khi cụ đang nằm tập yoga ở giữa bãi bồi sông Hồng. Cạnh đó là một ngôi mộ đang tỏa hương khói nghi ngút. Tôi chủ động bắt chuyện và được cụ đáp lời. Ông cụ rất giỏi ngoại ngữ, cụ thông thạo tiếng Anh và tiếng Pháp. Phương châm sống bấy lâu nay của ông cụ là “không nói gì”  và “không gặp ai”. Điều này càng làm cho ông cụ có vẻ bí ẩn và lạ lùng.

 Cụ bắt đầu câu chuyện với tôi bằng câu hỏi:

- Cháu yêu cây cầu Long Biên này chứ?

Tôi trả lời như theo bản năng:

- Vâng, cháu yêu Hà Nội và thích những thứ thuộc về nó.

Ông cụ nhìn tôi như muốn thẩm định lại câu trả lời vừa rồi và cụ lại hỏi tiếp, vẫn câu hỏi về thích hay không thích, yêu hay không yêu.

- Cháu thích thơ chứ?

Tôi không ngần ngại trả lời:

- Dù không biết làm thơ nhưng cháu thích đọc thơ và cảm thụ cũng không đến nỗi nào.

Và bây giờ là một câu hỏi khiến tôi đỏ mặt:

- Chắc cháu cũng có một mối tình không thành gắn với cây cầu này?

- Sao cụ hỏi cháu vậy? Tôi đáp

 - Ngày cuối tuần, ít khi thấy một cô gái đạp xe lang thang trên cầu Long Biên một mình như thế này, lại còn xuống tận đây nữa… Chỉ những người có những kỷ niệm không thể quên họ mới…

Ông cụ lại hỏi tôi có sẵn lòng nghe thơ của một nhà thơ vô danh tiểu tốt không? Không có lý do gì khiến tôi từ chối nhã ý đó. Ông đọc cho tôi một bài thơ khá dài theo thể lục bát về cầu Long Biên. Bài thơ chan chứa tình yêu về cầu.


Cầu Long Biên trong nhiệm vụ giao thông. Ảnh Lê Thu Hòe

 Câu chuyện với tôi được tiếp tục về lịch sử của cây cầu Long Biên: 

-    Hơn 100 năm trước, vào tháng 9/1898, toàn quyền Đông Dương đã làm lễ khởi công một cây cầu vắt ngang dòng sông Mẹ. Cầu được đặt tên là Paul Doumer, nhưng người Hà Nội vẫn gọi là cầu Long Biên hay cầu sông Cái. Cầu Long Biên là tên mới đặt sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đây là cây cầu thép đầu tiên của Hà Nội đấy... Xây cầu này, thực dân Pháp đã hoàn thành tuyến đường sắt quan trọng nhất Đông Dương lúc đó, nối Hải Phòng với vùng Vân Nam (Trung Quốc), đồng thời nối Hà Nội với Đồng Đăng (Lạng Sơn). Vào năm 1922-1923, cầu được mở rộng phần cho xe ô tô song hành với đường sắt. Đến nay, cầu cơ bản không thay đổi về kết cấu, trừ những đoạn bị tàn phá trong chiến tranh phá hoại của Mỹ. Có 14 lần bom Mỹ phá hỏng 1.500m cầu, đánh gục 9 nhịp và 4 trụ hư hỏng nặng. Ngoài giá trị giao thông, cầu Long Biên còn là chứng tích lịch sử, một chiếc cầu vắt ngang hai thế kỷ XIX và XX và được coi là một trong những cầu thép lớn nhất thế giới ở thời điểm hoàn thành. Đây đã từng là cây cầu dài thứ hai trên thế giới - được mệnh danh là tháp Eiffel nằm ngang của Hà Nội - chỉ sau cầu Brooklyn bắc qua sông East-River của Mỹ…

Tôi thực sự ngạc nhiên khi ông lại có khả năng kể về lịch sử của cây cầu một cách tường tận và rõ ràng như một chuyên gia nghiên cứu về cầu vậy.

Mỗi lời kể về cây cầu lịch sử của ông cụ đều chan chứa niềm tự hào. Ánh mắt của ông lão gần 100 tuổi dường như sáng hẳn lên và trở nên nhanh nhẹn lạ thường.

"Trai, gái hồi đó hay hò hẹn trên cầu Long Biên lắm. Nhiều mối lương duyên bắt đầu từ những đêm trăng vàng trên cầu…".  Giọng ông trầm xuống khi nhắc đến người vợ quá cố, mối tình đầu và cũng là cuối cùng trong cuộc đời ông. Mối tình đó bắt đầu từ những lần cấy ngô, cắt cỏ trên Bãi Giữa sông Hồng.

Năm 19 tuổi, chàng trai trẻ đã tỏ tình với cô gái ít hơn mình 2 tuổi trên cầu Long Biên trong một đêm trăng sáng lắm. Hai người nên vợ nên chồng. Tuy nhiên, “hạnh phúc ngắn chẳng tày gang”, người vợ trẻ, hiền ngoan đó đã ra đi sau khi sinh một cậu con trai kháu khỉnh cho chồng. Người vợ bị băng huyết sau khi sinh.

Vậy là cây cầu Long Biên, không chỉ là nơi kỷ niệm tình yêu của ông, mà dưới chân cầu, giữa bãi bồi ven sông Hồng là nơi chính tay ông cụ đã chôn cất người vợ trẻ và tình yêu duy nhất trong đời của mình. 

Kể từ ngày người vợ trẻ ra đi, bỏ lại hai cha con sống cô lẻ trên cuộc đời. Không hiểu vì sao, ông cụ không đi bước nữa mà chịu cảnh “gà trống nuôi con”. Cho đến lúc này, khi anh con trai đã trưởng thành, có cho mình một tổ ấm riêng, ông cụ vẫn chọn cảnh sống cô đơn, ngày ngày đạp xe ra Bãi Giữa sông Hồng.

Ngôi mộ, nơi cụ vẫn đến đó hằng ngày là nơi an nghỉ cuối cùng của người vợ. Hàng ngày, cụ đến đó nhổ cỏ, quét dọn và đốt nén nhang thơm cho vợ.

Nông dân ở bãi Giữa sông Hồng đã quen với hình ảnh ông lão với chiếc xe đạp có gắn lá cờ tổ quốc đến đó hằng ngày. Ông nằm bên cạnh ngôi mộ một cách bất động trong nhiều giờ khiến người ta nghĩ ông già đang chờ đến lúc chết chăng? Thậm chí khiến người lạ lần đầu đặt chân xuống bài Giữa sông Hồng phải giật mình sợ hãi.

Tuy nhiên, không phải vậy.


Ông lão trải chiếu canh cầu Long Biên

Ông đến đó để có cảm giác gần với người vợ yêu hơn mà thôi. Ông tập luyện Yoga và những bài tập dưỡng sinh, làm thơ, viết hồi ký và chụp ảnh cây cầu Long Biên trong từng thời khắc trong ngày ở đó.

Từng thời khắc và sự chuyển biến của cây cầu lịch sử ngót 100 năm tuổi được ông chứng kiến và thu vào từng trang viết, từng bức ảnh. Không ai nghĩ, một ông lão già nua, lam lũ lại có một mối tâm huyết, mối bận tâm lớn như vậy với cây cầu lịch sử này.

Ông đọc cho tôi nghe những câu vè thật hay về cầu Long Biên:

Lê Thị Thu Hòe

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự