Tình yêu trong miền ký ức của Mẹ

05:05 20/09/2010

(Bài dự thi) - Mẹ tôi không phải là người gốc Hà Nội, nhưng từ nhỏ mẹ  đã sống ở đây cùng bà ngoại. Mẹ kể, hồi mẹ còn nhỏ, do chiến tranh loạn lạc, ông ngoại thì đi đánh giặc mãi mà vẫn không về. Thời kì ấy, lấy đâu ra có nhà cửa ở ổn định như bây giờ, cuộc sống thời chiến là vậy, nay đi sơ tán chỗ này, mai lại đi tản cư ở chỗ khác… cuộc sống không một ngày được hòa bình cứ thế trôi đi…

Năm ấy, bà ngoại và mẹ được một gia đình nghèo ở huyện Gia Lâm cưu mang. Gia đình này chờ đón một người anh em đến đây để ở tản cư nhưng không gặp. Gặp hoàn cảnh hai mẹ con neo đơn,  người đàn bà trụ cột chính trong gia đình ấy động lòng thương, và họ đã quyết định đón bà ngoại và mẹ về ở chung một nhà trong thời gian còn khó khăn, gian khổ…

Mẹ và người con trai tên Biên (người con út trong gia đình đã cưu mang bà ngoại và mẹ hồi ấy) cứ thế lớn lên bên nhau. Những đêm trăng sáng, người con trai ấy lại cầm theo cây sáo cùng mẹ ra cầu Long Biên hóng gió từ sông Hồng thổi về mát lộng. Người  ấy thường ngồi trên cầu thổi sáo cho mẹ nghe, có lúc lại giải thích:

-  Em có biết, ai đặt tên cho anh?

-  Là bố anh đấy. Tên của anh là tên của cây cầu Long Biên này. Lỡ mai sau, em có trở về quê hương, em không được quên tên của anh đâu đấy. Nếu mà quên tên anh thì em hãy nhớ đến tên của cây cầu Long Biên này nhé!...

Rồi… Người ấy vào bộ đội công binh. Những đêm trăng sáng không còn Người ấy, mẹ lại một mình tha thẩn trên cầu, dường như mẹ rất nhớ Người ấy…  

Một năm sau đó, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc nổ ra, giặc Mĩ liên tiếp ném bom xuống cầu Long Biên. Người ấy được trở về Thủ đô trong Đội bảo vệ cầu. Lúc Người ấy trở về, cũng là lúc những gia đình nhỏ sống ven cầu Long Biên đều phải đi sơ tán ở nơi khác một thời gian để lánh nạn …



Lần gặp nhau cuối cùng, mẹ và Người ấy đã nói lời thề hẹn ước, hai người đã trao cho nhau kỉ vật để làm tin. Người ấy còn mượn lời ca của bài hát: “Nhịp cầu nối những bờ vui” của nhạc sĩ Văn An để nói với mẹ rằng, Người ấy sẽ trở về:

Thế nhưng Người ấy đã không trở về, Người ấy đã ra đi mãi mãi vào cõi vĩnh hằng… “Bởi chiến tranh, bởi chiến tranh đâu phải trò đùa…” chẳng có ai biết trước được điều sẽ xảy ra, và Người ấy cũng vậy. Người ấy đã anh dũng hi sinh khi đang cùng đồng đội chiến đấu ngoan cường, quả cảm vô song…  nhằm mục tiêu giáng trả những đòn quyết liệt vào bọn giặc lái Mĩ xâm lược để bảo vệ cầu. Bởi vậy mà trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, cầu Long Biên vẫn trụ vững như một tượng đài bất diệt cho đến ngày hôm nay, và cho đến tận mai sau…

Giờ thì trong lòng tôi đã hiểu, tại sao mỗi khi có ai đó nhắc đến Hà Nội, nhắc đến cầu Long Biên là đôi mắt trong mờ đục của mẹ lại sáng ngời lên. Có lẽ do nỗ nhớ trong lòng mẹ trào dâng, bởi từ nhỏ mẹ đã được lớn lên ở Hà Nội và mối tình đầu trong sáng của mẹ cũng gắn liền với cây cầu Long Biên – cây cầu của Nghệ thuật, cây cầu của Tình yêu và Hạnh phúc, của quá khứ oai hùng và tương lai hoà bình… Và tôi cũng không còn phải thắc mắc tại sao mẹ lại thích ngồi bên cạnh chiếc radio nhỏ mỗi khi đến chương trình ca nhạc của Đài tiếng nói Việt Nam có phát lại lời ca của bài hát "Nhịp cầu nối những bờ vui” (Văn An).

Tôi ngước lên nhìn mẹ. Chao ôi! mái tóc mới ngả hoa râm hôm nào, nay đã bạc trắng. Mẹ đã về nghỉ hưu, nhưng ngày nào mẹ cũng tất bật với bao công việc, mẹ vẫn trồng rau, vẫn nuôi con gà, nuôi lợn … Con cái không cho mẹ làm nhưng mẹ bảo: “Tóc mẹ có bạc, lưng mẹ có còng… nhưng mẹ vẫn còn khoẻ lắm!”. Buổi tối, mẹ vẫn thường có thói quen ngồi bên bếp lửa hồng nấu cám cho lợn ăn và kể chuyện ngày xửa ngày xưa cho chúng tôi nghe. Khi vui, mẹ lại ngân nga câu hát:

Bùi Thị Vân

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự