(TT&VH) - LTS: Là người đầu tiên chia sẻ với công chúng cái tin dữ: Y Moan bị ung thư gần 1 năm trước và sau đó cũng là người rất nồng nhiệt “vận động” cho sự ra đời của live show đầu tiên và cuối cùng của Y Moan - Ngọn lửa Cao nguyên, nhà thơ Vi Thùy Linh luôn dành cho “chàng Đam San của Tây Nguyên” này những tình cảm đặc biệt, dù là khi Y Moan còn sống hay đã mất. Bất ngờ khi nghe tin Y Moan được trao Kỷ niệm chương của báo TT&VH tại Lễ trao giải Cống hiến 2010, dù đã “kiệt sức” sau đêm thơ “Tháng Tư Link” của mình, chị vẫn tốc ký bài viết này gửi TT&VH.
>> Chuyên đề: Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến 2010
Tháng Tư đến cùng nhiều điều cảm động, linh nghiệm của nghệ thuật và tình yêu. Liên tiếp những ngày nối nhau, có một câu chuyện về Y Moan - người đã vẽ, tạc Tây Nguyên, bất tử cùng Tây Nguyên, bằng tiếng hát. Đang mùa khô, người Tây Nguyên và khán giả nhớ Y Moan. Một khao khát như muốn nước về...
Y Moan hiện diện trong tháng Tư
Tôi may mắn tìm thấy sự hòa cảm lớn với nhà phê bình văn học, TS Chu Văn Sơn, một trong những cây bút phê bình uy tín và cấp tiến hàng đầu hiện nay. Có lần, chúng tôi cùng nói về âm nhạc Nguyễn Cường, từ thời Hò biển đã toát lên biệt tài. Một người Hà Nội gốc, có Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội, lại tạo nên sức sống, huyền thoại Tây Nguyên bằng định mệnh tình yêu.
TS Chu Văn Sơn chưa có đĩa nhạc nào của Nguyễn Cường - Y Moan. Tôi đã giới thiệu với nhạc sĩ về fan hâm mộ đặc biệt này. Nguyễn Cường nhận lời nhanh chóng: “In đĩa ngay, 3 phút”. Tối hôm sau, 1/4, khoảng 22 giờ, tôi mới qua được nhà Nguyễn Cường ở 94 Hàng Bạc lấy đĩa. Nguyễn Cường ký tặng “Em Chu Văn Sơn” đĩa Sony do ông tự in, gồm giọng Y Moan Ơi M’Drak và một số bài do các ca sĩ khác. 23 giờ hôm ấy, TS Sơn nhận đĩa. Nửa đêm ấy, Chu Văn Sơn nghe Y Moan hát và nhắn tin cho tôi “Tiếng hát thế này mà người đã mất, xót xa quá!”.
Y Moan hát bằng cả trái tim Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Tối 3/4, đêm Tháng Tư Link, tôi mời NS Nguyễn Cường lên sân khấu giao lưu, trước đông đảo khán giả tinh hoa các lĩnh vực, Nguyễn Cường lại nói về Tây Nguyên, về Y Moan đầy máu lửa.
Tối 4/4, sinh nhật tôi. Một cuộc điện thoại gọi vào di động. Cô Minh Ngẫu, vợ NSND Y Moan gọi điện báo cô gửi tặng tôi 2 đĩa DVD. Anh Khải, người mang quà của cô Ngẫu, xuất hiện sau 15 phút, vừa từ Buôn Ma Thuột ra, cầm đĩa giúp. Thì ra, năm ngoái, UBND, Sở VH,TT&DL tỉnh Đắk Lắk đầu tư làm 2.000 đĩa Trở về buôn làng xưa để làm quà tặng và gửi về các huyện thị trên địa bàn. Gia đình Y Moan được 200 đĩa, tôi cũng có phần. NS Nguyễn Cường vào dự đám tang Y Moan ngày đó, do vội vã đã quên đem về cho tôi.
Thế là 10 tháng sau ngày DVD phát hành, tôi mới được nhận. Đúng sinh nhật của mình, tôi trân quý món quà ý nghĩa, bất ngờ, hào hiệp tặng lại ngay 1 đĩa cho TS Chu Văn Sơn, ông xứng đáng với sự chia sẻ này. Vì ông cũng như tôi, ám ảnh bởi Y Moan Ơi M’Drak, cùng đánh giá bài thơ Y Moan và chiếc micro điện tử (1987) là một trong các bài thơ hay nhất của nhà thơ Trần Hòa Bình và bài thơ lại viết về người ca sĩ đẹp nhất mà tôi biết.
Những nỗi nhớ song trùng
Tối 5/4, tôi đang xem DVD Trở về buôn làng xưa thì nhận được tin: tại Nhà hát TP.HCM, trong Lễ trao giải Cống hiến 2010, báo TT&VH truy tặng Kỷ niệm chương (kèm 10 triệu đồng) cho NSND Y Moan vì những đóng góp suốt đời của ông, con trai Y Garia lên nhận. Đây là lần đầu trong lịch sử 6 năm Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến, Kỷ niệm chương được trao. Lần đầu tiên, một tờ báo lớn đã biểu thị sự trân trọng tôn vinh cao nhất trong lễ trao giải của một giải thưởng uy tín với tráng khí ngút ngàn của một ca sĩ lớn đã qua đời nhưng không hề chết, không hề bị quy luật đào thải nghiệt ngã của thời gian. Kỷ niệm chương này là vinh danh độc lập, không lệ thuộc đến kết quả hạng mục giải. Một cử chỉ, dấu ấn đẹp của giải Cống hiến lần 6, lần sôi động và đáng nhớ nhất từ khi ra đời.
Nguyễn Cường dồn cho Tây Nguyên dòng sáng tạo mạnh mẽ trong những năm sung sức của đời mình, làm Tây Nguyên rạng ngời trong 70 ca khúc rực rỡ mặt trời, đại ngàn và gió. Ông đã được đáp đền bởi giọng hát vô song của tri kỷ nghệ thuật mà nhiều nhạc sĩ mơ không thể có: Y Moan. Cặp bài trùng này khiến công chúng biết đến, yêu mến, khát vọng Tây Nguyên cả khi chưa đến. Này đây, Y Moan trên màn hình plasma gần gũi khiến tôi muốn khóc. Tôi gọi điện thông báo với NS Nguyễn Cường về Kỷ niệm chương trao cho Y Moan, ông ngậm ngùi: “Nhớ Moan quá. Với tôi, Moan vẫn đang tồn tại, nhờ sức sống bền bỉ của một ca sĩ vĩ đại luôn thèm được hát”.
Thật trùng hợp, ngay sau đó tôi nhận được điện thoại của TS Sơn, ông cho biết: “Tôi đang xem DVD Y Moan. Người rộc vì bệnh trông rất tội, mà sao giọng hát vẫn đam mê thế!” Giọng hát được thu tại Studio Minh Đạo Hà Nội, dịp Y Moan ra hát đêm nhạc Nguyễn Cường Tiếng đại ngàn tháng 7/2009 và sau đó tại phòng thu nhà anh.
Trở về buôn làng xưa cùng Y Moan
Phần hình ảnh Trở về buôn làng xưa thực hiện khi anh đang bị ung thư dạ dày. Vừa quay, vừa phải dừng vì ho ra máu. Vẫn cứ kiên cường tận lực làm đến cùng. Tôi nhớ anh kể với tôi: “Khi quay, Moan hát thật luôn”. Chẳng ai hát được khi bệnh nặng đau đớn, không ăn hạt cơm nào suốt mấy tháng. Chẳng ca sĩ nào lại dốc sức hát thật khi quay hình, họ chỉ cần “đớp tiếng” cho khớp (play back). Hát thật, lại hát như Y Moan, trời ơi! Y Moan, chưa bao giờ gắn với từ “ngôi sao”, “danh ca”, song chính là danh ca xuất sắc nhất Tây Nguyên mà trăm năm nữa chắc gì có lại.
Trở về buôn làng xưa gồm 12 ca khúc (trong đó 5 bài của NS Nguyễn Cường), do 2 con trai của NSND Y Moan làm cho cha hầu hết phần phối khí. Cùng đồng nghiệp Y Vol phối 4 bài, Y Garia phối 8 bài, anh em làm chung 3 bài. Đây là album đầu tiên, duy nhất và cuối cùng của NSND Y Moan đã phát hành tháng 8/2010.
Mỗi lần gọi điện thăm cô Minh Ngẫu (đã thành bà quả phụ nửa năm), tôi lại nghe cô nghẹn ngào. Cô đã dốc hết sức cho chồng, cho việc chăm sóc và hy vọng. Thương cô Ngẫu góa bụa, nhớ và tìm chồng qua đĩa hình, nghe lại băng, tôi bỗng nhớ Năm lời cho bài hát của nhà thơ Ý Nhi. Bài thơ như có phần viết cho cô Ngẫu không ngừng yêu thương bạn đời nơi ngôi nhà vắng hằn in hình bóng Y Moan: “Em lặng lẽ nói cười/Lặng lẽ nát tan/Em thành lá thành sương thành lửa/Anh chan hòa/Trong giọt nước mắt im lìm/Trong lời em không nói”.
Y Moan phơi mở, chan hòa khí lực của anh với đất trời Tây Nguyên. Tôi chưa từng đến xứ sở Đam San, mà đã “bay” trên Cao nguyên bao la hùng vĩ theo lời anh hát. Y Moan đang nằm trong đất của buôn mình, nhà mồ mô phỏng kiến trúc nhà dài được xây bằng tiền phúng viếng của những người thương mến. Sinh thời, NSND Y Moan yêu gió, thích chu du như gió. Giống anh điều này và tôi tin linh hồn Y Moan vẫn đang mang tiếng hát bất tận trải khắp trần gian trong nỗi nhớ của khán giả thực sự ấn tượng và tiếc nuối anh dẫu chỉ một lần nghe anh hát.
Vâng, nếu Y Moan còn sống đêm nay...
Nếu Y Moan còn sống, chắc chắn anh sẽ đóng khố, chân trần trên sân khấu Nhà hát TP.HCM tối 5/4, hát cho những người muốn nghe anh, chứ không vì được hay không được giải, như đã hát ở Nhà hát Lớn tháng 7/2009, như bùng vỡ trong live show cuối 6/8/2010 trong chuỗi ngày cuối sắp buộc phải chia lìa cuộc sống mà anh luôn dâng hiến bằng sự cho đi. Anh sẽ khiến tất cả bồn chồn rạo rực muốn đến Tây Nguyên, qua bài hát đầu tiên Nguyễn Cường viết về xứ sở này - Xôn xang mênh mang Cao nguyên Đắk Lắk (1981): “Giữa nắng vàng, giữa nắng vàng, bầy voi đi từng đàn/Nước đã về, dòng nước mát lòng, đời cha ông mình hằng mong/Nước trên ngàn về, nước dâng tràn trề/Nước cho ta yêu nhau mãi mãi/ Xôn xang... mênh mang...”.
Tây Nguyên lúc này bắt đầu mùa khô. “Ra” khỏi DVD, Y Moan thiêng trở về tháng Tư gọi nước tuôn bằng tiếng hát tràn sông thác và lại nghe tình tứ Ayray - điệu hát quen thuộc của dân tộc Ê đê huyết tộc: “Em hát Ayray nắng rung hạt vàng cánh chim đàn xôn xao đại ngàn/Em hát Ayray nắng quên chiều Hè suối quên lời thề tôi quên đường về”... đã thành huyền thoại Tây Nguyên, tiếng hát Y Moan mùa tưới xanh thảo nguyên, gọi nước tuôn trào hiện thực căng đầy huyền nhiệm...
Báo TT&VH truy tặng Kỷ niệm chương cho Y Moan. Con trai Y Moan là Y Garia lên nhận