Dương Lý thắp lửa Đền âm nhạc
14:51 26/04/2011
Trong ánh sáng dịu nhẹ thiên về đỏ và tím ở giảng đường Ngụy Như Kon Tum 19 Lê Thánh Tông, mang dáng dấp của một ngôi đền âm nhạc.
Hai đêm "Dương Lý" mở màn cho chuỗi chương trình hằng tháng mang tên Không gian Âm nhạc. Và Tùng Dương, Lê Cát Trọng Lý đã hoàn thành tốt vai trò '"mở đền".
Không gian Âm nhạc hội tụ hai gương mặt nổi bật của nhạc Việt: Tùng Dương và Lê Cát Trọng Lý. Ảnh: Maika Elan.
Ý tưởng biến giảng đường Ngụy Như Kon Tum của ĐHQG Hà Nội thành Không gian Âm nhạc phải nói là đắt giá. Khán phòng nằm ở vị trí đắc địa, thoáng đãng, cách Nhà hát Lớn không xa. Chưa kể giá trị lịch sử, văn hóa và du lịch - từng xuất hiện trong khá nhiều clip ca nhạc. Tất nhiên sức hấp dẫn căn bản vẫn thuộc về âm nhạc, cụ thể là âm nhạc của Tùng Dương và Lê Cát Trọng Lý.
Dương và Lý đang là những gương mặt ăn khách trong thị phần âm nhạc dành cho đối tượng khán giả tạm gọi là trên bình dân. Kết quả, hai đêm 23 và 24, “nhà hát” Ngụy Như Kon Tum chật cứng. Như vậy tổng cộng có hơn 600 khán giả bỏ ra từ 1 đến 3 triệu đồng để ngồi trên những chiếc ghế cứng, khá bất tiện vốn dành cho sinh viên.
Đêm Dương Lý đầu tiên được miêu tả là hoàn hảo. Tuy nhiên âm thanh bị trục trặc ngay từ đầu. Có vẻ khán giả không nhận ngay ra điều này vì giọng Tùng Dương tốt, và không gian khán phòng cũng giữ âm rất tốt. Có khi họ lại tưởng đó là ý tưởng mở màn của chương trình, nhất là khi ca sĩ đi từ giữa các hàng ghế lên. Và Tùng Dương tiếp tục thoải mái hát không mic suốt bài Ôi quê tôi.
Tùng Dương hát những bài tâm đắc nhất theo cách quái nhất có thể. Có khán giả nhận xét giọng của Tùng Dương đã có nhạc cụ sẵn, nên anh hát chay cũng đủ hay. Như để khẳng định điều này, Tùng Dương hát Trên đỉnh phù vân không nhạc đệm ở cuối chương trình. Với những sáng tạo riêng, anh đã qua được cửa ải Mỹ Linh ở bài này.
Không chỉ có khả năng dùng cổ họng như nhạc cụ, Tùng Dương còn dùng nó để tạo nên nhiều kỹ xảo âm thanh với cường độ khác nhau. Anh cũng có những điệu nhảy hơi... khó tả của riêng mình. Trái với ngoại hình mong manh (gần bằng Lê Cát Trọng Lý), Tùng Dương nhảy rất mạnh mẽ, như nhập đồng.
Với ai đó, vài chỗ Tùng Dương thể hiện trong đêm 24-4 có thể hơi quá khích nhưng với những khán giả tại chỗ, có lẽ Tùng Dương đồng nghĩa với hoàn hảo. Anh quá khích một cách rất âm nhạc, và điều đó cho đến lúc này có lẽ chỉ anh mới làm được.
Trước một bạn diễn “đáng gờm” như vậy, Lê Cát Trọng Lý bị át vía cũng không có gì lạ, hoặc giả cô bỗng trở nên mong manh hơn để đối trọng với Tùng Dương. Khi Dương lên đồng trên sân khấu, Lý sẵn sàng ngồi bệt dưới sàn khán phòng nghe, tay say sưa đánh nhịp.
Dù sao, trong những đêm diễn chật cứng khán giả của Lê Cát Trọng Lý tại hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp (khán phòng có quy mô tương tự Ngụy Như Kon Tum) vào cuối năm ngoái, cô tự tin và tự chủ hơn nhiều.
Nhưng lần này nói chung, Lý đã làm tốt phần biểu diễn của mình, vẫn đặc biệt truyền cảm trong những sáng tác của chính mình.
Có thể nói, sức hấp dẫn của Lê Cát Trọng Lý nằm ở chỗ khác. Cô đánh động người nghe không chỉ bằng giọng hát, ngón đàn, mà bằng thông điệp. Đơn cử, bài Nghèo của Lý có đoạn: “Anh chị tôi/ Nghèo tiếng cười nghèo câu ca/ Nghèo chút nắng qua cơn mê dài/ Nghèo giấc ngủ thiếu bình minh/ Giàu nỗi buồn đêm ngày chinh chiến/ Nghèo tất cả trừ tiền ra/ Ôi nghèo tất cả trừ tiền ra”.
Ở đâu cũng thế, khi Lý hát đến đoạn này, khán giả lại sung sướng vỗ tay. Khán giả của Dương Lý luôn hào phóng tặng họ những tràng vỗ tay nhưng riêng lần vỗ tay này hẳn có một ý nghĩa riêng. Chúng ta đang, thiếu những bài hát mang tính thế sự, triết lý. Lê Cát Trọng Lý đã và đang bù vào chỗ thiếu đó.
Theo Tiền Phong