(TT&VH) - Trong giới vẽ tranh biếm của Việt Nam, LEO là một cái tên khá nổi bật với những tác phẩm mang ngôn ngữ mỹ thuật hiện đại và ý tưởng sâu sắc. Họa sỹ đang giữ chuyên mục Biếm họa thể thao trên Thể thao & Văn hóa Cuối tuần này chia sẻ về nghề cũng như những trăn trở về vấn đề “Môi trường và biến đổi khí hậu” - Chủ đề của Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam lần thứ III - Cúp Rồng tre do Báo Thể thao & Văn hóa tổ chức.
Năm 2000, LEO có bộ truyện tranh vui đầu tiên được đăng trên báo Hoa học trò. Năm 2003 có thể xem là cột mốc đánh dấu con đường vẽ biếm họa chuyên nghiệp của anh, với những tranh đăng trên các báo như An ninh thế giới, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh...
Chân dung LEO qua con mắt của họa sỹ CÒM. |
* Cơ duyên nào đưa anh đến với biếm họa thể thao?
- Tôi vẽ tranh biếm họa ở nhiều lĩnh vực. Với riêng thể thao, tôi cũng vẽ tương đối nhiều, vì thể thao cũng là một niềm đam mê. Những tranh biếm họa thể thao đầu tiên mà tôi vẽ là vào khoảng năm 2004 - 2005, đặc biệt sau vụ các cầu thủ U23 Việt Nam bán độ tại SEA Games 25. Đến World Cup 2010, tôi dành khá nhiều thời gian hơn để vẽ về sự kiện này, và sau đó, tôi được mời đứng mục Biếm họa thể thao trên báo Thể thao & Văn hóa Cuối tuần.
* Việc giữ một chuyên mục cố định như thế suốt nhiều năm liền có khó khăn lắm không, thưa anh?
- Việc vẽ tranh đối với tôi thì không thành vấn đề, nhưng khó khăn lớn nhất là tìm kiếm ý tưởng. Ý tưởng luôn là vấn đề khó nhất trong biếm họa.
* Vì sao anh quyết định tham gia Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam lần thứ III về chủ đề “Môi trường và biến đổi sinh thái” do Báo Thể thao & Văn hóa tổ chức?
- Tôi luôn trăn trở trước một sự thật đau lòng là cái đẹp đang bị hủy hoại. Trái đất được xem là nơi đẹp nhất, nhưng hàng ngày, hàng giờ vẻ đẹp đó đang bị con người tàn phá một cách không thương tiếc. Tôi cảm thấy bản thân mình có trách nhiệm góp một tiếng nói cảnh tỉnh đến tất cả mọi người thông qua tranh biếm họa.
Ngoài ra, từ trước đến nay tôi chưa từng vẽ tranh riêng cho một cuộc thi nào. Ở cuộc thi này, tôi không dùng lại các tranh đã vẽ để tham dự, dù tôi từng vẽ những tác phẩm về môi trường. Tôi muốn mang ngôn ngữ biếm họa hiện đại của thế giới đến rộng rãi hơn với công chúng Việt Nam.
* Anh đánh giá thế nào về biếm họa Việt Nam?
- Tôi không theo dõi quá kỹ nhưng với những gì quan sát được thì nhìn chung, giới họa sỹ vẽ biếm họa ở Việt Nam thực sự chưa nhiều. Số lượng họa sỹ biếm có tên tuổi, vẽ tốt chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
* Như vậy, biếm họa Việt Nam có vẻ không được triển vọng lắm...- Cũng không hẳn như vậy. Người Việt vốn dĩ thông minh, lém lỉnh, các họa sỹ trẻ chỉ cần được đào tạo bài bản về mỹ thuật và tích cực nâng cao tay nghề thì sẽ vẽ biếm họa tốt. Để trở thành một họa sỹ biếm được công nhận rộng rãi, các bạn trẻ nên xem nhiều các tranh biếm họa của nước ngoài để học hỏi, học cách vẽ cũng như cách tư duy hài hước. Biếm họa là loại hình sáng tạo cực khó, logic phải thú vị, tréo ngoe. Để sáng tác, họa sỹ biếm còn đòi hỏi phải có phông văn hóa tốt.
Đối với tất cả mọi người, hãy dành thời gian xem biếm họa nhiều hơn. Đó vừa là kênh giải trí, vừa là kênh thời sự, cũng là nơi thể hiện mỹ cảm, đánh động và thức tỉnh lương tâm. Biếm họa không chỉ là những tranh châm biếm, đả kích, đỉnh cao của biếm họa là thể hiện tình yêu cuộc sống và lương tâm con người. Đó mới là những tác phẩm biếm họa trường tồn với thời gian.
* Ngoài vẽ tranh, những sở thích khác của anh là gì?
- Tôi thuộc týp người có lắm đam mê. Về thể thao, tôi thích chơi tennis. Ngoài ra, tôi thích nghiên cứu các vấn đề tâm linh, đọc sách và cả xem phim.
* Việc vẽ biếm họa có đủ đảm bảo cho cuộc sống của gia đình anh?
- Nhìn chung biếm họa mang lại cho tôi nguồn thu nhập đủ để nuôi sống cả gia đình. Ngoài ra, tôi cũng còn làm thêm vài việc khác nữa.
* Anh có dự định nào với biếm họa trong tương lai không?
- Nếu điều kiện cho phép, tôi sẽ in một vựng tập về các truyện tranh hài cùng các tranh biếm họa mà tôi đã từng vẽ.
* Xin cảm ơn anh!
Đông Hà (thực hiện)