Gặp lại các chủ nhân Cúp Rồng Tre
13:05 11/11/2013
(giaidauscholar.com) - Những gương mặt sở hữu Cúp Rồng Tre trong ba giải Biếm họa do báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) tổ chức đều đánh giá cao sân chơi này về trình độ chuyên môn, cũng như cách tôn vinh dành cho nghề "họa sĩ biếm" - vốn đã trải qua nhiều thăng trầm và cho đến giờ vẫn còn đang lận đận.
* Họa sĩ LAP (Lê Anh Phong):Tranh biếm đang phải cạnh tranh cùng "tranh chế"
“Tôi nhận Cúp Rồng Tre năm 2008, khi TT&VH lần đầu tổ chức giải Biếm họa Báo chí Việt Nam. Ở thời điểm đó, tôi 32 tuổi và có 4 năm làm họa sĩ biếm họa tại báo Tuổi trẻ Cười. Phía BTC đã chủ động mời tôi tham dự và sau đó thật may mắn, chùm 3 tác phẩm Cải cách thủ tục hành chính của tôi được giải Nhất. Đến giờ, đây vẫn là một phần thưởng luôn khiến tôi cảm thấy mình được động viên khi lựa chọn nghiệp vẽ tranh biếm họa.
Không cần nói, mọi người đều hiểu về sự khó khăn của những người theo đuổi loại hình mỹ thuật - báo chí này. Hiện tại, ở Việt Nam, chỉ có một số người tìm được cơ hội sống bằng nghề vẽ tranh biếm, trong đó may mắn có tôi. Số còn lại, chủ yếu chỉ gắn bó với tranh biếm họa vì tình yêu và sự say mê của mình. Trong số ấy, vẫn có những cây bút tài hoa, giàu ý tưởng sáng tạo, và hoàn toàn có thể trở thành một tác giả biếm họa xuất sắc, nếu được trao thêm cơ hội. Nhưng muốn vậy, trước hết xã hội phải có sự quan tâm và có nhu cầu được thưởng thức nhiều hơn đối với loại hình này.
Sau năm 2008, tôi có tiếp tục tham gia giải Biếm họa 2010 về an toàn giao thông của TT&VH và đoạt giải Nhì. Cuộc thi lần thứ 3 cách đây 2 năm cũng để lại cho tôi nhiều ấn tượng mạnh. Tuy nhiên, ở cuộc thi lần này, mặt bằng chung của tác phẩm dự thi phần nào chững lại so với 2 đợt tổ chức đầu tiên. Thực ra, đó cũng là tình trạng chung của đời sống biếm họa trong 2 năm trở lại đây. Hiện, các độc giả trẻ không quá mặn mà với loại hình tranh biếm họa, mà chủ yếu dành sự quan tâm với trào lưu sử dụng “tranh chế”, “ảnh chế” đang phổ biến trên không gian mạng.
Thật lòng, “tranh chế” hay “ảnh chế” không phải không cho thấy sự sáng tạo, hay tính hài hước của lớp trẻ. Nhưng, trào lưu ấy không thể thay thế được cho chiều sâu phản biện của tranh biếm, và lại càng không thể phủ rộng tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội mà chỉ bám vào những nhân vật hoặc sự kiện vụn vặt có tính nhất thời. Nhưng, khi một bộ phận độc giả chuyển sự quan tâm sang đó và quay lưng lại với biếm họa truyền thống, tôi nghĩ những họa sĩ biếm trên cả nước cũng cần ngồi lại với nhau để có cuộc thảo luận, và cùng tìm kiếm những ý tưởng mới để biếm họa có sức nặng và độ phổ quát cao hơn.
Về phần mình, tôi sẽ tham gia giải Biếm họa lần thứ tư của TT&VH nếu có điều kiện. Thực lòng, công việc vẽ tranh biếm tại báo Tuổi trẻ Cười của tôi đã định hình từ cách đây gần 10 năm và không có nhiều thay đổi khi nhận giải thưởng Cúp Rồng Tre 2008. Nhưng, giải thưởng ấy mang lại cho tôi thêm sự tự tin và lòng say mê, đồng thời theo một cách nào đó, cũng khiến tôi được để ý và đánh giá cao hơn trong cách nhìn của độc giả”.
* Họa sĩ NOP (Hà Xuân Nồng): Vẫn chờ ngày biếm họa "lên ngôi"
“Tôi là họa sĩ sống bằng nghề vẽ tranh biếm họa. Bởi vậy, việc tham dự các cuộc thi tranh biếm do TT&VH tổ chức là tất yếu. Trong những lần dự thi, tôi may mắn nhận giải Nhất năm 2010 cho chùm tác phẩm Ba giai đoạn và Bài học muộn, đồng thời nhận giải Nhì năm 2012 cho tác phẩm Giao hưởng Dòng sông đen.
Nhiều năm gắn bó với nghề, tôi cũng đã từng lên tiếng về những bất cập mà loại hình mỹ thuật - báo chí này đang phải gánh chịu. Sự thật, 100% họa sĩ biếm tại Việt Nam đều đến với nghề một cách tự phát, bởi các trường mỹ thuật của chúng ta không hề có một chuyên ngành đào tạo nào cho bộ môn nay. Trong khi đó, ngoài những tác phẩm hội họa về cái Đẹp, một xã hội đích thực luôn cần tới cả những tác phẩm về cái Bi và cái Hài nữa.