(giaidauscholar.com) - Theo nhận xét ban đầu, việc lựa chọn chủ đề tự do trong Cúp Rồng tre lần thứ IV đã mang lại một kết quả bất ngờ về sự đa dạng trong những tác phẩm dự thi - cũng như những liên tưởng tinh tế và đầy trí tuệ của các biếm sĩ trên toàn quốc.
1. Nếu như giải thưởng đầu tiên năm 2008 được coi là cú hích để lấy lại tinh thần cho loại hình mỹ thuật - báo chí này, khi TT&VH đứng ra tổ chức một sân chơi cho biếm họa vốn đang phần nào bị coi nhẹ. Và nếu như hai lần tổ chức sau đó có giá trị như một trục xương sống, để biếm họa thật sự hồi sinh trong cách nhìn của dư luận thì, ở lần tổ chức thứ tư năm 2014, Cúp Rồng tre đã đạt đến một tầm cao mới khi quay về lựa chọn một chủ đề mở, cho phép các biếm sĩ có thể thỏa sức sáng tạo về hàng loạt vấn đề tồn tại trong xã hội .
"Gần như, tất cả những gì được nhắc tới trong bữa tối của mỗi gia đình 2 năm qua đều xuất hiện trong tranh dự thi lần này" - họa sĩ Lý Trực Dũng, Chủ tịch Hội đồng giám khảo, nhận xét. Biên độ về đề tài sáng tác của các biếm sĩ dự thi được mở ra rất rộng: từ tham nhũng, chạy quyền, chạy chức, chặt chém khách du lịch cho tới giao thông, giáo dục, thực thi pháp luật, bảo vệ môi trường. Thậm chí, ngay cả những gương mặt cụ thể, những câu chuyện "người thật việc thật" của Dương Chí Dũng, Huyền Như, bầu Kiên, "bác sĩ đồ tể" Mạnh Tường… cũng xuất hiện trong cúp Rồng tre 2014.
Tác phẩm dự thi Gương mặt của năm của tác giả Cuacon
"Nếu thống kê, có lẽ y tế và giáo dục là 2 đề tài thu hút cảm hứng cao nhất từ các biếm sĩ. Đó cũng là điều dễ hiểu, bởi trong năm qua, những câu chuyện bức xúc liên quan đến 2 ngành nghề cao quý ấy lại là minh chứng rõ nhất cho sự xuống cấp, thậm chí là sự băng hoại đạo đức giữa con người với con người" - họa sĩ Lý Trực Dũng nói thêm
Thậm chí, ngay với những chuyện vụn vặt "cơm áo gạo tiền" hàng ngày, các tác giả dự thi đều có cách tiếp cận độc đáo để "nâng tầm" câu chuyện bằng sự liên tưởng khá trí tuệ. Trao đổi với TT&VH, một giám khảo đã tấm tắc hào hứng trước cách chơi chữ độc đáo của họa sĩ biếm Duy Liên. Ở tác phẩm của mình, biếm sĩ này đã để cho 5 "ông": thuốc, nước, điện, gas, xăng cùng khoác vai nhau tiến về phía trước với nụ cười đầy thỏa mãn, kèm theo dòng chữ rất "độc": "Năm anh em trên một chuyến xe TĂNG".
2. Cùng với sự phát triển của cúp Rồng tre, trong 2 năm qua, đời sống biếm họa cũng vẫn đều đặn là dòng chảy song hành cùng đời sống xã hội. Đều đặn, nhưng cũng không có một sự kiện quá lớn nào - bởi như thống kê của người trong nghề, địa hạt để tranh biếm họa được xã hội đón nhận vẫn chỉ tồn tại vẻn vẹn ở 2 tờ báo "cười" phía Nam, cùng vài ba tờ nhật báo khác.
Bởi thế, không có gì lạ, khi hầu hết những họa sĩ quen thuộc trong làng biếm họa lại có mặt tại cúp Rồng tre 2014. Trong số đó có rất nhiều gương mặt đã cao tuổi và có thâm niên trong giới như: Văn Thanh, Quyết Thắng, Đào Kính, Hoàng Dự, Duy Liên, Chu Đức Tiến… Như chia sẻ của họa sĩ Lý Trực Dũng, phù hợp với thực tế đáng buồn của biếm họa Việt Nam, những tác giả ấy vẫn sống bằng các "ngạch" hội họa khác. Còn tranh biếm (với số nhuận bút ít ỏi từ các báo) chỉ là nơi lưu giữ tình yêu của họ trong cuộc sống hàng ngày, để rồi lại chờ tới dịp tham gia "ngày hội biếm họa" với cúp Rồng Tre.
"Thậm chí, tôi cũng rất xúc động khi nhận được những bức tranh của các tác giả lớn tuổi lần đầu tham dự. Họ vẽ giản dị nhưng đều rất cẩn thận và công phu"- họa sĩ Lý Trực Dũng nói thêm - "Tình cảm của các biếm sĩ đã cho thấy một thông điệp rất rõ: dù đang gặp nhiều khó khăn với nghề, chúng tôi trước hết vẫn là những công dân và có ý thức công dân".
>>>Chuyên trang Giải Biếm họa Báo chí - Cúp Rồng tre lần IVSơn Tùng
Thể thao & Văn hóa