Những bức tranh hơn ngàn câu chữ

15:29 05/04/2014


(giaidauscholar.com) - LTS. Chủ nhật tuần này, 6/4/2014, trong khuôn khổ giải thưởng Biếm họa báo chí cúp Rồng Tre, sự kiện Ngày hội Biếm họa lần đầu tiên được tổ chức tại TP .HCM với nhiều hoạt động nhằm đưa nghệ thuật biếm họa đến gần hơn với công chúng. TT&VH Cuối tuần xin giới thiệu bài viết của họa sĩ Lý Trực Dũng về nghệ thuật biếm họa - đây cũng là chủ đề của buổi tọa đàm được tổ chức trong Ngày hội Biếm họa.

Xấu và trông buồn cười chính là... biếm họa!

Khái niệm “biếm họa“, tiếng Latin là Carrus, tiếng Ý là Caricare do anh em họa sĩ nhà Carracci sử dụng lần đầu tiên vào cuối thế kỷ 16. Năm 1665 khái niệm này được “nhập khẩu“ vào ngôn ngữ Pháp với từ Caricature, khi một họa sĩ Ý vẽ chân dung vua Pháp Luis XIV trình bày với ông ta về nghệ thuật tranh chân dung. Người phiên dịch dịch như sau: “Cho phép thần được tâu với đức vua là những tranh chân dung giống hệt nhân vật nhưng hơi xấu và trông hơi buồn cười chính là biếm họa”. Ở Việt Nam người ta thường dùng từ tranh châm biếm, tranh đả kích, tranh vui. Từ hí họa, biếm họa mới xuất hiện gần đây.

Biếm họa có từ thời thượng cổ, nhưng biếm họa xuất hiện trên báo chí từ bao giờ? Một số nghiên cứu cho rằng biếm họa chủ yếu được đăng báo từ năm 1827, sau hơn 200 năm kể từ khi những tờ báo đầu tiên của thế giới ra đời. Lý do đơn giản vì bạn đọc có nhu cầu rất lớn được xem những bức tranh có tính thời sự, có tính châm biếm sâu sắc nhưng hài hước. Có lúc, người ta đã ví, báo mà không có biếm họa như cái mặt không có mũi!

Chứng nhân lịch sử vô giá

Ngày 13/12/1934, họa sĩ Đức O.Plauen (E.Ohser) cho ra đời bức biếm họa đầu tiên của tuyệt tác biếm họa Vater und Sohn (Cha và con) trên báo Berliner Illustrirte Zeitung. Truyện tranh này kéo dài ba năm trời, cứ mỗi tuần họa sĩ cho ra một tranh. Tranh quá hấp dẫn, cả nước Đức lên cơn sốt về serie tranh biếm họa này. Hàng triệu người ngóng mong đến cái ngày được xem bức tranh tiếp theo. Báo Berliner Illustrirte Zeitung Zeitung thắng lớn. Tuyệt tác Vater und Sohn nổi tiếng khắp thế giới và có ảnh hưởng đến sự phát triển tranh manga của Nhật Bản. Một ví dụ khác, tranh biếm họa nhiều kỳ có tên Garfield (Con mèo lười) diễu cợt thói hư tật xấu của người Mỹ thông qua hình tượng chú mèo lười béo ị của họa sĩ Mỹ Jim David hiện hàng ngày có 2.700 đầu báo và tạp chí khắp thế giới, trong đó có báo Vietnam News của Việt Nam đăng tải với số lượng người xem lên tới 260 triệu!


Có tác động mạnh mẽ nhất, nhạy cảm nhất là biếm họa chính trị, thời sự. Tạp chí châm biếm - chính trị Asop in Europa ra đời năm 1701 ở Hà Lan với hàng loạt tranh biếm họa đả kích, giễu cợt chính sách bành trướng cùng sự xa hoa đến tột đỉnh của vua Pháp Luis XIV, một kẻ độc tài có câu nói nổi tiếng: “L’État, c’est moi” (Nhà nước là ta). Cũng trong thế kỷ (TK) 18 ở Anh các họa sĩ biếm như William Hogarth, James Gillray, Thomas Rowlandson, George Cruikshank... trở nên nổi tiếng khi dùng tranh biếm để phê phán xã hội, chống sự độc tài và quan liêu của Hoàng gia Anh cùng các chính khách của hoàng gia. Cuối TK 19, đầu TK 20, xung đột, chiến tranh triền miên giữa các quốc gia châu Âu như Pháp - Anh, Pháp - Đức, Pháp - Nga... âm mưu bá chủ thế giới của quân phiệt Đức - thế lực mới trỗi dậy - và Chiến tranh thế giới lần 1 (1914-1918) đều được biếm họa khắc họa một cách cực kỳ sinh động, trung thực. Ở Đức, biếm họa được đưa vào môn học lịch sử trong trường phổ thông, trở thành nguồn cứ liệu lịch sử sinh động vô giá, dễ hiểu, dễ nhớ.

Nổi tiếng nhất thế giới về tranh biếm là họa sĩ Đức John Heartfield với những bức ảnh ghép biếm họa chấn động thế giới cảnh báo nguy cơ chiến tranh và hậu quả khủng khiếp của nó do Đức Quốc xã và Hitler sẽ gây nên. Chiến tranh thế giới lần thứ 2, sự ra đời của phe XHCN, rồi Chiến tranh lạnh, biếm họa trở thành “vũ khí” sắc bén được cả 2 phe XHCN và CNTB phương Tây sử dụng hữu hiệu. Một loạt các báo châm biếm của Liên Xô, Hungary, Bulgaria. Tiệp Khắc, CHCD Đức... đã có vai trò tiên phong trong cuộc chiến chống lực lượng thù địch, chống chạy đua vũ trang của Mỹ, NATO. Cũng chính các tạp chí này đi đầu với rất nhiều tranh biếm họa đả kích, châm biếm những mâu thuẫn, trì trệ, xơ cứng của hệ thống bao cấp và quan liêu đã kìm hãm sự phát triển xã hội, rồi tệ sùng bái cá nhân, tệ tham nhũng.... Ở phương Tây, cũng có nhiều họa sĩ biếm đã phê phán sâu sắc bản chất phản động của chủ nghĩa đế quốc, những mâu thuẫn bế tắc mặt trái của CNTB, hàng đầu có thể kể đến như Tomi Ungerer (Pháp) Bistrup (Đan Mạch), Loriot (Đức).

Ở Việt Nam, những bức biếm họa đầu tiên được đăng báo là trên tờ Phong hóa năm 1932 của anh em Nguyễn Tường Tam. Tranh biếm họa thời kỳ này để lại dấu ấn tuyệt vời trong lịch sử biếm họa Việt Nam với hai “siêu sao biếm họa” Xã Xệ, Lý Toét, với những bức tranh biếm đả kích thực dân Pháp hết sức sâu sắc của họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Trong cuộc chiến tranh cứu nước, bảo vệ Tổ quốc giành độc lập, tự do cho đất nước, trong lĩnh vực mỹ thuật, biếm họa luôn là lực lượng tiên phong. Ba họa sĩ biếm họa tiêu biểu thời Kháng chiến 9 năm chống Pháp là Phan Kế An (Phan Kích), Mai Văn Hiến, Nguyễn Bích đã để lại cho hậu thế rất nhiều tranh biếm vô giá.

Ngày nay, thế giới đang ngày càng phẳng hơn, biếm họa trở thành một thế lực đáng nể trong cuộc đấu tranh vì con người, vì một thế giới tốt đẹp. Một ví dụ gần đây, vụ Tổng thống Đức Christian Wulff mất chức vào tháng 2/2012 vì ăn hối lộ. Chỉ cần gõ từ “wulff karikaturen” trên mạng Internet lập tức có kết quả 120.000 tranh biếm họa của người Đức diễu cợt, đả kích ông cựu tổng thống ăn bẩn làm ô danh nước Đức này. Tuy nhiên sự tự do đăng tranh biếm họa trên Internet cũng mang đến một thách thức mới cho các họa sĩ biếm, nhất là dòng tranh biếm họa chính trị - đòi hỏi họ phải tỉnh táo hơn, có trách nhiệm hơn, làm đúng thiên chức của người họa sĩ. Không phải ngẫu nhiên mà ở châu Âu, từ lâu người ta đã xếp các họa sĩ biếm vào giới trí thức, là những người có khả năng phản biện xã hội. Họa sĩ biếm nổi tiếng người Anh Ronald Searle hài hước cho rằng: “Họa sĩ biếm phải có cái đầu của một nhà bác học, bàn tay khéo léo của một bác sĩ giải phẫu và sức mạnh của một anh hàng thịt”. Trong rất nhiều trường hợp, họa sĩ biếm là những người trí tuệ và dũng cảm, dám “đương đầu với sự ngu dốt của thời đại, thể chế, độc tài và ngu dốt của đám đông”.

Tôn vinh nghề nguy hiểm

Họa sĩ biếm khác nhà báo chiến trường không xông vào nơi hiểm nguy đầu sóng ngọn gió của cuộc chiến, nhưng nghề biếm họa cũng đầy chông gai, hiểm nguy. Không ít họa sĩ biếm đã phải hứng chịu cảnh tù đày bởi nghề nghiệp của mình. Ở Mỹ, người ta tôn vinh biếm họa rất sớm. Ngay từ năm 1922 giải thưởng Pulizer nổi tiếng không chỉ dành cho văn học, âm nhạc, kịch..., mà còn có giải thưởng hàng năm dành riêng cho biếm họa báo chí. Năm 2013 họa sĩ biếm Steve Sack của báo Star Tribune được trao tặng giải thưởng danh giá này. Năm 2004, Tổng thống Nga Putin đã đến chúc mừng sinh nhật lần thứ 104 của họa sĩ biếm người Nga Boris Jefimow với lời chúc mừng và tôn vinh: “Tài năng lớn, sâu sắc, hài hước, uyên thâm”. Jefimow chính là họa sĩ mà Hitler đã từng tuyên bố, nếu chiếm được Moskva thì một trong những người đầu tiên bị xử tử là Jefimow vì Hitler quá tức giận khi xem tranh biếm họa chống phát xít Đức của Jefimow. Họa sĩ biếm Algieri Ali Dilem, người luôn bị lao đao bởi chính quyền của cựu Tổng thống Mubarak, đã được giới truyền thông châu Phi tôn vinh là 1 trong 50 nhân vật có ảnh hưởng nhất châu Phi. Họa sĩ biếm Đan Mạch Kurt Westergaard, người bị các phần tử Hồi giáo cực đoan săn đuổi, dọa giết, thì năm 2010 được người đàn bà quyền lực nhất thế giới hiện nay, Thủ tướng Đức Merkel, trao tặng giải thưởng Tự do truyền thông M100 vì sự dũng cảm của ông trong vụ biếm họa Mohammed.

Chính vì đánh giá rất cao giá trị của tranh biếm họa nên ở rất nhiều nước châu Âu, châu Mỹ từ lâu đã có bảo tàng biếm họa. Bảo tàng Biếm họa Basel ở Thụy Sĩ hiện lưu giữ tới 3.000 biếm tranh biếm họa nguyên bản trong TK 20 và TK 21 của 700 họa sĩ biếm từ 40 nước khác nhau. Một vài bảo tàng biếm họa nổi tiếng khác có thể kể đến như Wilhelm Busch, Frankfurt (Đức), Krems (Áo), Gabrovo (Bungary), Cartoon Art Museum San Francisco( Mỹ)... Ngày nay các bảo tàng biếm họa cũng đang gặp sự cạnh tranh khá bất ngờ của giới sưu tầm tranh biếm họa. Nhiều cuộc đấu giá bán tranh biếm họa đã được tổ chức.

Với thời gian, người ta đã nhìn nhận vai trò quan trọng của biếm họa trong mỹ thuật và trong đời sống chính trị, xã hội. Thay vì treo cổ các họa sĩ biếm như trước đây, nay người ta lại đua nhau treo tranh của họ. Vâng, những bức tranh hơn… ngàn câu chữ.

Lý Trực Dũng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự