(giaidauscholar.com) - Chiều nay, 6/4, Lễ trao giải Biếm họa Báo chí Việt Nam lần IV- Cúp Rồng tre trong khuôn khổ của Ngày hội biếm họa mới chính thức diễn ra tại Cụm Nghệ thuật đương đại ứng dụng (3A Tôn Đức Thắng, Quận 1, TP.HCM). Thế nhưng, ngay từ buổi chiều qua, công tác chuẩn bị cho ngày hội này đã gây sự ngạc nhiên, tò mò cho rất nhiều du khách.
Khác những buổi lễ trao giải long trọng trong khán phòng máy lạnh thường thấy, lần này, Cúp Rồng tre sẽ đưa mọi người đến một không gian nghệ thuật thật… dã chiến và đậm chất đường phố.
Nhóm graffiti Saigonprojects trang trí cho sân khấu trao giải biếm họa bằng một tác phẩm graffiti.
Một sân khấu… vỉa hè
Họa sĩ Văn Tòng, người chịu trách nhiệm dàn dựng sân khấu chính, cho biết: Sân khấu trao giải sẽ được thiết kế như một… vỉa hè đi bộ với bức tranh graffiti đã phủ kín bức tường sau lưng. Mọi hoạt động trao giải, trình diễn sẽ diễn ra trên khoảnh không gian đường phố đó.
Cũng như những bất ngờ điểm xuyết trên đường phố Sài Gòn, mọi người có thể bắt gặp hình ảnh những thanh niên trẻ trung, “nổi loạn” hí hoáy vẽ tranh tường hay những nhóm nhảy hip-hop phô diễn kỹ năng điêu luyện hoặc vô tình được thưởng thức một màn đọc rap nhanh nhất Việt Nam… Những hình thức trình diễn mang tính đương đại nhất sẽ có mặt trong Ngày hội biếm họa đầu tiên.
Đây là một sự kết hợp có chủ đích, bởi lẽ biếm họa, dù có lịch sử lâu đời, nhưng luôn thể hiện được tính đương đại khi phản ánh các vấn đề thời sự của xã hội. Đó là điều khiến biếm họa có một nét gì đó rất gần với nghệ thuật đường phố, khi loại hình nghệ thuật này cũng mang tinh thần đương đại khi phản ánh những gì đương thời nhất, sôi động nhất của xã hội hiện đại.
Nhóm graffiti Saigonprojects thực hiện bức tranh tường trang trí cho Ngày hội biếm họa
Và kết hợp với graffiti
Giữa cái nắng như đổ lửa của trưa Sài Gòn, những hình ảnh biếm họa đầu tiên được thể hiện qua nghệ thuật vẽ graffiti đã được thực hiện bởi nhóm Saigonprojects.
Đó là những chàng trai tuổi đời từ 21 đến 25 hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, mỗi người một phong cách, một cá tính nhưng chung một niềm đam mê graffiti, một tình yêu với Sài Gòn và mong muốn hoạt động này trở nên gần gũi và được đón nhận nhiều hơn. Qua 5 năm hoạt động, nhóm đã thực hiện được nhiều chương trình như: tổ chức ngày hội phong cách grafity Style Jam tạo không gian chơi cho mọi người; giải đấu Pow dành cho các tay chơi mới; dự án Back to hometown giới thiệu nét đặc trưng văn hóa của một địa phương qua nghệ thuật graffiti…
Lần đầu biết đến Cup Rồng tre nhưng đã quen và yêu thích nghệ thuật biếm họa từ lâu, các bạn xem đây như một cuộc chơi thú vị, bổ ích, nơi có thể nói lên tiếng nói của mình và tìm thấy sự đồng cảm. Cheekie Nguyễn Hoàng Tùng (24 tuổi, đã có “thâm niên” 10 năm vẽ graffiti) cho biết: “Graffiti là hoạt động của đường phố, người chơi graffiti cũng thường lang thang tìm không gian vẽ và chứng kiến nhịp sống sôi động trên đường. Thời gian qua, việc xe buýt chạy ẩu gây tai nạn nổi lên là vấn đề nóng trong xã hội. Đó không là chuyện xa xôi mà là vấn đề ngay trong đời sống, có thể xảy ra hàng ngày trên đường. Từ đó, chúng tôi đã chọn hình ảnh chiếc “xe buýt hung thần” làm chủ đề chính cho bức tranh graffiti của mình”.
Chàng trai người Canada Fonki vẽ gương mặt một người phụ nữ Việt Nam để trang trí cho Ngày hội biếm họa
Việc kết hợp giữa graffiti và biếm họa cũng không hề lạ lẫm khi dù ngôn ngữ tạo hình hay mục đích thể hiện khác nhau (một thể loại vẽ trên tường, một thể loại vẽ, in trên giấy) thì vẫn chung ý tưởng phản ánh các vấn đề xã hội đương đại, chung một tinh thần phê phán.
Như một cái duyên, cùng tham gia hoạt động còn có Fonki, chàng trai người Canada gốc Campuchia, lần đầu đến Việt Nam trong chuyến đi xuyên quốc gia thực hiện dự án cá nhân rất độc đáo: vẽ những gương mặt phụ nữ đặc trưng của mỗi quốc gia. Fonki cho biết mình thực sự may mắn khi có mặt tại Việt Nam đúng dịp lễ trao giải biếm họa và có cơ hội thể hiện tác phẩm cho dự án của mình tại một chương trình chính thức.
Tự nhận mình chưa biết nhiều về Việt Nam cũng như phụ nữ Việt Nam nhưng anh ấn tượng với những nụ cười Việt Nam và chọn vẽ gương mặt tươi cười rạng rỡ, đầy đôn hậu của một phụ nữ trung niên đội nón lá. Theo Fonki, hình ảnh đó về Việt Nam có thể là quen thuộc nhưng lại không hề cũ…
Một lễ trao giải phá cách, một cuộc chơi phóng khoáng, một cuộc hội ngộ gần gũi cho những người quan tâm tới biếm họa là những gì BTC hướng đến trong ngày hội này. Và bên trong không gian rất “đời thường” ấy, tại gallery Mai, là 140 tác phẩm biếm họa tiêu biểu được lựa chọn triển lãm.
NGỌC TUYẾT
Thể thao & Văn hóa