(giaidauscholar.com) - Ngày hội Biếm họa do báo Thể thao & Văn hóa tổ chức đã kết thúc tối 6/4 với nhiều dư âm. Ngay trong những ngày chuẩn bị cho sự kiện này, ban tổ chức đã nhận được lời đề nghị rất thú vị từ một nhân vật có tiếng trong giới kinh doanh mỹ thuật, bà Đỗ Thị Tuyết Mai, chủ nhân của hệ thống Mai’s Gallery và Cụm không gian nghệ thuật đương đại ứng dụng 3A Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM: “Hãy đưa những bức biếm họa này ra thị trường!”.
* Sau những lần trao giải biếm họa, TT&VH đã tổ chức bán những bức tranh biếm được giải nhưng với mục đích làm từ thiện và khách hàng là những nhà hảo tâm. Vì sao chị đưa ra đề nghị chào bán những bức biếm họa khi mà lĩnh vực biếm họa dù không xa lạ với người Việt nhưng hầu như chẳng ai bán được với mục đích thương mại?
- Trước hết, theo quan niệm của tôi thì nguyên lý của thị trường là cái gì cũng bán được. Khi đến văn phòng của TT&VH để tiếp nhận những bức tranh biếm họa phục vụ công tác chuẩn bị triển lãm ở 3A, tôi bị ấn tượng với một số tranh biếm vẽ tay - thứ rất hiếm trong thời buổi mọi thứ đều số hóa như hiện nay. Thường tôi chỉ xem tranh biếm họa trên báo giấy hoặc trên mạng chứ chưa có cơ hội tiếp cận với những bức vẽ tay nguyên bản như vậy. Những bức biếm họa này cho tôi cơ hội đến gần người họa sĩ, cho tôi nhìn thấy được sự vật và cách họ biểu đạt sự vật đó bằng đường nét, màu sắc. Cảm xúc đó rất quý và hiếm.
* Tranh biếm họa trên thế giới có giá trị không khác gì các loại tranh khác. Châu Âu và Mỹ có nhiều bảo tàng tranh biếm họa từ lâu còn ở Việt Nam mới chỉ có vài cuộc triển lãm tranh biếm họa quy mô rất khiêm tốn. Đó là một thực tế nằm ngoài những linh cảm về thị trường của chị.
- Thật ra lâu nay Việt Nam gần như chưa có thị trường nghệ thuật đúng nghĩa, tranh thường chỉ có bảo tàng, các trường đại học mỹ thuật tôn vinh, hoặc trên báo chí. Vì vậy mà tranh biếm lại càng không có thị trường. Trong khi đó, nhu cầu mua tranh thì có.
Tôi được biết hiện nhiếp ảnh gia Hải Đông đang sở hữu một kho tranh lớn của cha anh, họa sĩ Chóe - một tác giả biếm họa được đánh giá rất cao không chỉ trong nước mà ở tầm thế giới. Kho tranh đó được rất nhiều người quan tâm nhưng Hải Đông chưa bao giờ có ý định bán. Tôi đánh giá bộ sưu tập này rất cao không chỉ vì giá trị từ chính họa sĩ Chóe mà còn từ tư tưởng của những bức tranh này. Tôi nghĩ rằng nếu Hải Đông muốn bán thì số tranh này sẽ nhanh chóng có người mua hết.
* Đó là với tác phẩm của một họa sĩ có tầm. Còn với ngay những bức biếm họa đang triển lãm ở 3A này, ngoài cảm xúc với những bức vẽ tay, còn điều gì cho chị niềm tin rằng tranh sẽ bán được?
- Với cá nhân tôi, tôi cảm nhận những thông điệp từ các bức biếm họa một sức mạnh lớn gấp trăm ngàn lần lời nói. Ví dụ như bức tranh này: Xe mẹ mua, đua mẹ đánh. Để hướng cho con trai sử dụng chiếc xe máy tôi mua cho nó đúng mục đích, an toàn, thay vì phải nói dài dòng, cấm cản, tôi chỉ cần treo bức tranh này trong phòng nó, ở vị trí nó dễ nhìn thấy nhất, thì tính răn dạy rất cao. Nếu quan sát trên mạng xã hội, bạn sẽ thấy đang hình thành một kiểu sử dụng hình ảnh để thể hiện quan điểm cá nhân thay vì viết những status (trạng thái), note (ghi chú), người ta cũng dùng hình ảnh để tranh luận với nhau. Đó chính là tiềm năng để biếm họa phát triển trong một xã hội đương đại.
* Theo chị, để hình thành một thị trường tranh biếm họa cần những gì?
- Hiện giờ những nhận định của tôi còn mang tính cảm hứng và khó có thể nói một cách cụ thể, rõ nét về một thị trường tranh biếm họa. Nhưng bằng kinh nghiệm của một người sưu tầm và đã tham gia vào hoạt động mua bán tranh, tôi tin là sẽ có một thị trường cho lĩnh vực này, dù nhỏ. Xin kể ra đây một trải nghiệm của tôi. Công việc của tôi đưa tôi đến rất nhiều hội chợ tranh ở khắp thế giới. 13 năm trước, trong một lần tiếp cận với những bức tranh cổ động vẽ tay, tôi nảy ra ý định mang 20 bức đến Hội chợ tranh Afordable Art Fair ở New York (Mỹ). Rất kỳ lạ là 20 bức tôi mang theo đã nhanh chóng bán được gần hết với giá từ 300 - 500 USD, chỉ còn mang về 3 bức. Sự việc này đã được một vài bài báo trong nước nhắc tới. Gần như ngay lập tức, các cửa hàng bán tranh trên đường Nguyễn Huệ (TP.HCM) làm ra các bản sao tranh cổ động và bán được liên tục. TP.HCM còn xuất hiện cả những cửa hàng chỉ chuyên bán tranh cổ động. Mới đầu chỉ khách du lịch nước ngoài mua nhưng sau đó phong trào này lan sang cả người Việt, nhiều người đã sưu tầm tranh cổ động. Hiện tại tôi được biết có những bức vẽ nguyên bản được bán với giá vài ngàn USD. Tôi tin rằng với triển lãm biếm họa này, những bức tranh sẽ được bán.
* Vậy, trong bước đầu mở ra một cơ hội mới, căn cứ vào đâu để định giá những bức vẽ này?
- Giá trị của tranh vẫn luôn luôn là cá tính, sự sáng tạo. Những bức tranh thể hiện được cá tính của người vẽ và sự khác biệt trong cách nhìn sự vật, hiện tượng thì sẽ có giá cao. Tôi nghĩ, để tiếp cận được thị trường, các họa sĩ vẽ biếm cũng cần đi xa khỏi con đường sao chép, thứ đang rất khó tránh trong thời buổi mọi thứ đều “phẳng” như hiện nay.
Nếu nói về giá trị tiền bạc thì cái gì cũng có thể đắt tiền, quan trọng là nó tùy thuộc vào quan niệm của người muốn sở hữu nó. Nếu có người thích bỏ vài chục ngàn đô mua một cái đồng hồ, một cái túi xách thì cũng có người bỏ ngần ấy tiền mua một bức tranh mà họ thấy thích. Giá trị là do xã hội khẳng định, quan trọng là có người thích, có người sáng tác và có người buôn bán. Điều tôi lo ngại không phải là không có người mua mà là khi đã có người mua thì nguồn cung cấp có ổn định hay không.
* Cảm ơn chị.
>>> Chuyên trang: Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam
Dương Vân Anh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần