(giaidauscholar.com) - Hùng Dingo (tức Lê Đức Hùng) là một họa sĩ biếm chuyên nghiệp với thâm niên hơn 20 năm cầm cọ, dù chưa kinh qua bất kỳ trường lớp, thầy dạy vẽ nào.
Vậy nhưng nhắc đến Hùng Dingo, nhiều người nhớ và biết đến anh với tư cách là một thợ sửa máy ảnh phim có tiếng ở Hà Thành hơn là một họa sĩ vẽ biếm.
“Bách nghệ khôi hài”
Bằng chứng là đến khu tập thể Z10 phố Tạ Quang Bửu hỏi thăm về họa sĩ Hùng Dingo, hầu như ai cũng nói: “Nhầm à! Hùng nó sửa máy ảnh chứ có vẽ vời gì đâu”!
Hùng Dingo không phải con nhà nòi, nhưng anh lại có năng khiếu cầm cọ từ khi còn bé. Hùng kể, ngày còn học cấp 1, vì mê mẽ nên hôm nào tan học, anh cũng đều ở lại lớp ngồi vẽ đến tối mịt. Có lần, nhác thấy bạn cùng bạn có bộ truyện tranh Thánh Gióng và Tấm Cám vẽ rất đẹp, Hùng ngỏ ý mượn để ngồi vẽ lại, nhưng bạn bảo muốn vẽ thì theo về nhà bạn ngồi vẽ. Thế là Hùng lẽo đẽo theo về nhà bạn và trong khi cả nhà bạn quây quần bên mâm cơm thì Hùng ngồi một góc hí húi chép lại toàn bộ các bức tranh trong truyện.
Học lên đến cấp 3, Hùng vẫn mê vẽ. Rồi hết cấp 3, Hùng thi vào Đại học không đậu. Đến lúc này, Hùng chuyển sang chơi ảnh. Hàng ngày, anh lượn lờ khắp làng như một nghệ sĩ, chụp bất cứ thứ gì anh thích. Tối đến, anh lại chất máy phóng, thuốc tráng ảnh lên xe đạp, phóng lên nhà họ hàng ở làng Cổ Đô, chờ mọi người đi ngủ hết mới nhờ điện đóm, dựng buồng tối để tráng ảnh. Đến sáng, anh lại đạp xe về nhà, mang ảnh phát miễn phí cho mọi người.
Ngày ấy, nhiếp ảnh vẫn là một thú chơi xa xỉ và để kiếm tiền nuôi mình, nuôi nhiếp ảnh, Hùng còn quay sang nghề trang trí đám cưới.
“Ngày ấy làm cái nghề trang trí đám cưới hái ra tiền”, Hùng nhớ lại. “Cả một vệt sông Hồng, hễ nhà nào có đám cưới là tìm đến nhà tôi mua chí ít là một bộ trang trí do chính tay tôi trổ. Thế nên cũng có đồng ra đồng vào”.
Hồi sinh nghề vẽ nhờ tranh bỏ đi
Một lần, bố của bạn mời nhà thơ, nhà báo Trần Hòa Bình đến nhà chơi, nhân tiện bạn anh khoe những bức tranh với nhà báo Trần Hòa Bình. Ngay lập tức tác giả Thêm một cho triệu Hùng đến. Như là cách “kiểm tra bản quyền”, nhà thơ Trần Hòa Bình “yêu cầu” Hùng vẽ lại những tác phẩm đã... vứt đi. Hùng hí hoáy vẽ lại, nhà thơ Trần Hòa Bình tỏ ra rất vui mừng như thể ông vừa “chộp” được một thiên tài.
Vài ngày sau, chính xác là ngày 11/8/1992, khi ấy anh 21 tuổi, chùm 3 tranh biếm đầu tiên của anh đã xuất hiện trên mặt báo Tiền Phong. Hỏi ra, Hùng mới biết chính nhà thơ Trần Hòa Bình là người đã mang tranh của anh về báo, trình lên và được duyệt in.
Từ nguồn động viên to lớn ấy, Hùng quay lại cầm có miết từ đấy cho đến giờ. Ngoài cộng tác thường xuyên với Tuổi trẻ cười, Làng cười, Hùng Dingo còn vẽ biếm cho nhiều tờ báo địa phương như Yên Bái, Phú Thọ, Đất Tổ...
Mùa giải Biếm họa Báo chí – Cúp Rồng tre lần 4 do báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) phát động cách đây 4 năm, Hùng Dingo chính là tác giả gửi tranh dự thi muộn nhất.
“Tôi không biết Thể thao & Văn hóa mở cuộc thi biếm họa”, Hùng Dingo kể lại. “Tôi chỉ biết được khi chui vào facebook của một người bạn cũng dự thi cuộc thi đó. Tôi tìm hiểu thì thấy chỉ còn lại 1 ngày để cho mình “trổ tài”. Thế là đêm ấy, đến trưa ngày hôm hết hạn, tôi vẽ liền một chặp 10 bức trên khổ giấy A2, lục tục mang đến tòa soạn nộp khi trời đã chiều muộn”.
Nhưng sự cố gắng trong cái muộn ấy của Hùng đã được đến đáp. Đó là bức tranh Cây cưa của anh đã đoạt giải cuộc thi. Hôm đến nhận giải, Hùng được một thành viên BGK đùa rằng lẽ ra phải “chia tiền thưởng” vì lô tác phẩm 10 bức biếm họa gửi đến muộn của anh chẳng có cái nào có tiêu đề. Tên tác phẩm là Cây cưa là do Hội đồng giám khảo đặt hộ cho!
Một điều thú vị nữa là, tác phẩm Cây cưa cũng vừa mới “tái xuất” tại triển lãm Rác Xuân 2018 vừa diễn ra hồi trung tuần tháng 4 tại Trung tâm hỗ trợ và phát triển nghệ thuật đương đại - Vicas Art Studio bằng một chất liệu khác, một cái tên khác nhưng ý nghĩa, thông điệp và “chất biếm họa” vẫn còn nguyên vẹn.
Theo đó, Cây cưa được đổi tên thành Nỗi nhớ rừng và được làm bằng chất liệu là những cành đào xuân đã bỏ đi của người dân sau khi chơi Tết. Mặc dù là tác phẩm sắp đặt, nhưng tác giả vẫn giữ nguyên bố cục và nội dung của tranh vẽ. Đó là, trên nền những cành đào đã chết khô, Hùng Dingo vẫn treo hai hàng lưỡi cưa đối nhau, tạo thành hình tháp như một cái cây ở giữa đã chết.
Hùng bảo: “Tôi dùng hai chất liệu này để tạo cảm giác bớt u ám hơn, đồng thời hy vọng mỗi khán giả đứng trước tác phẩm đều có thể tự soi mình vào hai lưỡi cưa bằng mica gương để có thể suy nghĩ một chút về vấn đề môi trường xung quanh”.
Sẽ tổ chức triển lãm biếm họa cá nhân
Nghề có được thu nhập ổn đối với Hùng Dingo từ trước đến nay vẫn là sửa máy ảnh (chuyên dòng máy phim). Anh bảo, vẽ tranh biếm nhiều, nhưng nhuận bút bây giờ chẳng được bao nhiêu và anh vẽ tranh biếm cũng mới ở dạng... bán chuyên.
“Tôi nghĩ, để vẽ biếm chuyên nghiệp phải có... tuổi kinh nghiệm và cả kiến thức nữa”, Hùng nói. “Vì thế, tôi vẽ chỉ như dạng học trò, chỉ dám nhận là... tranh vui thôi chứ chưa thật sự đậm chất biếm họa. Vì thế, tôi rất cần phải học hỏi thêm kinh nghiệm của những người đi trước, những người giỏi hơn mình, đặc biệt là về kỹ thuật vẽ trên máy...”
Rồi Hùng tiết lộ anh chưa từng kinh qua trường lớp dạy vẽ nào. Bởi thế, anh mới khiêm tốn, cầu thị và học hỏi không ngừng. Bằng chứng là anh thường xuyên tìm hiểu phong cách biếm họa của các đồng nghiệp, của các họa sĩ nước ngoài và đặc biệt là theo học tại chức Đồ họa tại ĐH Mỹ thuật Công nghiệp.
Bất ngờ hơn nữa là trong số những đồng môn của anh ở trường này còn có cả vợ và con trai lớn của anh. Con trai lớn năm nay sẽ thi vào khoa Điêu khắc, còn anh và vợ anh sau một năm rưỡi nữa sẽ ra trường.
Ngoài ra, con trai thứ và con gái út của anh cũng suốt ngày tô tô, vẽ vẽ. Trong cái “gia đình vẽ” ấy, theo như anh cho biết, các tác phẩm của con gái út là có chất hài hước hơn cả.
Hùng Dingo cho biết, anh đang tập hợp những tác phẩm biếm họa của mình trong suốt 20 năm cầm cọ, dự sẽ chọn ra những tác phẩm ưng ý nhất để tổ chức một triển lãm cá nhân kết hợp với sắp đặt.
Hỏi anh khi nào thì tổ chức, anh cười: “Trước mắt chỉ biết trông chờ vào số tiền sửa máy ảnh bỏ lợn tiết kiệm. Nói như thế mới thấy đời họa sĩ vẽ biếm họa cũng có lúc... biếm quá, phải không?”.
Góc biếm họa xuất hiện vào thứ Hai và thứ Bảy hàng tuần trên Thể thao & Văn hóa. Trân trọng kính mời quý độc giả đón xem.
Huy Thông