(giaidauscholar.com) - Họa sĩ Nguyễn Mạnh Tiến hiện công tác tại báo Quân đội Nhân dân. Công việc chính của anh là trình bày báo, nhưng anh thường xuyên đóng góp tiếng nói của mình về những vấn đề tiêu cực của đời sống xã hội thông qua những bức biếm họa.
Vừa qua, BGK Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam - Cúp Rồng tre lần V - 2018 đã có buổi thảo luận và chấm giải căng thẳng tại Tòa soạn Báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) tại 11, Trần Hưng Đạo, Hà Nội.
“Với tôi, biếm họa đôi khi giống như âm nhạc, cứ hứng lên là... hát”, Nguyễn Mạnh Tiến mở đầu câu chuyện với Thể thao & Văn hóa (TTXVN).
* Thế cái hứng ấy của anh có từ khi nào?
- Tôi may mắn là sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp thì được đầu quân cho báo Công an Nhân dân. Ở đó, tôi và một số họa sĩ thường xuyên được vẽ minh họa cho các bài viết có nội dung phê phán thói hư tật xấu của xã hội - nhưng khó hoặc không thể minh họa được bằng ảnh, nhất là với những bài nhân vật.
Được khoảng gần 10 năm, tôi “đầu quân” cho báo Quân đội Nhân dân và thường xuyên được “múa bút” về biếm họa hơn, bởi Quân đội Nhân dân từ lâu đã luôn dành đất cho thể loại này.
* Vậy với Biếm họa Cúp Rồng tre, giải này có mang lại hứng vẽ cho anh không?
- Lần đầu tôi đến với giải Biếm họa Báo chí Cúp Rồng tre là ở mùa giải lần 3 năm 2012 chủ đề “Môi trường – Biến đổi sinh thái”.
Năm ấy tôi gửi 2 bức thì cả 2 đều được giải... treo, tức là được triển lãm cho công chúng xem. Tuy không được giải to, nhưng tôi rất vui vì cùng với các họa sĩ khác có tranh triển lãm, được góp tiếng nói phê phán, cảnh tỉnh của mình về thực trạng môi trường, biến đổi sinh thái, gây được ấn tượng tốt đối với người xem.
Cũng nhờ một phần cuộc thi Biếm họa Báo chí Việt Nam - Cúp Rồng tre mà tôi cũng đã định hình được chủ đề, lối vẽ của mình, đồng thời học được nhiều thứ từ các họa sĩ, đồng nghiệp khác.
* Hẳn anh rất nhớ hai bức được giải “treo” mùa giải năm ấy?
- Bức thứ nhất tôi vẽ một người đàn ông cầm một cây rìu, đứng trên quả địa cầu, xung quanh cây cối bị chặt hạ gần như trơ trọi, chỉ còn lại duy nhất một cây để bao bọc, cung cấp ô-xi để nuôi dưỡng chính mình và “nuôi dưỡng” hệ hô hấp cho toàn bộ trái đất, cho những người đang tàn phá chính mình.
Bức thứ 2 tôi vẽ một một bà mẹ dắt một người con và một chú cún cưng bị “bao vây” bốn phía bởi xe cộ, khói bụi. Để “thở” được trong môi trường ấy, bà mẹ phải “dắt” theo một bình ô-xi to tướng như một quả bom trên đường. Chủ đề năm ấy đã qua được cả gần chục năm, nhưng môi trường – biến đổi sinh thái vẫn luôn nóng hổi và thời sự. Cho nên tôi vẫn thường xuyên vẽ về chủ đề ấy.
* Anh dành thời gian cho biếm họa như thế nào?
- Tôi là một họa sĩ và thế mạnh của một họa sĩ là tư duy về hình ảnh rất nhanh. Thế nên, mỗi khi ra đường hay đơn giản chỉ đọc báo, xem TV, nghe ai kể gì đó mà có thể triển khai thành tranh biếm là tôi có thể bám, nắm vào đó để vẽ.
Nhiều khi trình bày báo, đọc bài đồng nghiệp về một vấn đề nào đó tiêu cực của xã hội, lập tức xuất hiện trong mình một cái tứ nên sau khi truyền file PDF cho nhà in xong, thể nào mình cũng nán lại tòa soạn ngồi vẽ. Nếu cảm thấy thức đêm ở cơ quan không tiện thì về nhà ngồi hí hoáy, có khi đến 2 - 3 giờ sáng. Muộn, mệt nhưng vẽ được thì thích lắm.
* Anh thấy chủ đề của Biếm họa Báo chí Việt Nam - Cúp Rồng tre lần 5 thế nào?
- "Ứng xử văn hoá; Xã hội văn minh" mà BTC Giải biếm họa Báo chí Cúp Rồng tre lần này đưa ra, tôi thấy rất tâm đắc. Nó trúng và đúng với vấn đề mà không chỉ tôi mà chắc hẳn với rất nhiều người trong xã hội cũng đang rất quan tâm.
Thế nên, khi chủ đề này được mở, tôi rất háo hức, nhưng chỉ “dám” gửi dự thi chùm 4 tác phẩm, tập trung “xoáy” vào cái tôi cá nhân của con người thời 4.0 trong ứng xử văn hóa.
* Hẳn anh đã nhìn ra cái chưa được của cái tôi cá nhân tiêu cực trong xã hội hiện nay?
- Có cái tôi trong xã hội tốt. Nhưng nếu cái tôi của mình không tốt, thậm chí lệch lạc nhưng lại cứ áp đặt cái tôi ấy cho xã hội thì sẽ bị sai lệch. Vì thế, tôi muốn dùng biếm họa như là tấm gương phản chiếu để mong rằng những ai có cái tôi như thế nhìn vào đó mà nhận ra mình, rồi tự điều chỉnh.
Thời 4.0 này, con người đang phải đối diện với rất nhiều sự va đập, đan xen nhau mà nếu không ứng xử văn hóa thì đời sống sẽ bị chệch choạc, xung đột và dẫn đến tiêu cực. Vì thế, chỉ khi mỗi con người biết nhìn nhau mà sống, ứng xử với nhau một cách có văn hóa thì mọi sự xung đột, mâu thuẫn sẽ được giải quyết một cách nhẹ nhàng, đời sống sẽ tốt đẹp hơn, văn minh hơn.
* Cuối cùng, suy nghĩ của anh về đời sống biếm họa nước nhà hiện nay?
- Tôi đồng tình với quan điểm, rằng biếm họa là một vũ khí hình ảnh rất hiệu quả trong việc phê phán những thói hư tật xấu của xã hội. Nhưng thật tiếc là thứ vũ khí ấy chưa được phương tiện truyền thông sử dụng nhiều, thậm chí không được coi trọng.
Tôi cũng rất tâm đắc với một câu nói của một họa sĩ đăng trên Thể thao & Văn hóa cách đây không lâu khi ông nói về biếm họa rằng: Hãy đánh thức các họa sĩ biếm đang... ngủ quên.
Theo tôi, họa sĩ biếm ở nước ta rất đông đảo chứ không ít. Nhưng sân chơi và đất trên các mặt báo để cho họ thể hiện tiếng nói của mình về các vấn đề xã hội chưa nhiều. Vì thế, muốn đánh thức các họa sĩ, trước tiên là các họa sĩ cần phải chủ động nói lên tiếng nói của mình bằng các tác phẩm. Thứ đến là các báo, đài cần để đất cho các tác phẩm của họ đến với công chúng một cách phổ biến hơn, thường xuyên hơn.
* Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện!
Vài nét về họa sĩ Nguyễn Mạnh Tiến
Nguyễn Mạnh Tiến sinh năm 1975 ở Thanh Oai, Hà Tây (nay là Hà Nội). Anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp năm 2008, chuyên ngành Đồ họa. Trước khi về báo Quân đội Nhân dân, anh từng công tác tại báo Công an Nhân dân với công việc chính là họa sĩ trình bày, vẽ minh họa.
|
Phạm Huy (thực hiện)