Họa sĩ Trần Khánh Chương: Nhờ Cúp Rồng tre, biếm họa không còn ở góc khuất

06:44 14/11/2013

(giaidauscholar.com) - “Tôi rất hiểu khó khăn của các anh em trong làng biếm họa VN. Phần nào, trong thực tiễn hiện nay, phần đông các “biếm sĩ” cũng đang chịu chung cảnh ngộ với cả ngàn họa sĩ VN khác: loay hoay tìm thị trường cho tác phẩm của mình” - họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN nói vui.

Ông Chương nói:

- Nhiều người vẫn lầm tưởng làm họa sĩ thì... hái ra tiền. Sự thật, chỉ rất ít trong tổng số hơn 1.800 hội viên của chúng tôi làm được điều ấy. Nghề vẽ tranh biếm cũng vậy thôi. Hiện, số “biếm sĩ” hội viên chỉ có gần 20 người, trong khi con số đang hành nghề trên cả nước có tới hàng trăm. Vậy nhưng, như tôi biết, chỉ chưa đầy chục tác giả là sống được bằng nghề. Số còn lại chỉ gắn bó với biếm họa bởi tình yêu...

* Một chút nhận xét của ông về thực trạng tranh biếm họa VN 2 năm qua?

- Cũng hơi khó để đưa ra những nhận xét chính xác trong một khoảng thời gian ngắn như vậy. Trước đây, biếm họa có vai trò chủ lực, là mũi nhọn xung kích trong 2 cuộc kháng chiến của chúng ta với những cái tên rất lớn như Nguyễn Bích, Phan Kế An, Mai Văn Hiến. Bây giờ, vai trò chính của biếm họa lại là quay mũi nhọn vào việc phản biện xã hội, đấu tranh với cái xấu, cái tiêu cực để từ đó hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn.

Về ý tưởng, do thực tế đa dạng và phức tạp khiến các bức tranh biếm họa mỗi năm lại có nội dung rộng hơn trước rất nhiều và đi vào hầu hết những góc khuất khác nhau của cuộc sống. Về kỹ thuật, sự phát triển của công nghệ và kỹ thuật đồ họa khiến các biếm sĩ có nhiều lựa chọn đa dạng hơn để thể hiện ý tưởng của mình.

Tuy nhiên, nếu thời kháng chiến, gần như các bức biếm họa đều được đưa ra trang nhất của mỗi tờ báo, thì sau này, biếm họa thường được đưa về trang cuối cùng của mỗi tờ báo, rồi tới lúc bị “đẩy” vào các trang trong như hiện nay. Hoặc, bên cạnh các bức tranh biếm có tính phản biện xã hội cao, dạng tranh vui hướng tới những chuyện nhỏ, mang nội dung thư giãn gần như không còn tồn tại.

* Nhiều chuyên gia cho rằng biếm họa vài năm nay bắt đầu hụt hơi và phát triển chậm lại. Ông nhận xét về điều ấy thế nào?

- Tôi thấy biếm họa vẫn phát triển mạnh là khác. Cái chúng ta thiếu là những gương mặt tiêu biểu. Thật ra, trong giai đoạn trước đây, những họa sĩ như Tạ Lựu, Phan Kế An, Nguyễn Bích... cũng không phải là nhiều.

* Nhiều anh em biếm sĩ vẫn than thở rằng hình như Hội Mỹ thuật VN chưa chú ý hỗ trợ nhiều cho mảng đề tài này...

Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam là sáng kiến của báo TT&VH (TTXVN) nhân dịp kỷ niệm 85 năm Biếm họa báo chí Việt Nam (1922 - 2007). Thành công vang dội của giải lần I đã đưa giải thưởng này trở thành cuộc tôn vinh biếm họa lớn nhất nước, được tổ chức định kỳ 2 năm/lần.

- Trước hết, phải nói rằng việc TT&VH tổ chức giải Biếm họa vào các năm chẵn đã tạo ra sự hỗ trợ cực lớn đối với Hội Mỹ thuật. Sau 3 lần tổ chức, bây giờ Cúp Rồng tre của các bạn đã là một sân chơi đúng nghĩa, nơi để anh em biếm sĩ có dịp thể hiện và nhận sự tôn vinh của xã hội. Sự tôn vinh tác giả, tác phẩm ấy mang lại cho họ niềm vui rất lớn, khi mà những bức biếm họa hàng ngày trên báo chí vẫn cam chịu cảnh in đen trắng và nằm ở một góc khuất khiêm tốn trên trang báo.

Hội Mỹ thuật VN từ 4 năm qua đã quyết định “hưởng ứng” Cúp Rồng tre bằng việc tổ chức triển lãm biếm họa vào các năm lẻ. Như vậy, anh em biếm sĩ mỗi năm đều đặn vẫn có một sân chơi thật sự của mình. Xét trong điều kiện kinh phí của Hội, và con số 20/1.800 hội viên biếm sĩ, tôi nghĩ đó đã là nỗ lực rất lớn của Hội Mỹ thuật rồi. Bởi, với mức kinh phí được cấp, chúng tôi mỗi năm chỉ có thể tổ chức khoảng 10 cuộc triển lãm mỹ thuật cho tất cả các thể loại, và rất nhiều anh em họa sĩ của các chuyên ngành khác vẫn chưa thể có một triển lãm riêng cho mình...

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!


>>> Chuyên trang: Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam

Sơn Tùng (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự