(giaidauscholar.com) - “Hội Nhà báo Việt Nam đã bàn tới việc đưa biếm họa vào hệ thống Giải báo chí quốc gia, nhưng trước mắt chưa thuận. Nguyên nhân chính vẫn là bản thân biếm họa chưa tự khẳng định được mình bằng chất lượng” - ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ.
TT&VH đã có cuộc trò chuyện với ông Hà Minh Huệ trước thềm Lễ phát động Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam - Cúp Rồng tre lần thứ IV diễn ra chiều nay 14/11 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội).
Biếm họa làm “mềm” trang báo
* Đây là mùa thứ 3 Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục đồng hành cùng với Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam, ông đánh giá thế nào về giải thưởng trong suốt 3 mùa vừa qua?
- Hội Nhà báo Việt Nam đã quyết định tiếp tục đồng hành cùng Giải Biếm họa báo chí Việt Nam - Cúp Rồng tre mùa giải này, là lần thứ 3 liên tục, trừ giải đầu tiên vào năm 2008. Hội Nhà báo chọn hình thức “đồng hành”, ủng hộ về cả tinh thần và vật chất: Cử người tham gia Ban Giám khảo, trao giải thưởng.
Hội Nhà báo đánh giá cao sáng kiến tổ chức giải, làm cho đời sống báo chí phong phú hơn, góp phần làm “mềm mại hóa” trang báo bằng những bức vẽ hài hước, sâu sắc mang tính phê phán nhưng dễ chấp nhận… Tôi đánh giá 3 mùa giải vừa qua là thành công.
* Được biết Hội vẫn tiếp tục dành Giải thưởng đặc biệt cho 1 họa sĩ có nhiều tác phẩm chất lượng, được đăng báo nhiều trong thời gian 2 năm. Đây là giải thưởng cho thấy sự quan tâm của Hội tới biếm họa. Nhưng nhìn thực tế, báo chí Việt Nam những năm gần đây đã thực sự dành “đất” cho biếm họa chưa, thưa ông?
- Quả thực biếm họa chưa được các báo quan tâm thích đáng, chưa dành đất, đúng hơn là chưa tận dụng được phẩm chất độc đáo của biếm họa. Trên các trang báo ít thấy những bức biếm họa “nhìn là nhớ”. Về nguyên nhân, tôi băn khoăn, hay là chính các họa sĩ cũng không quan tâm vẽ biếm họa, hoặc các tác phẩm chất lượng không cao nên các báo không dùng. Hay vì tất cả lý do nêu trên. Hiện nay rải rác các báo vẫn đăng biếm họa, nhưng ấn tượng không nhiều.
Hội Nhà báo cũng đã bàn tới việc đưa biếm họa vào hệ thống Giải báo chí quốc gia, nhưng trước mắt chưa thuận, vì chưa biết xếp biếm họa vào thể loại nào của loại hình nào. Nguyên nhân chính vẫn là bản thân biếm họa chưa tự “khẳng định” được mình bằng chất lượng.
Có nên chọn chủ đề cho mỗi giải?
* Biếm họa của Việt Nam có một đặc điểm ai cũng nhận thấy, đó là hơi nhiều chữ. Cá nhân ông nghĩ thế nào về điều này?
- Nhận xét này là đúng. Không chỉ biếm họa mà ảnh báo chí cũng thế, còn cần nhiều lời, chú thích, giải thích quá. Cái tài của họa sĩ, nhiếp ảnh gia là phải bằng cảm nhận nghệ thuật của mình “chộp” được cái thần, cái cốt đúng lúc, đúng ý đồ, ý tưởng, không cần lời. Theo tôi, khi họa sĩ biếm sáng tác mà còn nghĩ phải “chua” thêm lời thì đừng gửi tác phẩm tới tòa soạn báo nữa, mà nếu trót gửi tới báo rồi, thì bản báo đừng dùng nữa, để trả biếm họa về đúng vị thế của nó. Biếm họa là phải hài hước, trí tuệ, bằng những nét vẽ chuyển tải được một thông điệp nào đó - phê phán thói hư, tật xấu, khen cái hay cái đẹp, thể hiện mong muốn thực và không thực v.v…
* Mùa giải mới, ông có gửi gắm gì tới các họa sĩ biếm?
- Tôi mong và chúc mùa giải mới thành công, các họa sĩ hãy tích cực tham dự bằng những tác phẩm xuất sắc. Tôi còn băn khoăn về một điều, chọn chủ đề thì cũng tốt, nhưng liệu như thế có khuyến khích được biếm họa nói chung hay không, liệu có bỏ sót những tác phẩm xuất sắc nằm ngoài chủ đề đã được xác định không. Bản thân tôi ủng hộ ý kiến không đặt chủ đề cụ thể, hãy phát huy tính sáng tạo hài hước, trí tuệ của giới biếm họa về mọi lĩnh vực đời sống xã hội.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
>>> Chuyên trang: Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam
Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa