01/10/2021 05:59 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - ... Nó sẽ là sự trở về của môt-đứa-con-cưng. Nhiều người sẽ giật mình, nếu biết rằng, đây sẽ là lần đầu tiên sau 25 năm, tức là bằng với 1/4 thế kỷ, cựu danh thủ của bóng đá Việt Nam và CLB Công an TP.HCM (cũ) quay trở lại sân bóng từng lưu lại những ngày tháng tươi đẹp ngắn ngủi của sự nghiệp cầu thủ. Ơ hay, nhà Chiến vẫn ở TP.HCM cơ mà, sao phải đợi lâu đến thế?
Thống Nhất, trước thềm Tiger Cup 1996 (giải vô địch Đông Nam Á, tên gọi tiền thân khác của AFF Suzuki Cup bây giờ), đó là một ngày đáng quên. Một buổi tập của đội tuyển Việt Nam và tiếc rắc kêu lên, sau một pha lên bóng và tiếp đất. Lên đầu, bắt volley, ngả bàn đèn là những ngón sở trường của Chiến. Trần Minh Chiến nằm xuống ôm gối và anh hoàn toàn không biết rằng, đó là khoảnh khắc cuối cùng trên thảm cỏ Thống Nhất này.
Vì là "tài sản quốc gia", đồng thời cũng là ngôi sao của CLB Công an TP.HCM, Minh Chiến được chăm sóc rất chu đáo. Nhưng 2-3 lần phẫu thuật, lại toàn mổ banh (ngày ấy y học thể thao chưa có mổ nội soi), từ Việt Nam qua Đức, vẫn không thành, Chiến quyết định treo giầy ở tuổi 22, chuyển qua công tác huấn luyện.
Trần Minh Chiến sinh năm 1974, được liệt vào hàng anh hùng xuất thiếu niên, khi 18 tuổi đã được đôn lên đội 1 Công an TP.HCM, 20 tuổi là Vua phá lưới đồng thời ẵm luôn danh hiệu Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất giải VĐQG 1994-1995 (tên gọi tiền thân của V-League bây giờ). Cặp Huỳnh Đức - Minh Chiến của Công an TP.HCM, tựa như Công Vinh - Văn Quyến tại SLNA sau này vậy, thậm chí còn lợi hại hơn.
Nhắc đến Trần Minh Chiến, người ta nghĩ ngay đến cú volley vào lưới Myanmar ở bán kết SEA Games Chiang Mai 1995. Bàn thắng quý hơn vàng ấy đưa đội tuyển Việt Nam dưới thời Karl Weigang lần đầu tiên vào chơi một trận chung kết bóng đá nam SEA Games. Đấy cũng là năm đầu tiên cuộc bầu chọn Quả bóng Vàng Việt Nam diễn ra và người đoạt giải là... Võ Hoàng Bửu, chứ không phải Minh Chiến hay Huỳnh Đức.
Đấy, sự nghiệp cầu thủ với Trần Minh Chiến là những khoảnh khắc, như một phút huy hoàng rồi chợt tắt, nhưng thà như thế, còn hơn le lói suốt trăm năm. Đến tận sau này, khi hồi tưởng lại lúc trà dư tửu hậu, Chiến cũng không hề hối tiếc gì sất.
SVĐ Thống Nhất huyền thoại, với Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Sở Công Nghiệp và Công an TP.HCM trước đây, từng lưu danh nhiều thế hệ cầu thủ tài năng. Từ thời cố danh thủ Tam Lang đến những hậu bối Đặng Trần Chỉnh, Phan Hữu Phát, Hồ Văn Lợi... của Cảng; hay tam tấu Minh "Nhí" - Thành "gù" - Lưu Tấn Liêm, rồi Trương Văn Dưỡng, Đỗ Khải (Hải Quan)... Nhưng Công an TP.HCM phải là Huỳnh Đức và Minh Chiến, mà không phải bất kỳ cái tên nào khác.
Ngày đó, mỗi trận đấu hay một cặp đấu derby TP.HCM, Thống Nhất tự nó biến thành chảo lửa. CĐV của Cảng vẫn là đông nhất, nhưng khán giả trung lập chiếm đa số, bởi họ cổ vũ cho tất cả, với thứ bóng đá giàu cống hiến. Bóng đá và các ngôi sao bóng đá ngày ấy như Minh Chiến, có sức hút ghê gớm lắm, không thua gì showbiz và đến cả ngôi sao showbiz cũng phải theo đến tận sân, đặng có cơ hội làm quen.
Trần Minh Chiến kể, trận nào của Công an TP.HCM đá tại Thống Nhất, là cả con phố Huỳnh Văn Bánh ở Phú Nhuận (nơi anh sống cùng gia đình) đóng cửa đến sân cổ vũ. CĐV bóng đá được cấy ghép theo cách người nhà, rồi người quen, rồi mới đến tính địa phương chủ nghĩa..., giúp cho các sân bóng luôn đông nườm nượp. Nó tạo nên thứ bản sắc rất riêng, không như bây giờ, hời hợt, nửa mùa, có lợi mới làm, mới cổ vũ.
Trở lại Thống Nhất sau 25 năm, với tâm thế rất khác, có thể chỉ còn những người già mới nhớ Trần Minh Chiến từng là ai. Nhưng rõ ràng, một đội bóng đại diện Sài thành như CLB TP.HCM cần những người con của thành phố như Minh Chiến. Trước đó đã có thông tin, Huỳnh Đức cũng muốn về, nhưng chuyện đó không bao giờ xảy ra. Ngày ra đi và cập bến Đà Nẵng, Huỳnh Đức dường như đã nuốt trọn câu thề.
Về năng lực huấn luyện và trải nghiệm 25 năm nghiệp cầm quân ở nhiều cấp độ, Chiến có cơ hội lớn để thành công tại một đội bóng giàu tham vọng như TP.HCM. Thiên thời, địa lợi thì sẵn rồi, thêm nhân hòa nữa là đủ. Con người vẫn luôn là yếu tố quyết định thành bại.
Ra đi là để trở về, 25 năm Chiến đã biền biệt rồi, giờ thì về nhà thôi!
CCKM
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất