Bạo lực ở EURO là lời cảnh báo cho World Cup 2018

20/06/2016 09:09 GMT+7 | Euro ở Việt Nam

(giaidauscholar.com) - Khủng bố là một mối đe dọa lớn với EURO 2016, điều khiến nhiều nước đã phải cảnh báo công dân thận trọng khi tới Pháp, và những lo lắng tỏ ra không thừa khi kỳ EURO này đang có nguy cơ bị vấy bẩn bởi tình trạng bạo lực lan tràn cả trong và ngoài sân bóng.

Dù không phải là những cuộc khủng bố vì mục đích chính trị do Al-Qaeda hay Nhà nước Hồi giáo (IS) kích động, chủ nghĩa dân tộc và tình trạng hooligan đang đe dọa biến sự kiện thể thao nhằm thể hiện tình đoàn kết của châu Âu thành các cuộc đập phá và đánh nhau trên đường phố.

Trong khi ở Mỹ, các CĐV tới sân tham dự Copa America dành một phút mặc niệm cho các nạn nhân vụ tấn công hộp đêm ở Orlando khiến 49 người thiệt mạng, thì ở Pháp, “người hâm mộ bóng đá” cho tới giờ chủ yếu lên báo bởi những vụ tẩn nhau cũng trong các hộp đêm.

Tình hình khiến những người bi quan nhớ lại thời những năm 1980, khi nạn hooligan còn hoành hành dữ dội. Những ngày đen tối đó đang có nguy cơ trở lại ở Pháp, khi mà từ trước lúc bóng lăn, các CĐV Anh và Nga đã có cuộc chiến giáp lá cà ở thành phố cảng Địa Trung Hải Marseille.

Trong 10 ngày tiếp theo, hàng chục người đã phải nhập viện và nhiều người khác bị bắt giữ, rồi tống giam. 20 người Nga, bao gồm Alexander Shprygin, thủ lĩnh của một nhóm Ultra khét tiếng, bị trục xuất khỏi Pháp. Hai ĐT Anh và Nga bị UEFA cảnh cáo và đe dọa đuổi khỏi giải nếu còn để bạo lực xảy ra.

Nhưng tình hình chưa có dấu hiệu tiến triển. CĐV Đức và Ukraine vừa tẩn nhau ở Lille, cũng là nơi diễn ra một cuộc “tái đấu” Anh-Nga khác, trên đường phố. Các nhóm Ultra Pháp thì tấn công người hâm mộ Bắc Ireland ở Nice (Pháp thậm chí không đá ở thành phố này), trong khi hooligan Croatia ném 8 quả pháo sáng xuống sân hôm thứ Sáu tại Saint-Etienne, làm một nhân viên bảo vệ bị thương và suýt nữa thì vào mặt chính tiền vệ Croatia Ivan Perisic.

Pháo sáng cũng đã xuất hiện ở các trận Anh-Nga và Iceland-Hungary. Không hiểu sao người ta lại có thể đem được những thiết bị cháy nổ đó vào trong sân, nhưng bạo lực đang có nguy cơ phủ bóng đen lên những trận đấu. Ngoài bóng đá và bản chất côn đồ của các hooligan, một yếu tố quan trọng khiến tình hình rất phức tạp là chủ nghĩa dân tộc.

Igor Lebedev, một nghị viên cực hữu người Nga, viết trên Twitter: “CĐV đánh nhau thì có gì sai. Im ắng mới là lạ. Hay lắm các chàng trai, cứ thế nhé!”. “Cứ 9/10 lần thì CĐV bóng đá tới sân là để đánh nhau, chuyện thường tình”, Lebedev, cũng là thành viên hội đồng điều hành của LĐBĐ Nga, nói thêm. “Họ bảo vệ lòng tự hào dân tộc và không để người Anh coi thường chúng ta. Chúng ta cần tha thứ và thông cảm cho họ”.

Tuy nhiên, người phát ngôn của điện Kremlin cũng đã nói tình trạng bạo động là “không thể chấp nhận được”. “Những vụ ẩu đả giữa các CĐV Anh và Nga là một nỗi hổ thẹn”, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói. “Tôi không hiểu nổi tại sao 200 CĐV Nga có thể đánh được cả nghìn CĐV Anh”.

Những gì xảy ra ở Pháp và các tuyên bố sau đó cũng khiến nhiều người lo ngại về khả năng có thể xảy ra bạo lực tại World Cup Nga 2018. Công tố viên Pháp Brice Robin nói có những nhóm hooligan “đã được chuẩn bị kỹ lưỡng cho hành động cực đoan, kích động bạo lực, và có vẻ được huấn luyện”.

EURO đang hấp dẫn dần lên qua từng trận đấu, các đội bóng đã chơi cởi mở hơn, đã có những trận nhiều bàn thắng và các ứng viên vô địch dần lộ diện, nhưng nhà chức trách cũng cần đảm bảo rằng giải đấu sẽ không còn những hình ảnh xấu xí như 2 tuần lễ vừa qua nữa.

T.T
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm