Ngày 18/1/1919, Hội nghị Hòa bình Versailles được khai mạc tại Paris. 27 quốc gia thắng trận, trong đó có Pháp, đã tập hợp, bàn thảo để chia lợi nhuận và xác lập trật tự thế giới mới. Ngày 18/6/1919, bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” được gửi tới Hội nghị dưới cái tên Nguyễn Ái Quốc.

Hành trình tìm lại dấu chân Người - Bài 3: Bôn ba đi tìm 'hình đất nước'

(giaidauscholar.com) - Ngày 18/1/1919, Hội nghị Hòa bình Versailles được khai mạc tại Paris. 27 quốc gia thắng trận, trong đó có Pháp, đã tập hợp, bàn thảo để chia lợi nhuận và xác lập trật tự thế giới mới. Ngày 18/6/1919, bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” được gửi tới Hội nghị dưới cái tên Nguyễn Ái Quốc.

Tuy không yêu cầu độc lập cho Việt Nam nhưng bản Yêu sách đòi những quyền tự do và bình đẳng, cụ thể như: Tổng ân xá cho tất cả người bản xứ bị án tù chính trị; người bản xứ được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người châu Âu; tự do báo chí và tự do ngôn luận; tự do lập hội và hội họp; tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất ngoại; tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ; thay thế các sắc lệnh bằng các đạo luật.

Bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” đã gây tiếng vang trước dư luận quốc tế, với thông điệp quan trọng nhất là dân tộc Việt Nam mong muốn có được độc lập thực sự, được quốc tế công nhận. Từ đây, thế giới biết đến cái tên: Nguyễn Ái Quốc - Nguyễn yêu nước, yêu dân tộc Việt Nam.

Chú thích ảnh
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tham dự và phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tours, ngày 26/12/1920. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Kiên định trước muôn vàn cạm bẫy

Theo Nhà sử học Pháp Daniel Héméry, đây là bản tuyên ngôn chính trị hiện đại đầu tiên trong lịch sử của Việt Nam. Bản Yêu sách hoàn toàn ôn hòa, chỉ để đòi quyền chính trị, dân chủ cho Việt Nam.

Bằng sự kiên định, công khai và hợp pháp, Nguyễn Ái Quốc là người đầu tiên đưa vấn đề chính trị của Việt Nam ra quốc tế, đòi những quyền cơ bản chính đáng cho Việt Nam. Với việc ký tên dưới bản Yêu sách: “Thay mặt nhóm những người nhân dân An Nam yêu nước - Nguyễn Ái Quốc”, nhà cầm quyền Pháp và dư luận lúc bấy giờ đặt câu hỏi: “Nguyễn Ái Quốc là ai?”

Lo lắng bản Yêu sách sẽ gây tác động không nhỏ và ngày càng được công chúng biết tới khi nhiều đại biểu dự Hội nghị Versailles có được tài liệu này, Bộ thuộc địa của Pháp đã khẩn cấp tiến hành điều tra người thanh niên An Nam này.

Ngày 6/9/1919, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Albert Sarraut đã mời Nguyễn Ái Quốc tới văn phòng để kiểm tra lý lịch. Nhân dịp này, Nguyễn Ái Quốc đã gửi cho Albert Sarraut một bản Yêu sách và khẳng định, cả 8 điểm nêu trong Yêu sách đều còn nguyên vẹn và chưa có điểm nào được giải quyết một cách thỏa đáng.

Trước ảnh hưởng của bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” và cái tên Nguyễn Ái Quốc, Bộ Thuộc địa đã lưu ý đặc biệt về một số người Đông Dương, lập hồ sơ, tiến hành theo dõi mọi hành động của người An Nam làm chính trị tại Pháp và các mối quan hệ của họ với người trong nước.

Trong số các nhân vật chính trị An Nam bị lập hồ sơ theo dõi thì Nguyễn Ái Quốc là cái tên khiến các cơ quan an ninh, tình báo, mật thám chính trị của Pháp đã tốn nhiều sức lực, tiền của, thời gian nhất để điều tra, nhận diện con người bí ẩn này. Từ năm 1919 đến năm 1923, nhất cử nhất động của Nguyễn Ái Quốc đều được ghi chép một cách tỉ mỉ, chi tiết và cẩn trọng. Hàng nghìn trang tư liệu về Người được lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia về các nước thuộc địa, hay còn gọi là Trung tâm lưu trữ hải ngoại, là kho lưu trữ lớn nhất nước Pháp về Đông Dương.

Đã nắm được lý do Nguyễn Ái Quốc tới Pháp nhờ vào nguồn tin từ Đông Dương cung cấp, thế nhưng, mật thám Pháp vẫn phải nhiều lần triệu tập người thanh niên An Nam tới để trực tiếp thẩm vấn, điều tra thân thế. Nguyễn Ái Quốc khai tại Sở mật thám: "Tên tôi là Nguyễn Ái Quốc. Tôi đến Paris được hơn 1 năm nay. Tháng 8 năm ngoái, tôi chuyển tới nhà luật sư Phan Văn Trường. Tôi đã sống tiết kiệm ở đây trong 3 tháng và làm công việc sửa ảnh đến tháng 7 năm ngoái. Sau đó, tôi làm thợ vẽ thuê đồ giả cổ mỹ nghệ Trung Hoa. Từ ngày mùng 10, tôi không làm gì cả vì thất nghiệp. Tôi chưa bao giờ đi lính".

Báo cáo tổng hợp trong hai năm 1920 và 1921 của cảnh sát Paris cũng ghi lại cuộc sống khốn khó của Nguyễn Ái Quốc tại Pháp. Bữa tối của Người chỉ có một mẩu bánh mì và vài miếng xúc xích, cùng chút sữa, vì lúc này gạo rất đắt. Nguyễn Ái Quốc vẽ tranh trên quạt hoặc trên chụp đèn. Công việc này không kiếm được là bao nên cuộc sống kham khổ. Căn phòng Người ở tại quận 17, Paris có không gian vô cùng chật hẹp, phải dùng chung nhà vệ sinh công cộng, không lò sưởi, nước dột mỗi khi trời mưa, rất lạnh vào mùa đông.

Chính quyền Pháp đã rất lo ngại trước những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc, nhất là việc tham gia thành lập các tổ chức hội, nhóm chính trị mà Người trực tiếp chỉ đạo. Từ một thanh niên không có hành động đáng lưu tâm, Nguyễn Ái Quốc bị định danh là nhân vật nguy hiểm số một với nền thống trị của đế quốc.

Theo luật của Pháp, căn cước là giấy tờ bất ly thân của những ai sống tại Pháp. Sống giữa Paris, không có giấy tờ tùy thân có nghĩa là không thể đi đâu và cũng không thể xin được việc làm. Trong một lần thẩm vấn tại Sở mật thám Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã bị thu lại căn cước công dân mang tên Nguyễn Ái Quốc. Chính quyền thực dân Pháp không chỉ quản lý mà còn muốn chặn mọi đường sống của Nguyễn Ái Quốc tại Pháp. Không có giấy tờ, Nguyễn Ái Quốc buộc phải sống bất hợp pháp và như vậy, Người có thể bị cảnh sát bắt bất kỳ lúc nào.

Chú thích ảnh
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 5, họp từ 17/6 - 8/7/1924 ở Moskva, với tư cách là đại biểu của Bộ thuộc địa Đảng Cộng sản Pháp. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Kết nối các dân tộc thuộc địa

Pháp là nơi khai sinh khẩu hiệu “Tự do -Bình đẳng-Bác ái”, thể hiện khát vọng của nhân loại, những điều Nguyễn Ái Quốc từng được nghe tại An Nam. Tuy nhiên, thực tế lại đi ngược với khẩu hiệu của Cách mạng Pháp. Trực tiếp thâm nhập các trung tâm cách mạng để hiểu rõ bản chất và những mâu thuẫn của xã hội tư bản, Nguyễn Ái Quốc đã đến Marseille, Pháp, và chưa bao giờ nghĩ rằng người châu Âu lại phải sống khổ như vậy. Người thấy những người Pháp cũng làm cu li, bốc vác rất cực khổ.

Brocheux Pierre, Nhà sử học Pháp chuyên về lịch sử của Việt Nam và của Đông Dương thuộc Pháp nhận xét: “Nguyễn Ái Quốc tới Pháp vì nghĩ rằng, tại đây ông sẽ học được giá trị của tự do, bình đẳng, bác ái, được tiếp xúc với những phong trào chống lại chế độ thuộc địa. Tôi nghĩ đây là điểm quan trọng để nắm được con đường chính trị của Nguyễn Ái Quốc tại nước Pháp".

Nhờ tận mắt thấy được những mâu thuẫn của chính nước thực dân đang áp bức dân tộc mình, Nguyễn Ái Quốc càng nung nấu quyết tâm dấn thân cho cuộc đấu tranh cách mạng mình đang hướng tới. Ngày 20/9/1919, trong cuộc trao đổi giữa Nguyễn Ái Quốc, Phan Văn Trường, một đại biểu Triều Tiên là Kim Tchong Wen và một phóng viên Mỹ, Nguyễn Ái Quốc đã trả lời khảng khái trả lời các câu hỏi: "Vì sao ông tới Pháp?", "Để đòi những quyền tự do mà chúng tôi phải được hưởng"; "Chương trình của ông là gì?", "Luôn tiến lên phía trước tùy theo sức mạnh của chúng tôi".

Cũng trong cuộc trò chuyện này, Nguyễn Ái Quốc đã nói: “Người Pháp muốn duy trì vĩnh viễn sự bất bình đẳng giữa người An Nam và người Pháp, bòn rút vô tận các sản phẩm đủ loại mà Đông Dương rất sẵn và cố gắng không cho người An Nam tự tạo cho mình một vị trí kinh tế độc lập. Các thứ thuế đủ loại cũng như những biện pháp hạn chế và chế độ giáo dục công cộng đều xuất phát từ những toan tính đó. Bằng cách cản trở văn minh và tiến bộ của dân tộc An Nam, người Pháp vĩnh viễn đặt dân tộc này ra ngoài lề của nền văn minh thế giới và buộc họ phải đáp ứng vô cùng tận những đòi hỏi không ngừng thay đổi của chúng. Trong những năm gần đây, điều kiện sống ở Đông Dương trở nên thảm hại chưa từng thấy”.

Với xuất phát điểm ban đầu là một thanh niên yêu nước, Nguyễn Ái Quốc đã gia nhập Đảng Xã hội Pháp vì cho rằng đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực thuộc địa, theo đuổi lý tưởng của Đại Cách mạng Pháp. Ngày 25/12/1920, Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp đã được tổ chức tại thành phố Tours. Đại hội đánh dấu sự chuyển biến căn bản sang đường lối cách mạng vô sản của những người xã hội cánh tả, đặt cơ sở ra đời của Đảng Cộng sản Pháp. Nguyễn Ái Quốc là đại biểu duy nhất của Đông Dương tham dự Đại hội.

Con đường cứu nước là đây

Cuối năm 1917, Nguyễn Ái Quốc trở lại Pháp với tinh thần ham học và mong muốn được tiếp cận tìm hiểu tri thức của Pháp. Sau những giờ lao động vất vả kiếm sống, Người đã tự học bằng cách dành toàn bộ thời gian rảnh tại các thư viện của Pháp. Nguyễn Ái Quốc đọc rất nhiều, bao gồm cả những kiến thức triết học của nhiều tác giả châu Âu thế kỷ XVIII.

Ngày 16, 17/7/1920, báo “Nhân đạo”, cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Pháp đã đăng bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin. Người thanh niên An Nam lúc này còn chưa hiểu rõ tư tưởng của người sáng lập nên Quốc tế Cộng sản. Người đọc đi đọc lại nhiều lần và cuối cùng cùng cũng hiểu được phần chính.

Sau này, năm 1960, trong bài “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin”, Người viết: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng cho chúng ta!”. Từ đó, Nguyễn Ái Quốc kiên định con đường mình lựa chọn, hoàn toàn tin tưởng V.I.Lênin, tin tưởng cách mạng Nga và Quốc tế vô sản.

Đến thời điểm này, Chính quyền Pháp đã hiểu được tài năng và ý chí của Nguyễn Ái Quốc. Họ hiểu được Nguyễn Ái Quốc đã trở thành trụ cột, sợi dây liên kết gắn chặt cộng đồng người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Ảnh hưởng của tổ chức này ngày càng lan rộng, trực tiếp đe dọa sự cai trị của người Pháp ở các thuộc địa và Đông Dương.

Chú thích ảnh
Năm 1921, để tập hợp các lực lượng cùng chí hướng, Nguyễn Ái Quốc cùng một số đồng chí châu Á có mặt ở Paris sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa, Hội ra tờ báo: "Người cùng khổ" làm cơ quan ngôn luận của Hội. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

"Người cùng khổ" - Bản án với chế độ thực dân

Nhắc đến hành trình của Nguyễn Ái Quốc trên đất Pháp, không thể không nhắc tới tờ báo Người cùng khổ “Le Paria”. Bất chấp các cuộc điều tra, theo dõi căng thẳng của cảnh sát Pháp, ngày 1/4/1922, công chúng Pháp đã bất ngờ nhận được trên tay ấn phẩm đặc biệt, tờ báo có tên gọi “Người cùng khổ” với mục tiêu trở thành diễn đàn của các dân tộc thuộc địa.

Tồn tại trong khoảng 4 năm, đã có 38 số báo Người cùng khổ được phát hành. Số đầu tiên của tờ báo có lời chào mừng bạn đọc: “Trong lịch sử của quần chúng bản xứ các thuộc địa của Pháp, chưa có một tờ báo nào lập ra để kêu to sự thống khổ và sự nghèo nàn chung của họ, không phân biệt xứ sở và chủng tộc. Báo Người cùng khổ ra đời do sự thông cảm chung của các đồng chí ở Bắc Phi, Trung Phi và Tây Phi thuộc Pháp, ở Madagascar, Đông Dương, Antilles và Guyam”.

Duy trì một tờ báo giữa Paris lúc đó, trong điều kiện vốn không có, giá cả ngày càng đắt đỏ, chính quyền Pháp thì gây áp lực và khó khăn, đòi hỏi Nguyễn Ái Quốc phải tốn rất nhiều công sức. Bằng mọi giá, Nguyễn Ái Quốc quyết tâm duy trì hoạt động của báo. Mỗi cuộc họp của Hội liên hiệp thuộc địa, của Tòa soạn, mọi người lại quyên góp tiền cho số báo sau. Trung ương Đảng Cộng sản Pháp khi đó quyết định giúp cho đảng bộ thuộc địa và báo Người cùng khổ mỗi tháng 350 phơ răng. Riêng Nguyễn Ái Quốc ủng hộ rất đều cho báo mỗi tháng 25 phơ răng, Người nói với các đồng chí của mình: “Chúng ta phải bằng bất cứ giá nào làm cho tờ báo sống. Nó mất đi sẽ là tổn hại to lớn đối với tổ chức, và nhất là đối với công tác tuyên truyền lúc này cần thiết hơn lúc nào hết”.

Là người phụ trách chính trong việc xuất bản báo Người cùng khổ, Nguyễn Ái Quốc còn tổ chức ban biên tập, tòa soạn, viết bài, sửa chữa, đưa đi in, rồi đem báo về tòa soạn, gửi báo đi các thuộc địa, trực tiếp đi bán báo.

Với 7 bút danh khác nhau, trong 38 số báo Người cùng khổ ra trong 4 năm từ tháng 4/1922 đến tháng 4/1926, Nguyễn Ái Quốc viết bài thuộc nhiều thể loại như xã luận, bình luận, tin ngắn, tiểu phẩm, truyện ký, dịch thuật... đồng thời vẽ cả tranh châm biếm. Nội dung chủ yếu của báo là tố cáo những hành động vô cùng tàn bạo của chính quyền thực dân tại các thuộc địa, nhất là ở Đông Dương. Bằng ngòi bút sắc bén, Nguyễn Ái Quốc đã nêu một bức tranh toàn cảnh về chế độ thuộc địa của thực dân Pháp ở Đông Dương.

Tháng 6/1923, trước khi rời nước Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã viết thư gửi lại các đồng chí của mình. Người viết: “Hội Liên hiệp thuộc địa và tờ báo Người cùng khổ đã làm cho nước Pháp chân chính hiểu rõ những việc đã xảy ra trong các thuộc địa, làm cho nước Pháp hiểu rõ bọn cá mập thực dân đã lợi dụng tên tuổi và danh dự của nước Pháp để gây nên những tội ác không thể tưởng tượng được. Nó đã thức tỉnh đồng bào chúng ta. Đồng thời nó cũng khiến cho đồng bào chúng ta nhận rõ nước Pháp tự do, bình đẳng và bác ái. Nhưng chúng ta còn phải làm nhiều hơn”.

Mạng lưới an ninh Pháp đánh giá tờ báo có tác động lớn tới việc thức tỉnh và kêu gọi người dân các nước thuộc địa, nhất là ở Đông Dương và Bắc Phi hành động vì quyền lợi của chính mình.

Tháng 6/1923, theo yêu cầu của Quốc tế Cộng sản đào tạo Nguyễn Ái Quốc trở thành lãnh tụ tương lai cho cách mạng Đông Dương, Quốc tế Cộng sản cùng với Đảng Cộng sản Pháp tổ chức cho Nguyễn Ái Quốc đến Nga. Rời nước Pháp với con đường cứu nước trong tim, Nguyễn Ái Quốc để lại hình ảnh đẹp về một chiến sỹ quốc tế đấu tranh cho giải phóng dân tộc thuộc địa, chân chính thực hiện lý tưởng cao đẹp của Đại cách mạng Pháp: Tự do-Bình đẳng-Bác ái.

Bài 4: Khẳng định con đường giải phóng dân tộc

Thu Phương-Hạnh Quỳnh/TTXVN