01/11/2022 16:17 GMT+7 | Văn hóa - Giải trí
Bỏ lại chiếc chân giả ngoài đường pitch, các cầu thủ chống nạng vào sân để cảm thấy họ vẫn được chơi, được trình diễn và cống hiến một lối bóng đá mà mình thuộc về.
Luanda là một thành phố biển nằm ngay bên bờ Đại Tây Dương. Đó là thành phố lớn nhất và cũng là thủ đô của Angola, đất nước Trung Phi rộng lớn nhưng bị kẹp trọn vẹn dưới vành đai nhiệt đới Nam Bán Cầu.
Khí hậu không thích hợp cho những hoạt động đòi hỏi nhiều thể lực vào ban ngày. Phải đợi khi hoàng hôn buông xuống, đời sống thể thao của người dân ở Luanda mới trở nên sôi động.
Hôm nay là một ngày đẹp trời trên Estádio dos Coqueiros - sân vận động nhỏ có từ thời thuộc địa này là nơi đang diễn ra buổi tập của một đội bóng đá đặc biệt. Họ là những chiến binh đã mang về cho Angola chức vô địch thế giới vào năm 2018.
Không phải đội tuyển bóng đá nam quốc gia, đây là buổi tập của đội bóng đá khuyết tật Angola, những tuyển thủ đang miệt mài cắm nạng xuống sân cỏ, chơi bóng chỉ bằng một chân và ăn mừng bằng bàn thắng với những cú nhảy lò cò đầy sung sướng.
"Tôi cảm thấy biết ơn vì Chúa đã cho tôi cơ hội được ở đây", Hilário Kufula, 33 tuổi, đội trưởng của đội bóng đá khuyết tật Angola cho biết. Phía sau anh, những tiếng nạng lách cách của đồng đội vẫn đang vang lên.
"Chúa đã cho tôi cơ hội được chơi và phát triển môn thể thao này, được cống hiến vì màu cờ sắc áo. Chúng tôi đã giành chức vô địch thế giới và đưa tên tuổi của đất nước mình, Angola, lên một tầm cao mới".
***
Nhắc đến Angola từ trước tới nay, thường thì người ta sẽ hình dung về một đất nước Châu Phi nghèo đói với nền chính trị đầy bất ổn. Đó là hậu quả của 3 thế kỷ mà Angola bị biến thành thuộc địa dưới ách thống trị của thực dân Bồ Đào Nha. Cộng thêm gần 3 thập kỷ nội chiến ròng rã kéo dài đã làm khánh kiệt đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân.
Cứ nhìn vào đội bóng đá khuyết tật của họ để hiểu nỗi đau mà chiến tranh đã để lại: 15 cầu thủ thì chỉ có 2 người sinh ra với dị tật bẩm sinh, một người bị bại liệt. 12 cầu thủ còn lại đều mất một chân vì tai nạn - chủ yếu là do bom mìn sót lại.
Cũng giống như Angola, nhiều quốc gia khác trên thế giới như Iraq, Liberia và Colombia cũng có đội tuyển bóng đá khuyết tật mạnh - chỉ vì họ đã tập hợp được một số lượng lớn những nạn nhân chiến tranh, những người trẻ còn đủ nghị lực, ý chí và chia sẻ niềm đam mê với môn thể thao vua.
Ở vào hoàn cảnh của họ, sẽ không có nhiều người đủ niềm tin rằng khi chỉ còn một chân, người ta vẫn có thể - và có quyền - chơi cũng như trình diễn một trận đấu bóng đá.
Lịch sử của bóng đá khuyết tật bắt đầu vào năm 1982, trong một buổi chiều tại thành phố Seattle bên bờ tây nước Mỹ. Don Bennett khi ấy đang trông cậu con trai của mình chơi bóng rổ trong vườn nhà.
Nói về Don, anh ấy là một người yêu thích thể thao mạo hiểm, đặc biệt là trượt tuyết, leo núi và chèo thuyền. Nhưng trong một chuyến đi chèo thuyền, Don bị ngã xuống nước. Một bên chân của anh không may bị cuốn vào chân vịt.
Tai nạn đã khiến Don phải cắt cụt chi. Nhưng điều đó không làm nguôi niềm đam mê thể thao của anh. Don Bennett tập leo núi bằng nạng và trở thành người khuyết tật đầu tiên chinh phục thành công Rainier, đỉnh núi cao thứ hai ở Bắc Mỹ.
Anh cũng tập hợp được một nhóm 7 người khuyết tật giống mình để duy trì niềm đam mê trượt tuyết. Nhưng đó là mùa hè năm 1982, tuyết chưa rơi và Don đang nhìn cậu con trai nhỏ của mình chơi bóng rổ trong vườn nhà.
Một thoáng chốc, quả bóng đã trốn thoát khỏi tay của cậu bé. Nó lăn qua hàng rào và hướng về phía đường xe chạy. Don ngay lập tức đứng dậy, anh chống nạng như bay về phía quả bóng. Dùng một chân còn lại của mình, Don khống chế nó thành công rồi đá quả bóng rổ trở lại vườn cho con trai mình.
Cú đá của Don được coi là cú đá lịch sử cho bộ môn bóng đá khuyết tật. Bởi sau đó, anh đã tập hợp nhóm trượt tuyết của mình lại và thuyết phục họ với một ý tưởng: "Tại sao chúng ta không chơi bóng đá theo cách như thế?".
Vậy là để vượt qua những mùa hè đầy nhàm chán, nhóm trượt tuyết gồm toàn những người khuyết tật của Don Bennett đã thử chơi bóng đá bằng nạng. Họ mượn những sân bóng 7 người, phác thảo ra những điều luật hết sức thô sơ và bắt đầu thử nghiệm chúng.
Chẳng hạn như, người chơi bóng đá khuyết tật chỉ được phép sử dụng một chân để khống chế bóng. Để công bằng, ngay cả khi chân bên kia của họ còn lại ngắn hay dài, các cầu thủ cũng không được sử dụng bất kỳ phần nào của nó để chạm bóng.
Những người bị cắt cụt cả hai chân thì có thể lắp một bên chân giả để chơi. Ngoài ra, không cầu thủ nào trên sân được sử dụng thiết bị hỗ trợ khác, trừ một cặp nạng tiêu chuẩn bằng kim loại.
Nạng, giống như một phần kéo dài của tay, chỉ được sử dụng để di chuyển. Cầu thủ cố tình để bóng chạm vào nạng sẽ bị thổi phạt giống như lỗi dùng tay chơi bóng. Tất nhiên, họ sẽ đá biên thay vì ném. Nhưng luật đá phạt đền, penanty hay phạt góc vẫn được giữ lại.
Đó là cách mà bộ môn bóng đá dành cho người khuyết tật được thai nghén ở Seattle. Không lâu sau đó, những trận bóng của Don Bennett và đồng đội đã lan tới tai Bill Barry, một thành viên của Hiệp hội Thể thao và Giải trí cho Người khuyết tật trong thành phố.
Bill vốn là một huấn luyện viên bóng đá chuyên nghiệp, ông từng dẫn dắt nhiều câu lạc bộ ở Canada và Mỹ. Khi thấy được tiềm năng của bộ môn bóng đá mà Don Bennett đã phát minh, Bill đề nghị được hợp tác.
Ông nói mình sẽ thành lập một liên đoàn bóng đá dành cho người khuyết tật ở Hoa Kỳ, thậm chí nó có thể phát triển thành một liên đoàn cấp quốc tế. Điều này sẽ cho phép họ phổ biến môn thể thao này một cách rộng rãi, thành lập nhiều đội bóng hơn, ở nhiều quốc gia và mơ đến một giải đấu World Cup.
Trong suốt thập niên 1980, Don Bennett và Bill Barry đã bay tới nhiều quốc gia trên thế giới để trình diễn và phổ biến bộ môn bóng đá khuyết tật.
Don Bennett hoàn toàn đồng ý với ý tưởng của Bill. Và thế là trong nhiều năm liên tiếp, họ cùng nhau bay tới nhiều quốc gia ở Trung Mỹ và Châu Âu để giới thiệu và trình diễn môn thể thao này.
Liên đoàn Bóng đá Quốc tế dành cho người khuyết tật cũng nhanh chóng được thành lập. Cùng với nhau, họ tiếp tục hoàn thiện các điều luật cho bộ môn thể thao, ví dụ như ấn định kích thước sân thi đấu là 60x40m, kích thước cầu gôn là 5x2,15m.
Mỗi trận đấu bóng đá khuyết tật sẽ kéo dài 2 hiệp, mỗi hiệp 25 phút và có 10 phút nghỉ giải lao giữa giờ. Các đội bóng sẽ có 7 người, trong đó có 6 cầu thủ và một thủ môn.
Các cầu thủ phải đảm bảo là những người bị khuyết ít nhất một trong hai chi dưới. Khiếm khuyết nhỏ nhất được tính từ mắt cá chân trở xuống, khiến họ bắt buộc phải sử dụng nạng để di chuyển khi không có chân giả.
Riêng đối với thủ môn, khuyết tật sẽ được tính với phần chi trên của họ. Nghĩa là các thủ môn cũng chỉ được sử dụng một bên tay lành lặn để bắt bóng.
Vì các cầu thủ đều di chuyển tương đối khó khăn, luật việt vị không được áp dụng trong bóng đá khuyết tật. Nhưng họ sẽ vẫn sử dụng quả bóng tiêu chuẩn FIFA như bình thường.
Bóng đá dành cho người khuyết tật phát triển đến năm 1984 thì một giải đấu quốc tế đầu tiên được tổ chức tại Seattle. Đó được tính là kỳ World Cup bóng đá khuyết tật đầu tiên trong lịch sử dù thời điểm đó mới chỉ có 3 đội tham gia là Mỹ, Canada và El Salvador. Tuy nhiên, không lâu sau, nhiều quốc gia đã hưởng ứng phong trào, từ Anh, Brazil, Ấn Độ, cho tới Nga và Uzbekistan…
Tính đến năm 2022, đã có 17 giải bóng đá World Cup dành cho người khuyết tật được tổ chức. Các đội bóng ở nhiều lục địa thậm chí đã phải thi đấu vòng loại với nhau, bởi chỉ có 24 suất đá chính trong vòng chung kết, trong khi số lượng quốc gia có đội bóng đá khuyết tật đã tăng lên tới hơn 50.
Bóng đá dành cho người khuyết tật lần đầu tiên được giới thiệu tại Angola vào năm 1997, thông qua một chương trình thiện nguyện của Tổ chức Cựu chiến binh Mỹ. Được gọi là Sáng kiến Thể thao cho Cuộc sống, chương trình này nhắm đến việc tổ chức những hoạt động phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn sau chiến tranh.
Để làm được điều đó, những cựu chiến binh Mỹ đã xây dựng một trung tâm phục hồi chức năng ở Moxico – một tỉnh miền đông Angola, nơi từng diễn ra nhiều trận đánh khốc liệt trong cuộc nội chiến của họ.
Một trong số những người sáng lập trung tâm này là Augusto Baptista, huấn luyện viên của đội tuyển bóng đá khuyết tật Angola. Baptista cho biết: "Từ năm 1997 đến năm 2014, khoảng 80% thành viên của đội tuyển quốc gia Angola là những nạn nhân của bom mìn".
Đất nước Trung Phi hiện có hơn 88.000 người khuyết tật do bom mìn sót lại gây ra, biến họ trở thành một trong những quốc gia đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ bom mìn sót lại sau chiến tranh.
Mines Advisory Group (MAG), một tổ chức rà phá bom mìn cho biết, rải rác trên khắp lãnh thổ Angola vẫn còn hàng triệu quả mìn, bom chùm và bom chưa nổ các loại. Trong đó, tỉnh Moxico là một điểm nóng.
Sabino António Joaquim, cựu đội trưởng 38 tuổi và là thành viên lớn tuổi nhất của đội bóng đá khuyết tật Angola cho biết chính anh là một người con đã lớn lên ở Moxico. Năm 9 tuổi, trong một lần theo mẹ đi làm thuê, Joaquim đã giẫm phải một quả mìn và bị mất nửa dưới bên chân phải.
Đối với một đứa bé 9 tuổi, đó là thảm họa dập tắt mọi mơ, ước nhất là việc được chơi bóng. "Nhưng bây giờ thì tôi rất hạnh phúc", Joaquim nói. "Bây giờ tôi là một cầu thủ bóng đá và đang sống một cuộc sống mà tôi không thể tưởng tượng được".
Celestino Elias, một tuyển thủ khác trong đội bóng chia sẻ những ký ức và cảm xúc tương tự. Elias sinh ra ở tỉnh Huambo và cũng giẫm phải một quả mìn năm anh lên 5 tuổi. Tai nạn tước đi mọi tấm vé tham gia vào những trận cầu chính thức trong thời học sinh của Elias.
Mặc dù bạn bè vẫn giúp cậu ấy tham gia cùng đội bóng trong những buổi đá tập: Elias chơi trong đội ở vị trí phòng ngự, với một cặp nạng. Nhưng khi có trận đấu chính thức, cậu ngay lập tức sẽ bị gạt ra ngoài.
"Họ nói rằng tôi không thể chơi với nạng được", Elias, giờ đã 32 tuổi nhưng vẫn buồn khi nhớ về khoảng thời gian thơ ấu.
Tuy nhiên, ngay sau khi được giới thiệu tới với bóng đá dành cho người khuyết tật ở Angola, Elias lập tức trở thành ngôi sao. Với kinh nghiệm chơi bóng bằng nạng từ nhỏ, anh được tuyển chọn vào đội tuyển quốc gia và từng giúp đội bóng đá khuyết tật Angola dành chức vô địch World Cup năm 2018.
Đó là năm họ đã vượt qua đội tuyển Thổ Nhĩ Kỳ với tỷ số 5-4 trong loạt sút luân lưu đầy kịch tính. Sau giải đấu đó, Elias cũng đã được vinh danh là cầu thủ khuyết tật xuất sắc nhất thế giới.
Không có gì phải nghi ngờ, danh hiệu vô địch thế giới của đội tuyển bóng đá khuyết tật Angola năm 2018 chính là chiến tích vĩ đại nhất trong lịch sử thể thao của đất nước Trung Phi này.
Nhìn lại gần 50 năm kể từ khi Angola tuyên bố độc lập khỏi Bồ Đào Nha năm 1975, họ mới chỉ một lần xuất hiện trong vòng chung kết FIFA World Cup năm 2006, nơi đội tuyển thua cả 3 trận vòng bảng và ghi được vỏn vẹn một bàn.
Thành tích trong các kỳ thế vận hội mà Angola tham dự, thậm chí, còn đáng quên hơn. Họ chưa giành được bất kỳ một huy chương Olympic nào, kể cả huy chương đồng.
Một lần nữa, đó chính là minh chứng cho hậu quả mà chiến tranh để lại cho Angola cùng 34 triệu người dân của mình. Độc lập chẳng được bao lâu thì họ tiếp tục lao vào những cuộc nội chiến liên tiếp nhau.
Hàng triệu người dân Angola sau đó đã phải sơ tán, hàng trăm ngàn người thiệt mạng trong những thành phố đổ nát hoang tàn. Phần lớn đất nước sau đó đã bị cô lập với phần còn lại của thế giới.
Tới tận năm 2002, nội chiến mới kết thúc đưa Angola bước vào thời kỳ tái thiết. Chiến thắng của đội tuyển bóng đá khuyết tật quốc gia năm 2018 - vì vậy, có ý nghĩa vô cùng quan trọng với Angola.
Đó là một minh chứng thể hiện tiềm năng của đất nước Trung Phi trên trường quốc tế. Nó cũng cho thấy người dân Angola đã vượt qua được bi kịch của chính mình và đạt được tới những thành công đáng được ghi nhận.
Kufula, đội trưởng của đội tuyển bóng đá khuyết tật Angola nhớ lại vinh quang của chức vô địch năm ấy: "Trở về nhà với sự tiếp đón của người dân Angola, được lái xe quanh thành phố trong sự vây quanh của mọi người, tất cả những gì tôi có thể làm là khóc".
Sân bay Luanda hôm đó ngập tràn cổ động viên và hâm mộ chờ đón những chiến binh khải hoàn. Họ cầm theo cờ và mặc những bộ quần áo trùng với màu đỏ, đen của quốc kỳ.
Kufula nhớ rằng anh và các đồng đội của mình đã ngồi lên trên nóc của một chiếc xe tải lớn. Họ được cảnh sát đã hộ tống ra từ sân bay để rồi hòa vào dòng người diễu hành qua khắp các con phố.
Chức vô định đã lập tức biến những cầu thủ khuyết tật ở Angola thành người hùng. Ngày hôm sau, họ được đích thân Tổng thống João Lourenço mời tham dự một buổi tiệc vinh danh. Mỗi tuyển thủ đều được tặng hẳn một ngôi nhà ở thủ đô Luanda như phần thưởng cho chiến thắng của họ.
"Chúng tôi đã có thể thể hiện tài năng mà chúng tôi có ở Châu Phi với toàn thế giới", Jesus Morais, một tiền vệ 31 tuổi bị mất chân sau một chấn thương năm lên 8 tuổi cho biết.
"Điều đó khiến gia đình tôi rất vui. Họ tự hào khi có một người con làm rạng danh dân tộc, bảo vệ màu cờ sắc áo của Tổ quốc. Điều đó luôn thúc đẩy và tiếp thêm sức mạnh cho tôi. Chỉ cần tôi còn sống, tôi sẽ luôn tôn vinh màu cờ sắc áo của Angola".
Trong hơn 2 thập kỷ làm việc và dẫn dắt đội tuyển bóng đá khuyết tật Angola, Baptista cho biết với số lượng lớn những thương tích lớn do bom mìn gây ra ở đất nước Trung Phi này, việc tham gia vào các môn thể thao bao gồm bóng đá, chính là cách giúp những người khuyết tật thoát khỏi sự đau buồn.
Qua môn thể thao này, họ cũng tìm được cảm giác kết nối và thuộc về trong xã hội. Các cầu thủ cảm thấy họ được chơi, được trình diễn và được cống hiến. Họ thấy mình hoàn toàn có thể xây dựng được một cuộc đời mới, vượt lên khỏi sự khuyết tật của bản thân mình.
Câu chuyện bây giờ đã không còn chỉ là một chiến thắng World Cup. Các cầu thủ bóng đá khuyết tật ở Angola không chỉ tập luyện cho một giải đấu được tổ chức 4 năm một lần. Họ đang tham gia cả vào những giải bóng đá khuyết tật chuyên nghiệp ở quốc nội cũng như hải ngoại.
Ít ai biết những tuyển thủ bóng đá khuyết tật cũng có thể xây dựng một sự nghiệp sân cỏ cho mình. Với hơn 50 quốc gia thành viên đã tham gia vào Liên đoàn Bóng đá Người khuyết tật Thế giới, họ đang tạo điều kiện cho các cầu thủ trên toàn cầu thi đấu.
Các giải bóng đá quốc nội chuyên nghiệp dành cho người khuyết tật đã được tổ chức ở Châu Âu, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ, cho phép những cầu thủ chuyển tới đó thi đấu và được trả lương.
Angola hiện có 5 tuyển thủ bóng đá khuyết tật đang thi đấu ở nước ngoài, trong các giải chuyên nghiệp. Hai tuyển thủ - Heno Guilherme và João Chiquete - đã giành được danh hiệu Champions League Châu Âu trong màu áo của Etimesgut Amputee Sport Club, một câu lạc bộ Thổ Nhĩ Kỳ.
Guilherme, 30 tuổi, bị mất chân phải trong một vụ tai nạn ô tô năm lên 4. Trong sự nghiệp chuyên nghiệp kéo dài 13 năm của mình, anh ấy đã giành chức vô địch World Cup, Champions League, Cúp bóng đá Châu Phi và nhiều danh hiệu vô địch giải đấu quốc nội Angola cũng như Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài những giải thưởng cá nhân và chuyên nghiệp, Guilherme nói rằng điều quan trọng nhất mà anh ấy giành được trong sự nghiệp của mình là sự công nhận của gia đình và đất nước.
"Gia đình và bạn bè của tôi rất tự hào về những gì chúng tôi đã đạt được", Guilherme nói. "Mọi người đều tự hào về những gì chúng tôi đang làm, và những thành tựu của chúng tôi đều đại diện cho đất nước của mình, Angola".
Thanh Long
Nguồn và Ảnh: National Geographic, Usampsoccer, Iospress, Jiff, Drawinghope, Allafrica, Aa, Cdapress
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất