Văn học thiếu nhi đương đại đang chứng kiến sự tham gia ngày càng rõ nét của một lực lượng tác giả trẻ - những cây bút mới sáng tác với tâm thế nhập cuộc, góp phần làm nên diện mạo tươi mới cho dòng văn học này.
Sự hiện diện của họ không chỉ tạo nên những thay đổi đáng kể về lượng và chất tác phẩm, mà còn thổi một luồng sinh khí mới vào mảng văn học thiếu nhi - từng có lúc tưởng như chững lại sau một thời kỳ hoàng kim trước đây.
Một trong những minh chứng nổi bật và dễ nhận thấy nhất cho "chuyển động trẻ" này chính là sự xuất hiện của đông đảo người viết mới được ghi nhận tại các cuộc thi, giải thưởng văn học nghệ thuật thiếu nhi uy tín trong vài năm gần đây.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, một làn sóng các giải thưởng văn học nghệ thuật thiếu nhi quy mô, uy tín liên tiếp xuất hiện, khiến bầu không khí sáng tác về đề tài này trở nên sôi động hơn.
Được khởi xướng rất sớm trong làn sóng này là Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn, do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tổ chức từ năm 2020. Tính đến nay, giải đã trải qua 6 mùa. Ngay từ khi ra đời, Dế Mèn hướng tới mục tiêu khích lệ các sáng tác, trình diễn nghệ thuật của thiếu nhi và vì thiếu nhi - một lĩnh vực còn thiếu vắng các giải thưởng chuyên nghiệp, có định hướng lâu dài.
Ngay sau Dế Mèn, đầu năm 2022, Hội Nhà văn Việt Nam chính thức phát động Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi kéo dài trong 5 năm. Đợt trao giải đầu tiên đã được công bố vào tháng 12/2023, với 16 tác giả và tác phẩm được vinh danh. Đợt 2 đang diễn ra, dự kiến kéo dài đến tháng 7/2026. Cuộc vận động đặt ra 2 mục tiêu chính: Nuôi dưỡng tâm hồn thiếu nhi thông qua những giá trị nhân văn, sáng tạo; và làm phong phú đời sống văn học thiếu nhi, đồng thời phát hiện, bồi dưỡng các cây bút trẻ tài năng.
Gần nhất, giữa năm 2023, NXB Kim Đồng đã thành lập Giải thưởng Văn học Kim Đồng gắn liền với cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi giai đoạn 2023 - 2025. Mục tiêu của giải thưởng là tìm kiếm những cây bút tài năng mới, đưa đến cho bạn đọc nhỏ tuổi những tác phẩm giàu tính nghệ thuật, giàu ý nghĩa nhân văn về con người và đất nước Việt Nam.
Rõ ràng, cùng với một số sân chơi sáng tác khác việc liên tiếp ra đời 3 giải thưởng chuyên biệt quy mô dành cho thiếu nhi trong thời gian ngắn, cho thấy mối quan tâm ngày càng rõ nét từ các tổ chức chuyên môn, đơn vị xuất bản, hội nghề nghiệp… với đời sống văn học thiếu nhi. Điểm chung của các giải thưởng này là đều hướng đến phát hiện nhân tố mới, nâng cao chất lượng sáng tác và làm phong phú thêm diện mạo văn học viết cho thiếu nhi.
Cụ thể, cách đây gần 1 tháng, cả Giải thưởng Dế Mèn năm 2025 và Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ Nhất đều tổng kết và trao giải, với điểm chung nổi bật: Sự lên ngôi của các cây bút trẻ.
Tại giải Dế Mèn, 3/4 giải Khát vọng Dế Mèn ở lĩnh vực văn học đã vinh danh các tác giả trẻ. Tiêu biểu là Dy Duyên, sinh năm 1987, có đến 2 tác phẩm được trao giải: Từ những ruộng rau ở nông trại Cúc Cu và Những thứ bạn dùng để lấp một cái hố. Tác phẩm đầu tay viết cho thiếu nhi của cô là Cúc dại tia nắng chỉ mới được viết vào năm 2019.
Một gương mặt đáng chú ý khác là Lý Thăng Long, sinh năm 2000, được trao giải với bản thảo tập thơ Có một Trái đất phẳng trong mắt em. Trước đó, tác giả này có tập truyện đầu tay Dậy thì mới kì làm sao viết cho tuổi thiếu niên xuất bản năm 2021. Bên cạnh đó, tác giả 8X Nguyễn Hoàng Diệu Thủy cũng được vinh danh ở hạng mục này với tập truyện Cuốn cổ thư của một mẫu thần. Cô cũng là cây viết mới viết cho thiếu nhi với tác phẩm đầu tay Trong vòng tay mẹ (2021), sau đó là Đu đưa trên ngọn cây bàng từng nhận Giải Khát vọng Dế Mèn 2022.
Ở các mùa giải trước, Dế Mèn cũng đã chắp cánh cho nhiều cây bút trẻ như: Lã Thanh Hà, Lạc An, Mộc An, Lữ Mai, Vũ Thị Thanh Tâm, May, Nguyễn Chí Ngoan… Đặc biệt trong 6 mùa giải Dế Mèn đã có 8 tác giả là thiếu nhi được vinh danh, trong đó mảng văn học có Cao Khải An, Nguyễn Vũ An Băng, Đoàn Lữ Thụy Phương, Lê Sinh Hùng.
Trong khi đó, Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ Nhất cũng gây ấn tượng với sự áp đảo của các tác giả trẻ. Từ hơn 600 tác phẩm dự thi, hội đồng tuyển chọn đã chọn ra 11 tác phẩm xuất sắc nhất, trong đó 10/11 giải được trao cho các cây bút trẻ từ thế hệ 8X trở xuống, với sự góp mặt nổi bật của nhiều tác giả 9X, 2000. Giải Nhất được trao cho Giai Du, sinh năm 2001 với tác phẩm Nên làm gì khi trời nổi gió.
Không thể phủ nhận, sự nhập cuộc của đông đảo tác giả trẻ tại các cuộc thi, các giải thưởng trong thời gian qua đã phần nào khỏa lấp những khoảng trống về đội ngũ, số lượng và chất lượng tác phẩm viết cho thiếu nhi - điều từ lâu từng là mối lo ngại và khiến giới văn chương lên tiếng cảnh báo.
Theo đó, từ kết quả của Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ Nhất, nhà văn Trần Đức Tiến (Chủ tịch Hội đồng Chung khảo) bày tỏ: "Nhìn vào đội ngũ tác giả và số lượng hơn 600 tác phẩm, khó có thể nhận định một cách chủ quan, hời hợt theo thói quen của một số người bị hạn chế khả năng cập nhật tình hình sáng tác: Văn học thiếu nhi của chúng ta "ngủ quên", tác phẩm viết cho các em còn thưa vắng và non yếu".
"Qua kết quả cuộc vận động, thấy khá rõ sự "chuyển giao thế hệ" giữa những người viết. Bên cạnh một số tác giả tâm huyết với văn học thiếu nhi, mặc dù không còn trẻ, vẫn có tác phẩm xứng đáng được vinh danh, phần lớn những người còn lại ở độ tuổi 40 trở xuống. Họ tiếp cận dễ dàng với các em bằng sự tươi tắn, trong sáng, hồn nhiên chưa bị phai mờ bởi thời gian" - ông Tiến nhấn mạnh.
Nhà văn nói tiếp "Có thể nói: âm hưởng chính của Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần này là âm hưởng của cuộc "giao lưu", trò chuyện thân tình, đồng cảm giữa những người viết trẻ và bạn đọc trẻ. Viết hay, người tài mà trẻ thì càng đáng mừng. Họ là tương lai của nền văn học nói chung, và văn học thiếu nhi nói riêng".
Ở góc nhìn khác, từ kết quả của Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi đợt 1 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, nhà văn Nguyễn Bình Phương (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) cũng nhấn mạnh, "sự xuất hiện nhiều gương mặt tác giả mới với nhiều hứa hẹn mang tới sinh khí mới cho thể loại này".
Cụ thể, nội dung cũng như hình thức thể hiện của các tác phẩm tham gia cho thấy sự phong phú mà văn học viết cho thiếu nhi có thể chạm tới. Đó là cách viết hết sức đa dạng, sinh động, giàu mỹ cảm với sự pha trộn của nhiều hình thức thể loại, thoát khỏi sự câu nệ vào các quy chuẩn, cũng như những khuôn sáo, để tiến đến sự diễn đạt, truyền đạt tốt nhất, chính xác nhất. Tín hiệu này cho thấy các tác giả đã chú trọng cân bằng cả nội dung lẫn hình thức để gia tăng độ gần gũi cũng như tính thuyết phục, cuốn hút với bạn đọc thiếu nhi.
Còn với Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn, PGS-TS Văn Giá (thành viên Hội đồng giám khảo) cho rằng, chặng đường 6 năm của Dế Mèn đưa lại một cảm giác rất yên tâm.
"Mừng ở chỗ, chúng ta phát hiện được những tác phẩm xứng đáng, trong đó có khá nhiều tác giả mới, lần đầu tiên xuất hiện, và họ đã chững chạc bước vào hệ thống giải thưởng. Giải thưởng không chỉ là nơi phát hiện mà còn góp phần làm giàu có lên nền văn học thiếu nhi Việt Nam hôm nay" - ông Giá khẳng định.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất