Chuyện Hà Nội: Đây lắng hồn núi sông ngàn năm

12/01/2015 08:01 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Không biết từ bao giờ mỗi khi đi đâu hay trở về Hà Nội bằng máy bay, tôi đều mê đắm ngắm thành phố của mình qua cửa số phi cơ. Chao ôi, phía dưới là một không gian Hà Nội hiện ra rất dễ nhận biết, bởi có sông Hồng.

Con sông Mẹ lạ lùng nước đỏ. Một dòng sông nước đỏ chảy ngoằn ngoèo trên nền màu xanh châu thổ và cây cầu sắt Long Biên dáng rồng vắt qua sông… Hà Nội rõ dần trong mắt.

Nhìn từ cao, Hồ Gươm chỉ như một cái công viên, mùa Hè thì nó như một cái lẵng hoa nhỏ. Giữa hồ lục thủy ấy có bóng tháp Rùa như vật thiêng định vị trung tâm Hà Nội từ tầm nhìn xa…

Bây giờ tôi đã ở cạnh Hồ Gươm. Bao nhiêu lần có mặt bên hồ mà sao lòng ta nhiều tâm trạng khác nhau khi ở những góc khác nhau của không gian thiêng ấy. Hiếm có hồ nước nào mang một màu xanh như vậy. Sóng nhẹ lăn tăn, mặt hồ phẳng lặng soi bóng những hàng cây ven bờ. Những hàng cây bên hồ đẹp và mùa nào hoa ấy rực rỡ tô thắm cho một cảnh quang thơ mộng.

Hà Nội với rất nhiều cổ tích. Những di tích kiến trúc cổ và cũ cho ta vẻ đẹp dịu dàng. Hà Nội đẹp vì nó được xây dựng bởi những ý tưởng văn hóa. Xưa Kẻ Chợ trên bến dưới thuyền, vẻ sầm uất xưa còn bóng dáng trong những kiến trúc phố cổ.

Đây Nhà hát Lớn và đây là Viện Viễn Đông bác cổ mang vẻ đẹp tráng lệ nhưng vẫn đọng vẻ riêng Á Đông như níu kéo lịch sử lại với bây giờ… Và vô số biệt thự ẩn sau những hàng cây, mỗi ngôi nhà một vẻ như những tác phẩm kiến trúc làm mê đắm lòng du khách qua phố…

TP.HCM không có được những không gian như vậy. Tôi cảm phục người xưa bởi ý thức về không gian và lịch sử khi quy hoạch thành phố trăm năm trước đã không phá vỡ không gian Hà Nội cổ.

Qua bao biến cố thăng trầm, Hà Nội vẫn giữ được vẻ đep xưa cũ ấy, cho đến một ngày người ta đua nhau cấy vào không gian thiêng ấy những tòa cao ốc, phá vỡ cảnh quan cổ kính trầm mặc và thân thương vốn có.

Bạn vong niên của tôi, nhiếp ảnh gia Trịnh Đình Tiến có lần kể rằng tình yêu Hà Nội, bắt đầu từ cái cột đèn cổ, cái vỉa hè lát đá cổ và nếp ăn ở người Hà Nội thời nào cũng thanh lịch, mà sang trọng... Anh bất bình  khi đứng trước Hồ Gươm thơ mộng đang bị những tòa nhà chọc trời gây nhức mắt, gây niềm luyến tiếc cho người đến thăm Hà Nội cổ. Có lẽ chỉ nơi này mới có không gian cổ kính và u trầm sâu thẳm bề dày lịch sử như vậy.

Phố Phái là một cụm từ lạ và mới, nhưng đã được dùng rộng rãi bởi nhà danh họa sớm có ý thức lưu giữ nét đẹp phố cổ Hà Nội bằng những bức tranh lớn, nhỏ. Không gian Phố Phái vì thế thêm giá trị.

Nói đến không gian thiêng Hà Nội không thể không đề cập đến Văn Miếu Quốc Từ Giám. Nơi đây sâu thẳm trí tuệ Việt Nam qua chiều dài lịch sử. Vào sân Khổng phải đi qua ba lần tam quan, sân đá hun hút chiều sâu văn hiến… “Đây lắng hồn núi sông ngàn năm”. Vâng! Đó là không gian thiêng Hà Nội. Chỉ mong sao các nhà quản lý thành phố hiểu được giá trị không gian ấy để cố gắng gìn giữ nó trong khi muốn phát triển Thủ đô đi lên hiện đại văn minh…

Tôi tin người Hà Nội có ý thức giữ gìn vẻ đẹp của nghìn xưa trong cung cách ứng xử với không gian thiêng của mình, trong cung cách quản lý rất đặc thù riêng có của Hà Nội.

Bài toán quy hoạch không gian đã đến lúc rạch ròi, để giữ lấy những gì cần thiết cho đời sau. Bảo tồn tốt di sản, giữ lại vẻ đẹp dịu dàng của Hà Nội cũng là một cách phát triển khôn khéo và thông minh chăng? Và trên hết nó là ứng xử văn hóa, cần vô cùng, sự ý nhị, bao dung…

Tân Linh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm