31/10/2017 08:00 GMT+7 | V-League
(giaidauscholar.com) - Khi mà Thu đang qua và Đông cũng đang tới, thời tiết cũng đỏng đảnh như cô gái “đang toan về già” với những nỗi vương vấn bảng lảng, khó nói ra lời. Bóng đá Việt trong bối cảnh đang dần về đích cũng mang màu sắc như vậy, thậm chí rất buồn.
Vòng 23 V-League 2017 diễn ra tuần qua thật trùng hợp khi có nhiều trận đấu “derby”. Ví như CLB bóng đá TP.HCM gặp CLB bóng đá Sài Gòn, hay đội bóng Quảng Nam gặp “người anh em” SHB Đà Nẵng…
Trên sân Thống Nhất, dù là “derby” cùng thành phố nhưng sân vẫn vắng khán giả mà hình ảnh “chỗ nằm nhiều hơn chỗ ngồi” đã nói lên tất cả. Còn nhớ khoảng hai chục năm trước, những trận “derby” cùng thành phố kiểu này giữa Cảng Sài Gòn - Hải Quan; Hải Quan - CA TP.HCM, rồi CA TP.HCM gặp Cảng Sài Gòn luôn đầy ắp khán giả. Không chỉ trong trận đó, mà dư âm của nó còn kéo dài cả tháng sau đó. Người ta thậm chí còn thuộc làu tên HLV và cầu thủ của cả đội bóng. Dù đã đổi tên, rồi đội bóng giải thể nhưng hiện nay, fan club Cảng Sài Gòn vẫn hoạt động đủ biết sức sống của nó mạnh mẽ đến nhường nào.
Nay nhìn khán đài mà như mùa Thu tàn. Tại sao người dân thành phố lại lạnh nhạt với chính những đội bóng mang tên thành phố quê hương. Dù Quyền Chủ tịch CLB TP.HCM, Lê Công Vinh, có rất nhiều hoạt động để quảng bá, tìm kiếm khán giả ruột cho mình nhưng xem ra vẫn chưa đủ. Sài Gòn FC lại khác, dù mới chuyển “hộ khẩu’ từ Hà Nội vào, nhưng đội bóng này lại theo khuynh hướng “Hữu xạ tự nhiên hương”, tức là cứ thi đấu đẹp và trận đấu có chất lượng thì dần dần khán giả sẽ yêu mến đội nhà. Kết quả cuối cùng lần này, Sài Gòn FC đã thắng đối thủ cùng thành phố ngay trên “sân nhà”.
Tại “khúc ruột miền Trung” thì trận “derby” lại mang màu sắc khác. Nóng. Hai thẻ đỏ được rút ra để phạt chủ sân SHB Đà Nẵng. Trong thế “9 chống 11” thì chủ nhà SHB Đà Nẵng phải thua thôi. Lạ thật, bởi mấy khi “gà cùng một mẹ”, sao lại “đá nhau” dữ dằn đến vậy. Thậm chí có cả “thượng cẳng tay hạ cẳng chân”.
Mới vòng 23, tức là còn 3 vòng nữa mới có kết quả chính thức, ngoài việc Long An tiếp tục ở dưới đáy bảng xếp hạng, coi như xuống hạng mùa sau. Phía đầu bảng vẫn có tới 5 đội bóng có khả năng vô địch, bởi số điểm chỉ chênh nhau 1 đến 2 điểm.
Đến bao giờ V-League mới trở thành “con gà đẻ trứng vàng”? Hiện nay, các CLB bóng đá ở V-League đều trực thuộc một công ty cổ phần bóng đá nào đó. Với các nước tiên tiến, kinh doanh bóng đá tạo ra lợi nhuận rất lớn, thông qua hoạt động bán vé các trận đấu, bán trang phục thi đấu, thu tiền tài trợ quảng cáo trên áo đấu, từ tiền bán bảng hiệu quảng cáo trên sân bóng, tiền bản quyền truyền hình… Nếu mọi thứ suôn sẻ, chất lượng thi đấu cao, có danh hiệu thì tình hình kinh doanh càng thăng hoa.
Thực tế là vậy nhưng V-League lại đang được biết đến là cỗ máy ngốn tiền. Tất cả các CLB đều thất thu, năm nào cũng ở cảnh ăn đong bởi dựa vào nhà tài trợ quá lớn. Như FLC Thanh Hóa chẳng hạn, nếu bầu Quyết nghỉ chơi thì đội bóng này chẳng khác “anh nông dân” mất mùa.
Đã vậy, chất lượng và sự “tử tế” ở V-League không được cải thiện. Nhức nhối nhất là công tác trọng tài, vốn là của VFF. Trong một trận đấu, nếu gặp một vị trọng tài công tâm thì còn may, ngược lại thì coi như đen đủi. Đã có những tiếng kêu than từ HLV các đội bóng như SHB Đà Nẵng hay Long An. Nhiều khi trận đấu có được các vị trọng tài cứ cho là công tâm nhưng lại non kém về nghề như Trần Văn Lập trên sân Long An thì cũng đổ nợ.
Ai lướt đi ngoài sương gió/Không dừng chân đến em bẽ bàng…
Lời ca khúc 'Buồn tàn thu', ca khúc đầu tiên của nhạc sĩ Văn Cao cũng bảng lảng như V-League thời điểm này là vì những lý do như vậy.
Đỗ Hải Âu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất