13/07/2015 11:05 GMT+7 | V-League
(giaidauscholar.com) - Nếu để ý quan sát, từ khá lâu chúng ta có thể thấy bầu Đức, HAGL, HLV Graechen luôn lạc lõng trong thứ bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam.
Lạc lõng bởi ông Đức là người duy nhất ở Việt Nam xây dựng Học viện bóng đá liên kết với một trong những CLB nổi tiếng nhất nước Anh. Ngày ông đặt những viên gạch đầu tiên, đốn ngã hàng nghìn gốc cao su, cho cộng sự đi khắp 63 tỉnh thành để tuyển lứa Công Phượng, nhiều người nghĩ ông Đức ngông, “vĩ cuồng”, thậm chí là…“điên”!
“Điên” bởi đến một tổ chức xã hội nghề nghiệp như VFF với hàng chục ban, phòng, bao tiến sĩ, chuyên gia bóng đá, có sự hậu thuẫn lớn về tài chính… vẫn không thể thành công với Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ quốc gia thì ông Đức liệu có làm nên cơm cháo gì.
Cho nên, cái Học viện ở tít trên Hàm Rồng của ông Đức như là bí ẩn bất tận, bởi ông Đức không cho cầu thủ xuất đầu lộ diện, kể cả các giải trẻ.
Đùng một cái, ông Đức xua quân xuống núi, đi tập huấn nước ngoài, đá giải ở Nhật Bản…, và chúng ta có thể thấy lứa cầu thủ này của ông có lúc đã được xem như hy vọng duy nhất của cả nền bóng đá.
HAGL sẵn sàng trả giá cho cách làm bóng đá riêng của mình. Ảnh: V.S.I
Và cũng thật lạ, nhiều người lại đang sốt sắng tham mưu cho HAGL thay đổi lối chơi, thay tướng, cho “hòa đồng” bóng đá nội, dù họ cũng thừa biết HAGL, lứa Công Phượng được đào tạo với một giáo trình, quy trình riêng biệt, có thể nói thẳng là chuẩn châu Âu.
Vậy thì, ông Đức có lý, hay là dư luận và kể cả một số chuyên gia có lý? Chưa kể một số ý kiến còn tiến cử giùm các HLV cho “Gỗ”. Người viết nghĩ, ông Đức sau khi quyết tâm làm bóng đá tử tế, đã có chủ trương dùng những HLV có phẩm chất thầy giáo, có tư cách, có lẽ để đặt mục tiêu cao nhất như tấm gương cho cầu thủ nhìn nhận để giúp họ có định hướng thoát khỏi một ý thức hệ chơi bóng đá thiếu chuẩn mực.
Các ông HLV đó là Songamsap, Chatchai, Kiatisuk, Dusit, Graechen. Các cầu thủ từ 11 tuổi đã theo thầy Giôm, liệu có HLV nào trong nước thấu hiểu Công Phượng bằng ông để bầu Đức trao gửi những đứa trẻ ông quá kỳ vọng, coi như con?
Sau trận đấu với Thanh Hóa, ông Graechen có những phát biểu khá gay gắt với trọng tài. Trong buổi họp báo HLV có quyền đưa ra các quan điểm, nhưng trên sân, rõ ràng lâu nay ông Graechen cũng khá chuẩn mực.
Điều mà không phải riêng bầu Đức, mà mọi người yêu mến bóng đá đẹp, tử tế mong mỏi, là bất luận sức ép rớt hạng lớn cỡ nào, thầy trò ông Graechen cũng giữ được cốt cách chơi bóng của mình. Nếu họ bị đồng hóa để có những hành động, những toan tính nhiều phần xấu xí của sân cỏ nội thì đấy thực sự là một nỗi thất vọng.
Cho đến giờ phút này, khi cả làng bóng đá nội đều nói không với thầy ngoại, thì chỉ mình HAGL sử dụng HLV Graechen. Chưa thể nói ông Đoàn Nguyên Đức sai, khi đã chứng minh đa số các CLB từng sử dụng HLV ngoại, tốn quá nhiều tiền, nhận thất bại nhiều hơn, trong khi tận dụng được chất xám của các HLV, chuyên gia ngoại vẫn là mơ ước xa xỉ.
Người viết nhớ đến cuốn “Người cuối cùng của bộ tộc Mohican”, dựa trên cuộc chiến tranh giành đất đai giữa 2 đế quốc thực dân Anh và Pháp mà nhân vật chính ủng hộ quân Anh chống lại quân Pháp.
Cuốn truyện phác họa khung cảnh thiên nhiên hùng tráng của miền đất mới với những chủ nhân thực sự của nó là những người Mohican da đỏ tính cách dữ dội nhưng chất phác, trung thực và trọng nhân phẩm, hoàn toàn cách biệt với sự sa đọa của xã hội văn minh.
Những người Mohican vẫn là biểu tượng cho lòng kiên trì, can đảm chiến đấu. Cho đến con người cuối cùng, giọt máu cuối cùng, họ vẫn chiến đấu để bảo vệ cho bộ tộc của mình.
HAGL, dù đang thất bại nhưng lạ chưa, họ vẫn được khán giả cả nước yêu đến phát cuồng. Đấy không phải là nghịch lý đâu. Gian truân, đắng đót lắm cho một hướng đi mới. Nhưng, như người Mohican cuối cùng, họ vẫn chiến đấu cho lý tưởng chơi bóng của riêng mình.
HAGL đáng được tôn trọng, ít nhất cách làm bóng đá kiên trì của họ, không theo trào lưu chung, không chịu bất cứ sức ép nào, kể cả xuống hạng, để đánh mất mình.
Hữu Quý
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất