16/06/2021 18:30 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Nhà thơ Lệ Bình có 36 bài thơ được phổ nhạc, được nhận tiền bản quyền ca từ mỗi quý từ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Trong 36 bài thơ ấy, bài thơ viết về Hà Nội Khúc hát ngàn năm được tới 7 nhạc sĩ chọn làm ca từ! Và bài thơ Tia nắng hạt mưa trở thành bài hát cùng tên, được dạy trong sách Âm nhạc và mỹ thuật 6 bộ sách giáo khoa hiện hành của Bộ GD&ĐT.
Bài thơ Tia nắng hạt mưa đã được nhạc sĩ Khánh Vinh phổ nhạc. Ca khúc này đoạt giải Nhất cuộc thi sáng tác bài hát cho tuổi hồng năm 1992, do Hội Nhạc sĩ Việt Nam cùng báo Hoa học trò tổ chức và được bình chọn là 1 trong 50 ca khúc viết cho thiếu nhi Việt Nam hay nhất thế kỷ 20.
Ca từ của một bài hát hay về tình bạn
“Hình như trong từng tia nắng có nét tinh nghịch bạn trai/ Hình như trong từng hạt mưa có nụ cười duyên bạn gái/ Hình như trong từng tia nắng hát lên theo từng tiếng ve/ Hình như trong từng hạt mưa có dòng lưu bút đọng lại// Tia nắng, hạt mưa! Tia nắng, hạt mưa trẻ mãi/ Màu hoa phượng đỏ vô tư/ Bạn hỡi bạn ơi đừng trách, đừng buồn vô cớ làm buồn tia nắng, hạt mưa/ Đừng trách, đừng buồn vô cớ làm buồn tia nắng, hạt mưa”.
Ca từ chỉ 92 âm tiết những có tới 4 phó từ “hình như” đưa ra những ước đoán nghiêng về tưởng tượng, khiến hình tượng âm nhạc có độ nhòe trong âm sắc làm cho mưa với nắng ngoài thiên nhiên vốn xung khắc, đã đồng thuận, hòa lẫn trong ca từ. Bạn trai, bạn gái cũng theo mưa nắng mà gần nhau hơn. Gần tới mức con trai nhìn thấy nụ cười con gái trong từng hạt mưa, con gái nhìn ra trong tia nắng, nét lung linh nghịch ngợm của con trai.
Trong hướng dẫn cách hát, tác giả phần nhạc không quy định hát đơn hay tốp ca, nhưng với 4 nhịp được chia thành 2 bè, thì hát song ca, hay tốp ca nam- nữ, là thích hợp nhất. Trên bối cảnh sân trường với “màu hoa phượng đỏ vô tư” khi các trang lưu bút đưa mùa Hè tới cùng tiếng ve, những người tuổi teen ước đoán “hình như” ở khúc khởi nhịp, đã da diết nhắc nhau ở những nhịp vĩ thanh điệp khúc, đừng dỗi hờn “vô cớ”, làm xa nhau mưa tôi, nắng bạn. Tia nắng hạt mưa một bài hát hay về tình bạn. Một giai điệu bình đẳng giới rất hồn nhiên!
Trong danh mục 36 ca khúc phổ thơ Lệ Bình đã nói trên kia, có 2 bài Tia nắng hạt mưa. Ngoài bài giọng mi thứ của Khánh Vinh, còn bài giọng son thứ của Trần Hoàn (1928-2003). Nhạc sĩ Trần Hoàn có chép tay bản nhạc này tặng đồng tác giả trẻ Lệ Bình.
Hỏi về bài hát cùng làm với nhà thơ Lệ Bình, nhạc sĩ Khánh Vinh vui vẻ cho biết: “Đọc bài thơ Tia nắng hạt mưa trên báo, tôi thích tứ thơ nắng trong mưa, mưa trong nắng, nắng mưa tay trong tay đang nhảy múa và tôi phổ nhạc ngay, nóng lòng chờ làm quen với tác giả bài thơ mà tôi nghĩ là một nhà thơ nữ. Những hóa ra đồng tác giả của mình lại là một cựu chiến binh. Sau này, có dịp làm việc với nhạc sĩ Hoàng Vân, người chấm điểm cao cho Tia nắng hạt mưa, được ông chia vui và nhận xét, đây là một tác phẩm có thứ hạng cao trong cuộc thi nhưng cũng có số lượng rất đông người hát sau cuộc thi. Một tác phẩm đạt chuẩn nhạc lý, lại được thị trường âm nhạc chấp nhận. Tôi có dùng tên ca khúc này làm tiêu đề cho tuyển tập 63 ca khúc của mình, in ở NXB Giáo dục Việt Nam 2019”.
Thơ Lệ Bình, ngoài bài Tia nắng hạt mưa trong sách cũ, bộ hiện hành như đã nói, còn có trong sách mới - Tiếng Việt 2 (tập 2) trang 79 bộ Cánh diều, bài thơ Hoa đào hoa mai”:
“Hoa đào ưa rét/ Lấm tấm mưa bay/ Hoa mai chỉ say/ Nắng pha chút gió// Hoa đào thắm đỏ/ Hoa mai dát vàng/ Thoắt mùa Xuân sang/ Thi nhau rộ nở// Mùa Xuân hội tụ/ Niềm vui, nụ chồi/ Đào, mai nở rộ/ Đẹp hai phương trời!”.
Khi người viết bài chụp tặng tác giả Lệ Bình trang thơ của ông trong sách Cánh diều ông cầm tác phẩm của mình trên tay “Thế à” và bình luận ngay: “Bài thơ của tôi được “lên lớp”. Được cởi bỏ tấm áo biên soạn hợp với 6 dòng ở lớp 1 để được là chính nó - 3 khổ 12 dòng ở lớp 2”.
Xin được nói thêm, Hoa đào hoa mai cũng đã được nữ nhạc sĩ Trương Tuyết Mai phổ nhạc thành ca khúc thiếu nhi, có thể dùng như một đồ dùng dạy học theo hướng tích hợp.
Nhiệt tâm làm mới điệu lục bát của mình
Khi trao Tặng thưởng Hội Nhà văn TP.HCM năm 2014, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM kiêm Chủ tịch Hội đồng Thơ nhận xét: “Với Nhen lửa từ trăng, Lệ Bình đã vượt qua chính anh với 45 bài thơ”.
Tiếp lời, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu xin nói rõ hơn, nhà thơ Lệ Bình đã vượt lên, vượt qua chính minh bằng nhiệt huyết điều chỉnh, điệu lục bát của mình khi kiên tâm trôi theo dòng thơ lục bát chung đang có biểu hiện dễ dãi, thay kết cấu tình ý bằng khớp nối vần vèo, trong bộ khung 6/8. Để nhận ra sự vượt lên, vượt qua kia, hãy cùng nhìn lại bài thơ Về lại quê nhà để nhận ra lối cấu tứ kín đáo của tác giả:
“Một vùng chiêm trũng à ơi/ Dẻo thơm hạt gạo nuôi tôi trưởng thành/ Ơi dòng sông Hoạt khúc quanh/ Bao lần tôi cứ một mình ngẩn ngơ/ Bến xưa vắng bóng người chờ/ Cây cầu mới nhịp - con đò về đâu?/ Cỏ may nuôi ngọn gió màu/ Chăn trâu ngày ấy quần nâu ghim đầy/ Có người bạn gái cầm tay/ Xui tôi vụng dại với mây, với chiều/ Ngày dài tháng rộng chắt chiu/ Chân tôi chạm đất phì nhiêu quê mình/ Mặn mòi nước mắt thiêng linh/ Lời ru nuôi mãi ân tình đất đai/ Nặng lòng hạt lúa, củ khoai/ Theo tôi đi suốt thời trai xa nhà/ Về quê, hương khói ông bà/ Canh khuya thức gọi tiếng gà bên sông”...
Thơ Lệ bình như con sông vần cuốn những cành chữ, lá chữ vào dòng ý. Chính con sông vần đã nhập được không gian (mái nhà, củ khoai, hạt lúa) và thời gian (thời trai) vào cùng một dòng chảy: “Nặng lòng hạt lúa củ khoai/ Theo tôi đi suốt thời trai xa nhà”. Sức chảy của con sông vẫn mạnh đến mức có thể đảo ngược thế chữ, thay đổi vị trí âm tiết trong một từ: “Ngày dài tháng rộng chắt chiu/ Chân tôi chạm đất phì nhiêu quê mình/ Mặn mòi nước mắt thiêng linh…”.
Một từ đã yên vị, đã vững vàng bao năm như chữ “linh thiêng” cũng đành chịu thua trong keo vật vần điệu để được úp lưng chữ, trôi theo dòng thơ. Sức cuốn hút vần điệu của bài Về lại quê nhà dễ làm người đọc chú mục nhìn vào dòng chảy nối những yêu vận và cước vận rồi chỉ thấy những chữ gieo vần mà quên những chữ “chốt tứ”. Đó là những chữ “cất tiếng” (dòng thứ 2), “lời ru” (dòng thứ 16) và “tiếng gà” (dòng thứ 20 kết bài).
Gọi 3 chữ này là “chốt tứ” vì chúng không vần với nhau nhưng cùng với nhau một chức năng tạo tứ cho bài. Chúng nhập đề, tạo điểm nhấn, rồi kết bài đều bằng hình tượng âm thanh để mạch thơ được nhất khí. Nói theo lối hình học không gian thì đó là 3 điểm, để mặt phẳng thơ có thể hình thành, để bài Về lại quê nhà dù đa ý nhưng chỉ có một tứ duy nhất: Một con dân lắng nghe những thanh âm sinh động và bất diệt của quê cha đất tổ. Đó là tiếng của chính ta, tiếng của những người trước ta, tiếng của thiên nhiên sau ta…
Tự cho là làm mới điệu lục bát của mình bằng cấu tứ kín đáo chưa đủ. Mới đấy Lệ Bình, nén ý, cắt dòng 6-8 để có tập thơ Lục bát hai dòng in ở NXB Thanh niên, trong đó mỗi đơn vị tác phẩm là một bài “nhị tuyệt” 14 âm tiết thơ như Hoa cỏ may của Nguyễn Bính: “Hồn anh như hoa cỏ may/ Một chiều cả gió bám đầy áo em”. Còn nhị tuyệt hoa của Lệ Bình, trong tập thơ này, người viết lựa được các câu: “Chọn đêm gửi gắm khát khao/ Hoa quỳnh nở tự chiêm bao nở về”.
Ngày mới trên vùng đất mới Tây Nguyên
Do duyên nợ với vùng đất chiến trường xưa nên ngay sau khi nghỉ hưu, nhà thơ cựu chiến binh, nông gia trí thức Lệ Bình cùng gia đình tạm rời xa TP.HCM lên vùng đất mới Di Linh, Lâm Đồng lập vườn trồng cây và mở “trại sáng tác” cho riêng mình. Ông tâm sự:
“Mỗi ngày mới ở đây đối với tôi thật thi vị. Buổi sáng thức dậy lắng nghe tiếng chim trong vắt, hít hà hương hoa hòa tan trong nắng gió. Rồi nhấm nháp cà phê vườn nhà thơm thật thơm. Vườn nhà thật đẹp! Hoa cà phê nở trắng như tuyết trĩu cành, trái sầu riêng như khối điêu khắc xanh, xù gai sắc giữ kĩ lòng thơm, khiến “người làm vườn” (mượn chữ của Tagore) tức hứng:
“Ước gì gói được làn hương
Để khi hoa rụng yêu thương chẳng tàn!”
Cũng có ngày lão nông Lệ Bình tôi được tiếp tao nhân mặc khách! Nhà thơ Nguyễn Hòa Bình từ Hà Nội vào. Nhà thơ Vũ Duy Chu từ Sài Gòn lên. Nhà thơ Thu Nguyệt từ Bảo Lộc ghé qua…
Tối mồng 1 Tết Mậu Tuất 2018, đoàn đồng hương xứ Thanh ở huyện Di Linh do Chủ tịch huyện Trần Đình Sỹ vào chúc Tết, giao lưu tại nhà và gợi hứng để tôi viết được bài thơ Khúc hát Di Linh. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên phổ nhạc bài thơ giúp tôi có lời chào quê hương mới của mình:
“Hòa niềm tin muối mặn gừng cay/ Người tứ xứ sẻ chia từng giọng nói/ Bazan khát níu bước người ở lại/ Mùa gọi mùa gặt hy vọng sinh sôi/ Trao tình yêu mặn chát mồ hôi/ Gặp sắc đỏ đất của thời thấm máu/ Vì một cao nguyên đẹp giàu yêu dấu/ Mãi vun trồng cho núi biếc đồi xanh/ Ơi cao nguyên nơi ta hò hẹn/Núi kết đồi tạc dáng rồng bay/ Niềm mơ ước đong đầy mưa nắng/ Hương cà phê tỏa ngát tận chân mây/ Lâm Viên xưa nay đẹp hơn tranh/ Đồi núi đọc thơ suối khe hòa nhạc/ Hương hoa trái cất cao khúc hát/ Vươn tầm cao mới! Di Linh ơi”...
Vài nét về nhà thơ Lệ Bình Nhà thơ Lệ Bình tên khai sinh là Phạm Văn Lệ, quê gốc ở Nga Sơn, Thanh Hóa. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn TP.HCM. Lệ Bình từng là bộ đội ở chiến trường Tây Nguyên. Tốt nghiệp khoa Ngữ văn ĐH Tổng hợp TP.HCM 1980. Từng là Trưởng cơ quan phía Nam báo Thiếu niên Tiền phong. Là tác giả 9 tập thơ. Hiện sống và viết ở Di Linh, Lâm Đồng. |
(Còn tiếp)
Nguyễn Chơn Chất
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất