04/12/2014 16:00 GMT+7 | Âm nhạc
(giaidauscholar.com) - Tháng 11/1981 gần như cả nước Mỹ rơi nước mắt khi MTV giới thiệu All Those Years Ago, ca khúc mà George Harrison thương tiếc người bạn thân nhất, John Lennon, người bị một gã tâm thần bắn chết vào tháng 12/1980. Hai mươi năm sau, cũng lại là tháng 11, ngày 29, khi những tấm thiệp Giáng sinh đang bắt đầu nét bút thì cũng chính MTV thông báo: George Harrison đã qua đời.
Cái chết của George chính thức khép lại nỗi mong ước của các fan hâm mộ trên toàn thế giới: The Beatles sẽ tái hợp.
Những ngày cuối tháng 11/2014, nghĩa trang Hollywood Forever (Los Angeles, ngôi nhà của những huyền thoại) bỗng đông hơn thường lệ. Quanh ngôi mộ nhỏ với vòng đen viền quanh bức hình tròn là những bó hoa trắng và nhiều tấm thiệp làm bằng tay “George, thế giới vẫn nhớ anh”. George ở đó đã 13 năm (29/11/2001). Nước Mỹ cũng vừa kỷ niệm 13 năm ngày tháp đôi WTC bị khủng bố. Thêm một thập niên nữa trôi qua, hòa bình vẫn chưa có cơ hội.
Dư tố chất gây kinh ngạc
Tờ Classic Rock vừa có bài đánh giá lại công trạng của George trong nhóm Beatles, nhất là sau khi John Lennon qua đời và các ca khúc của Paul McCartney cùng Ringo Starr thay nhau có mặt trên các bảng xếp hạng âm nhạc. “George vẫn ở đấy, lầm lũi, nhưng đóng vai trò rất lớn cho rock”.
Tờ này còn cho rằng, năm 2014 là kỷ niệm 40 năm ngày George Harrsion làm tour diễn Bắc Mỹ vào tháng 11/1974. “Đó là tour diễn chia ra hai nửa phần hồn của George, một nửa là Beatles, nửa còn lại là những dự định mới. Năm 1974 cũng là năm cuộc tình của George và Pattie Boyd kết thúc, chấm dứt một câu chuyện hôn nhân như cổ tích. Đó là thời điểm mà âm nhạc của George Harrsion đã thay đổi, từ vị trí của một người ưa bóng tối, George bước ra và chứng tỏ mình dư tố chất để có những sáng tác làm người khác phải kinh ngạc”, tờ Classic Rock đánh giá.
Con trai của George Harrison, Dhani Harrison (cũng đang là ca sĩ có tiếng) vừa trải lòng trên tờ Daily Mail về cha mình. Dhani gọi George là một người cha vĩ đại. “Thế hệ của ông toàn những người nổi loạn nhưng bạn sẽ thấy ở George chẳng bao giờ tỏ ra mình là một kẻ nổi loạn. Bạn sẽ gặp điều ấy trong âm nhạc của ông. Ông định nghĩa sự nổi loạn theo cách rất riêng của mình, vừa thiền, vừa rất khiêu khích. Khi lớn lên, tôi cũng là một đứa trẻ nổi loạn, bởi tôi sống trong cái bóng quá lớn của cha. Những lúc như vậy, ông lại rủ tôi đi chèo thuyền, ông bảo hãy dồn hết lực vào tay chèo và con sẽ thấy năng lượng của mình sẽ được sử dụng hợp lý như thế nào”.
Cũng trong dịp tưởng nhớ ngày mất của George, Hãng CMG vừa phát hành một boxset với tên gọi George Harrison - The Apple Years 1968 - 1975 gồm 6 album của George Harrison với thiết kế và âm thanh giống hệt 40 năm trước. Với giá bán ra hơn 100 USD nhưng lượng mua có thể xem là kỷ lục.
Truyền cảm hứng tâm linh
Nếu như John Lennon là người khởi xướng hòa bình, người kêu gọi chúng sinh hãy cho hòa bình một cơ hội, thì George Harrison là một nhà truyền giáo không mệt mỏi cho hòa bình. Không như John, George bất bạo động, một kiểu tinh thần Mahatma Gandhi, thông điệp của anh giống như một thứ nghi lễ, hãy rửa sạch tay trước khi ngồi vào mâm cơm, hãy gột rửa mình trước khi cầu xin Thượng đế ban phép lành, hãy cho đi một tình yêu trước khi đòi hỏi một tình yêu trong cuộc đời.
George Harrison là thành viên kiệm lời nhất trong nhóm Beatles. Nhưng đằng sau vẻ kiệm lời ấy là một sức mạnh lan tỏa trong ca từ, giọng hát. Người ta từng ví anh như cái bóng, một kẻ học việc cho bộ đôi sáng tác huyền thoại Lennon - McCartney nhưng sau này, khi bộ hồ sơ có tên là cuộc đời của nhóm Beatles khép lại, thì người ta mới trang trọng xếp tên anh ngang bằng hai người kia, ba vị thánh của thánh đường rock. Không có George, không thể có tiếng sitar huyền diệu tạo nên một Norwegian Wood bất hủ (cảm hứng cho nhà văn Murakami viết Rừng Na Uy sau này); không có George thì ca khúc And Your Bird Can Sing khó có thể trở thành một trong 10 ca khúc rock hay nhất mọi thời đại. Không George sẽ không thể có những bản tình ca bất hủ Something, Here Comes The Sun… George Martin, nhà sản xuất huyền thoại tuyên bố: “Không George, Beatles không thể tồn tại”.
Nếu như John Lennon thường đi thẳng vào vấn đề, không ngại trực diện, Paul McCartney mượt mà trong giai điệu và ca từ đẹp như thơ thì George chẳng có gì, thế giới âm nhạc của anh mang nặng tính tâm linh. Trong thế giới ấy, rất khó bắt gặp sự đồng điệu trong lần chạm ngõ đầu tiên.
Nghe George là phải nhẫn nại, âm nhạc của anh đi vào não trước khi xuống tim. George khề khà, chậm rãi kể về cuộc đời (Give Me Love), về con đường hạnh ngộ (My Sweet Lord), mải miết với tiếng sitar như thể lạc vào những cung điện huyền bí phương Đông (Within You, Without You)…
Kể cả sau này khi Beatles tan rã, khi những thành viên còn lại đều rất thành công và sôi nổi trên thị trường thì George vẫn bình lặng. Anh chẳng màng danh tiếng, vẫn tiếp tục đều đặn ra những album thấm đẫm tinh thần hướng thượng, vẫn tìm thấy cho mình một Thượng đế đủ sức dẫn dắt tinh thần đến dãy Himalaya kỳ bí, như thể tìm thấy suối nguồn tươi trẻ.
Các nhà phê bình âm nhạc luôn ngạc nhiên trong cách chơi nhạc của George, không phải bởi anh quá sùng kính đấng tối cao, mà quan trọng anh tìm thấy cho mình một lối đi, mà bất cứ ai đi theo trên lối ấy, đều nhận được về cho mình những giá trị của cuộc sống. Tiếng guitar thả lỏng, giọng hát bỡn cợt, lối hòa âm nhả phách liên tục (syn-cope), cách làm chủ cuộc chơi âm nhạc của George khiến cả Lennon, McCartney cũng phải lắc đầu thán phục.
Có một điều ít người biết, ngôi mộ của George vẫn ở Mỹ nhưng tro hỏa táng của anh đã được rải trên sông Hằng linh thiêng ở thành phố thánh thần Varanasi (Ấn Độ). Giống như mong ước bất tử của một tín đồ Hindu chân chính, George Harrison chưa bao giờ chết.
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất