GS Ngô Đức Thịnh: Lễ hội đang 'loạn chuẩn'!

23/02/2013 09:05 GMT+7


(giaidauscholar.com) -Lễ hội nào cũng có chút vấn đề từ sự náo nhiệt đặc thù của nó. Nhưng phải thừa nhận rằng những cảnh chen lấn khói hương, bát nháo về dịch vụ hay đặt tiền, đặt lễ vô tội vạ... thường gặp nhất ở những lễ hội lớn như hội chùa Hương, hội Kiếp Bạc, Bà Chúa Kho. Những hội xuân cấp làng phần nào vẫn giữ được sự trật tự tương đối và ngày càng trở thành sự lựa chọn của du khách - GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, nhận xét.

* Theo ông, tại sao có sự khác biệt ấy?

- Tất nhiên, chuyện quản lý và vận hành sẽ dễ dàng hơn nhiều khi đặt trong không gian của một lễ hội nhỏ, chỉ có một lượng người vừa phải, trong đó đa phần là cư dân bản địa. Nhưng, vấn đề chính yếu vẫn nằm ở sức sống và bản sắc nội tại của nó. Rõ ràng, bên cạnh những lễ hội lớn được tổ chức theo kiểu “muôn năm cũ”, khách hành hương ngày càng có xu hướng tìm đến với những hội xuân dù nhỏ nhưng lại giữ được sự độc đáo riêng.

* Có nghĩa, vấn đề ở đây là bản sắc đặc thù của từng lễ hội?

- Đúng hơn, đó là câu hỏi: Lễ hội đó được vận hành và “cầm trịch” theo cách nào? Và từ đó, chúng ta lại sa vào vấn đề rất cũ về khái niệm Nhà nước hóa lễ hội. Giới nghiên cứu đã nói rất nhiều, rất nhiều về điều này, còn mọi thứ vẫn cứ mãi một cái vòng luẩn quẩn trong bao năm nay.

Hội làng Đồng Kỵ (mùng 4 Tết, xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) đông vui, ngày càng hấp dẫn du khách

Cái “vòng” ấy nó thế này: lễ hội càng nổi tiếng, Nhà nước càng quan tâm. Quan tâm, nên hoặc rót kinh phí để đầu tư, hoặc trực tiếp đứng ra vận hành luôn. Trong khi, trên thực tế, lễ hội khởi sinh từ nhu cầu tâm linh của người dân, do người dân gìn giữ, vận hành trong hàng trăm năm tồn tại.

Những hội làng hấp dẫn nhắc tới trên đây đều là những nơi mà người dân địa phương vẫn còn được giữ vai trò chủ nhân trong sự kiện lớn nhất hàng năm tại quê mình. Còn ở những lễ hội lớn, nơi chủ nhân “truyền thống” bị gạt ra ngoài, lễ hội dần mất đi khát vọng nội tại, mất đi sức sống văn hóa đặc thù trong bao năm.

Liên quan tới câu chuyện này, tôi gặp nhiều lễ hội dở khóc dở cười. Chẳng hạn, tôi từng rất mừng khi nghe tin khôi phục lễ hội cổ tại một làng nổi tiếng thuộc vùng văn hóa Đông Sơn trong miền Trung. Tới nơi, hóa ra lễ hội ấy được chính quyền địa phương tổ chức như một hoạt động cần có để đạt danh hiệu làng văn hóa. Kết quả: người dân bản địa chỉ đồng ý tham dự lễ hội khi được “hỗ trợ” mỗi người 30 ngàn đồng - trong khi nhiều năm trước, họ chính là chủ thể bỏ công, bỏ của ra tự tổ chức lễ hội ấy.

"Nhiều người trẩy hội Xuân, thấy bát hương là lao tới như con thiêu thân"

Hoặc, năm 2011, tôi có tới dự lễ hội Kiếp Bạc tại Hải Dương. Từ đêm trước, khách thập phương đã tới kín đặc, la liệt ngủ kín cả sân đền chờ đặt lễ vào sớm hôm sau. Để rồi, đúng vào 6 giờ sáng là giờ “đẹp nhất” để đặt lễ, Ban tổ chức yêu cầu toàn bộ du khách ra khỏi sân đền để người ta quét dọn vệ sinh chờ lãnh đạo địa phương tới thắp hương(!). Tranh cãi mãi, Ban tổ chức nhượng bộ, nhưng chỉ cho đoàn khách một người đại diện đội lễ vào thắp hương “cấp tốc”. Còn người dân lại nhao nhao cãi rằng mỗi người có một tâm nguyện riêng để khấn với Đức Thánh Trần, nhất định không chịu để “đại diện” vào khấn thay...

* Vấn đề thương mại hóa của lễ hội hiện đại cũng được nhiều người đặt ra, xem đó là một trong những nguyên nhân chính phá hỏng những hội xuân truyền thống vốn được hình thành từ mục đích phi kinh tế. Nhưng chúng ta lại đang đặt ra mục tiêu thu hút du lịch từ các lễ hội, tức là làm kinh tế lễ hội rồi, như thế có phải là lại mâu thuẫn không?

- Đây là vấn đề đặt ra gần như với mọi quốc gia, và mỗi nơi có sự lựa chọn khác nhau. Có nơi chấp nhận “thả nổi”, để các lễ hội tự vận hành cho tới khi tìm được một mô hình tồn tại phù hợp với thời đại. Có nơi chủ động, cân nhắc tìm các biện pháp để giải quyết và dung hòa yếu tố này. Với Việt Nam, cái khó của chúng ta là việc không có cơ hội đi tìm sự chủ động cho mình. Sau một thời gian dài bị gián đoạn bởi chiến tranh, đến lượt rất nhiều các lễ hội tại Việt Nam bị cấm đoán với lý do bài trừ mê tín. Bây giờ, khi được khôi phục lại, các lễ hội từng tồn tại từ thời phong kiến mới lúng túng đi tìm một cách tồn tại mới, trong một bối cảnh xã hội mới. Điều này rất cần tới vai trò của Nhà nước, để giữ gìn bản sắc và tính thiêng liêng của lễ hội, đáp ứng được nhu cầu thay đổi cho phù hợp với tính lịch sử. Nhưng, Nhà nước hỗ trợ tới mức nào là đủ để tránh tình trạng “Nhà nước hóa” lễ hội như đã nói ở trên lại là điều cần bàn.

* Nhiều ý kiến cho rằng điều này có thể tránh được bằng việc Nhà nước chỉ nên hỗ trợ các lễ hội về kinh phí hoặc hạ tầng cơ sở chứ không trực tiếp đứng ra vận hành...?

- Với tôi, bản thân việc đầu tư kinh phí cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, mà trước hết là việc nảy sinh tâm lý bất lợi từ người dân. Đã có một số thông tin rằng tại Hội Gióng, người dân tham gia diễn xướng đòi bồi dưỡng. Nếu vậy thì rất đáng lo ngại. Khi xưa, việc tổ chức Hội Gióng luôn gắn liền với các hệ giá trị mặc định về văn hóa, giáo dục của cộng đồng. Chẳng hạn, bản thân những người được chọn diễn xướng phải là người có đạo đức phẩm hạnh tốt, gia đình không mang điều tiếng gì, được làng xã thừa nhận về đức độ của bản thân... Những lễ hội nhỏ đang thu hút du khách bây giờ rất có thể cũng bị biến dạng trong nay mai bởi các yếu tố về du lịch hoặc thương mại. Chưa nói chuyện Nhà nước đầu tư, việc bản thân các Mạnh thường quân trong vùng đứng ra bỏ tiền của hỗ trợ lễ hội cũng có thể làm mọi thứ thay đổi. Các lễ hội bây giờ dễ rơi vào tâm lý “con gà đua nhau tiếng gáy”, cùng đua tổ chức cho hoành tráng hơn...

* Vậy, giải pháp lâu dài nhất cho tình trạng này là gì, theo ông?

- Xã hội phát triển với tốc độ càng nhanh, con người ta càng có nhu cầu đến với hệ thống các giá trị tín ngưỡng để tìm sự cân bằng tâm lý cho mình. Nhưng, chính vì sự đứt gãy quá lâu, chúng ta lại mất hẳn phần kiến thức, hiểu biết về các chuẩn văn hóa, tín ngưỡng đi kèm lễ hội khi xưa. Tôi vẫn nói đùa với bạn bè là chúng ta đang rơi vào tình trạng “loạn chuẩn” trong mùa lễ hội. Nhu cầu tín ngưỡng lớn tới mức nhiều người trẩy hội Xuân, thấy bát hương là lao tới như con thiêu thân. Lao tới một cách vô thức mà không biết mình muốn tìm cái gì, phải làm gì, không biết cả những khái niệm cơ bản mà dân gian đã đặt ra như cầu tự thì đi nơi đâu, vào hội thì nơi chính để đặt hương, dâng lễ là những chỗ nào. Đó là một điều khó và có lẽ chỉ có thể giải quyết từ từ bằng việc nâng cao nhận thức...

Bài: Sơn Tùng; Ảnh: Đức Thịnh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm