16/03/2014 06:39 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - Một mặt vẫn luôn tỏ ra cầu thị, nhưng không nhiều các vấn đề nổi cộm đưa ra được VFF, VPF, cũng như Ban tổ chức (BTC) các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia giải quyết triệt để, trong buổi gặp gỡ báo chí định kỳ vào sáng qua (15/3) tại TP.HCM, bởi lý do “nguyên tắc bảo mật”.
* Thưa ông Tanaka Koji, thời điểm ông chưa nhận chức Trưởng giải, V-League 2014 đã xảy ra ít nhất 3 sự cố nghiêm trọng liên quan đến bạo lực sân cỏ. Cảm nghĩ của ông như thế nào? (Câu hỏi của PV Đức Nguyễn, báo Bóng Đá)
- Ông Tanaka KOJI, trưởng BTC giải: Cầu thủ là một nghề đặc biệt, việc chấn thương xảy ra thực sự rất đáng tiếc cho bản thân họ, cũng như các đội bóng. Điều đó thật khủng khiếp và tôi hy vọng rằng chuyện tồi tệ sẽ không lặp lại. Mong rằng các đội bóng, cũng như cầu thủ sẽ rút kinh nghiệm và ý thức hơn về việc tuân thủ luật chơi, cũng như đảm bảo an toàn cho đồng nghiệp. Khán giả đều muốn thưởng thức thứ bóng đá hay và đẹp mắt, với sân bóng là sàn diễn.
* Ông Tanaka Koji không có nhiều hiểu biết về bóng đá Việt Nam và bản thân ông cũng thừa nhận điều này. Vậy VPF kỳ vọng gì khi thuê ông Koji, rằng Koji sẽ trở thành một cố vấn, một Trưởng giải có trong tay “thượng phương bảo kiếm” để xử lý những sự cố hay đơn thuần, ông Koji chỉ là cái bình phong để nhận trách nhiệm khi cần? Phóng viên Thể thao & Văn hóa đặt vấn đề với Chủ tịch HĐQT VPF, ông Võ Quốc Thắng.
- Ông Võ Quốc Thắng: Ông Tanaka Koji được chính Chủ tịch và Tổng giám đốc J-League giới thiệu, thông qua một gói hỗ trợ hợp tác toàn diện. Chúng tôi tin rằng, với kinh nghiệm truyền lại của ông Tanabe, cùng với sự hiểu biết của ông Koji, ông ấy sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng bất cứ lúc nào ông Koji không hoàn thành tốt công việc, hoặc làm việc không hiệu quả, VPF sẽ có biện pháp xử lý. Tất nhiên, trong mối quan hệ công việc có rất nhiều điều khó nói. Ví như trong một vài trường hợp cụ thể, bóng đá Việt Nam quả là rất khó để thỏa mãn những yêu cầu của chuyên gia Nhật Bản.
Với vai trò trưởng giải, ông Koji được toàn quyền xử lý mọi vấn đề. Nhưng chắc chắn, Koji sẽ không là bình phong để gánh trách nhiệm. HĐQT VPF và BTC các giải đấu sẽ phải chịu chung trách nhiệm.
* Về việc xử lý các sự cố liên quan đến bạo lực sân cỏ, có cảm giác như Ban Kỷ luật và BTC giải đã chạy theo dư luận, trước khi ra án? (Câu hỏi của PV Thể thao 24H).
- Ông Phạm Ngọc Viễn, Tổng giám đốc VPF: “Dư luận chỉ là một kênh thông tin đơn thuần để tham khảo và chúng tôi sẽ có cách xử lý thông qua kiểm tra, bàn bạc, chứ không thuận theo dư luận để xử. Chúng tôi luôn có sự chủ động nhất định trong mọi vấn đề. Giám sát chỉ có 2 người, trong khi đó truyền thông có rất nhiều góc nhìn ở trên sân, thế nên mới có những thiết sót xảy ra trong các bản báo cáo. Đó là lý do chúng tôi mong muốn được hợp tác với báo chí, dư luận, để xử lý nguội một số vấn đề”.
- Ông Nguyễn Hải Hường, Trưởng Ban Kỷ luật : “Ban Kỷ luật không thuộc BTC giải, nhưng chúng tôi luôn có sự phối hợp rất chặt chẽ. Chúng tôi có sự tham khảo, bàn bạc với BTC giải với các án phạt được đưa ra, nhưng quyết định cuối cùng vẫn thuộc Ban Kỷ luật. Ban Kỷ luật luôn xử đúng người, đúng tội, chặt chẽ, chứ không làm án bừa bãi được. Án của chúng tôi là án mở nên người trong cuộc có quyền khiếu nại. Bóng đá cũng như các môn khác, chơi phải có luật và phải tôn trọng, tuân thủ luật chơi, rồi hãy đòi hỏi”.
* Vai trò các giám sát trọng tài ở đâu trong sai sót của trọng tài, cũng như việc xử lý các pha bóng bạo lực trên sân, khiến nó cứ tái diễn từ vòng đấu này qua vòng đấu khác, từ mùa giải này qua mùa giải khác? (PV Trọng Vũ, báo Dân trí).
- Ông Bùi Như Đức, Ủy viên Ban trọng tài: “Giám sát trọng tài giúp trọng tài làm tốt công việc của mình, không phải điều khiển trận đấu trên sân. Nói theo ngôn ngữ hình ảnh, thì giám sát ngồi sau xe của trọng tài. Chúng tôi không thể ngăn chặn được sai số, tai nạn của trọng tài. Chúng tôi chỉ có thể ngồi đó và cầu nguyện những sự cố sẽ không xảy ra với họ?!
Tuy nhiên, vẫn phải nói rằng, có nhiều tình huống phải thông cảm cho trọng tài, ở góc quan sát không thuận lợi, thậm chí bị rơi vào “điểm mù”. Sẽ có những hình thức kỷ luật thích đáng, nếu những sai phạm về mặt quy chế xảy ra với cả giám sát và trọng tài. Chúng tôi vẫn có thể xử mà không cần bằng chứng?!”
* Tính trung thực trong các bản báo cáo của giám sát đến đâu và có thể công khai các bản báo cáo, khi sự cố xảy ra không? Cũng như việc xử lý kỷ luật nội bộ các giám sát, cũng như các trọng tài, có cảm giác như người trong cuộc luôn cố bưng bít, vậy làm sao chúng ta có thể có một sản phẩm tốt hơn để được chào đón, hay ít nhất cũng thuyết phục được dư luận, truyền thông. (PV Thể thao & Văn hóa tiếp câu hỏi)
- Ông Nguyễn Minh Ngọc, Phó trưởng BTC V-League 2014: “Chúng tôi luôn luôn phối hợp với Ban trọng tài, xem lại và đánh giá công tác của giám sát trọng tài, cũng như trọng tài. Trên tinh thần quan điểm của BTC, chúng tôi không bao che và chúng tôi tin rằng, các giám sát cũng không bao che?! Còn về chi tiết các bản báo cáo của giám sát, xin phép đây là nguyên tắc bảo mật và chúng tôi không thể công khai được”.
- Ông Phạm Ngọc Viễn, Tổng giám đốc VPF: “Trên thực tế, FIFA và AFC đã khuyến cáo các Liên đoàn thành viên, cũng như BTC các giải đấu phải bảo vệ những người nghiệp dư tham gia vào công tác điều hành. Chúng tôi không thể báo cáo hay công bố với công luận các sai phạm của giám sát, trọng tài, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống ngoài bóng đá của họ. BTC rất đồng cảm với báo chí, rằng chúng tôi cũng muốn mọi thứ rõ ràng, minh bạch, nhưng một mặt chúng ta vẫn phải tuân thủ những quy định”.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất