24/02/2022 06:59 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Chúng ta đã đi qua phần lớn thời gian của tháng Giêng năm Nhâm Dần 2022. Và dù cho trên lý thuyết, các lễ hội Xuân sẽ còn kéo dài hơn 2 tháng nữa, thì cho đến giờ, diện mạo của mùa lễ hội năm nay cũng đã dần hiện rõ trước mắt mọi người.
Đó là một mùa lễ hội khá trầm lắng, trầm lắng hơn cả 2 năm qua, nếu tính từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra. Sau một năm u ám với nhiều tổn thương và mất mát, tâm lý cẩn trọng trước những diễn biến vẫn còn phức tạp của bệnh dịch chính là lý do dẫn tới “khoảng lặng” này...
Thực tế, ngay từ những ngày sau Tết nguyên đán, để thích ứng với tình hình dịch bệnh, phần lớn các lễ hội chính tại miền Bắc đã chủ động điều chỉnh với tâm thế đặc biệt: Các nghi thức dâng hương, tế lễ, tri ân tiền nhân... được thực hiện theo quy mô nhỏ, bảo đảm thành kính, trang nghiêm - trong khi các hoạt động phần “hội” được tạm dừng hoặc bỏ hẳn để hạn chế tối đa việc tụ tập đông người.
Đó chính là trường hợp của các hội gò Đống Đa, hội Gióng Sóc Sơn, hội Lim Bắc Ninh hay lễ hội đền Trần Nam Định. Rồi, ở một diễn biến khác, lễ hội chùa Hương - hội Xuân lớn nhất Việt Nam - cũng chỉ chính thức đón khách sau rằm tháng Giêng, nghĩa là chậm hơn gần 2 tuần so với thông lệ, và áp dụng nhiều biện pháp để kiểm soát lượng người.
Cộng cùng tâm lý thận trọng từ du khách, những ngày đầu Xuân - quãng thời gian cao điểm của các lễ hội - đã trôi qua như thế. Ở đó, chúng ta phần nào không còn thấy những biển người chen chúc trong cảnh khói hương nghi ngút, cũng như những bức tượng Phật phủ kín tiền lẻ và nạn chặt chém du khách - những câu chuyện vốn luôn làm dư luận và giới quản lý bức xúc mỗi năm.
Đương nhiên, thiếu “hội” thì sẽ có những nuối tiếc hụt hẫng. Cộng đồng thiếu đi những điểm vui chơi, thưởng lãm văn hóa đa sắc màu. Các địa phương và hệ thống dịch vụ tại chỗ mất đi một nguồn thu đáng kể. Và, những người có nhu cầu hành hương nhân dịp đầu năm cũng sẽ phải tự điều chỉnh lại lịch trình theo thực tế. Nhưng, đó là sự lựa chọn không thể khác, trong bối cảnh dịch bệnh.
***
Sự trầm lắng đang có ấy còn mang một giá trị khác, khi nó là cơ hội để phía quản lý, cũng như chính chúng ta, có dịp suy ngẫm về câu chuyện “hội Xuân” vốn có lúc bị coi là vấn nạn hàng năm.
Nhìn lại mấy tuần qua - và cả 2 mùa lễ hội gần đây, kể từ khi đại dịch bùng phát - không khó để tin rằng: Nếu muốn vãn cảnh đầu Xuân, muốn tìm hiểu văn hóa truyền thống của người Việt, cũng như muốn tìm kiếm sự yên bình tĩnh lặng từ chốn tâm linh để tự gỡ bỏ những tham sân si trong đời thường, chúng ta vẫn có thể đến với lễ hội theo tâm thế và sự chủ động của mình, thay vì chạy theo đám đông xô bồ, náo nhiệt.
Điều ấy giống như một thực tế từng được báo giới ghi nhận: Đầu năm mới, một số di tích và ngôi chùa quanh Hà Nội dù đóng cửa vẫn có những khách hàng hương lặng lẽ, khiêm cung đứng chắp tay vái vọng, mong cầu bình an cho năm mới. Không khói hương, không đồ lễ, không chiêm bái tượng Phật, nhưng như chia sẻ, họ tới đây để thấy tâm an, để tìm thêm niềm tin và sự thanh thản trong cuộc sống của mình.
Hãy nhớ lại, nhiều năm qua, chúng ta đã nói mãi về tâm lý tò mò, ham vui và sự kém hiểu biết mang tính a dua, nặng về mê tín của những người muốn đổ xô tới các lễ hội để thỏa mãn khát vọng trần tục của mình. Sự ồn ào mang xu thế “hướng ngoại” ấy đang rất cần được cân bằng bởi tâm lý “hướng nội”, tự soi chiếu về nhu cầu tín ngưỡng của mỗi khách hành hương.
“Sơn bản vô Phật, duy tồn hồ tâm” (Trong núi không có Phật, Phật chỉ có trong tâm). Tư tưởng Thiền học nổi tiếng của Thượng hoàng - Thiền sư Trần Thái Tông khi xưa lại càng khiến người đương thời phải ngẫm nghĩ sau một khoảng lặng kéo dài của vài mùa lễ hội qua.
Khoảng lặng ấy là dịp để mỗi người tự thích ứng, hình thành và lựa chọn những cách nguyện cầu bình an mà không nhất thiết phải đặt chân tới lễ hội. Nói cách khác, khi thiếu “hội” trong mùa dịch, họ có thể tự mở hội trong cõi lòng thanh tịnh của chính mình.
Cúc Đường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất