Guitar Trần Tùng: 'Để sống được với rock, tôi đi bán dầu nhớt!'

26/12/2015 06:47 GMT+7 | Âm nhạc

(giaidauscholar.com) - Không còn cực đoan, không còn “ngông” như những năm tháng của tuổi trẻ, album 10 của rockband Microwave đã trở nên mềm mại, mượt mà hơn, thậm chí “lả lướt” sang cả pop.

Đó là một sự thay đổi mang tính dấu ấn sau 10 năm kể từ album đầu tay và 15 năm bền bỉ hoạt động của Microwave khi vừa ra mắt album 10 tại Hà Nội.    

* Đánh dấu 10 năm kể từ khi ra album đầu tay, nhưng đâu mới là dấu ấn trong 15 năm thăng trầm của Microwave?

- Tôi nghĩ đó là thời điểm rất lâu rồi, thời của ca khúc Tìm lại - khi ban nhạc gần như tan rã vì chia tay guitar Nguyễn Công Hải (Hải Bột). Đó thực sự là điều đau lòng nhất với ban nhạc.

* Có vẻ như, sau 10 năm, rock của Microwave lại bị pop “hóa” trong album này. Phải chăng là các anh muốn thay đổi phong cách?

- Không. Đó chỉ là gu nghe nhạc thôi. Đúng là so với hai album trước, vol.3 có nhiều thay đổi. Từ âm nhạc đến ca từ, không còn dữ dội, gằn giọng, giằng xé nội tâm mà đã êm đềm, mềm mại hơn. Vì mỗi thời điểm chúng tôi có sở thích âm nhạc khác nhau và thể hiện theo từng giai đoạn. Nhưng chất nhạc thì không thể thay đổi vì đó là cá tính rồi.

* Nghệ sĩ có thể chơi nhạc với phong cách nào cũng được nhưng quan trọng là phải tạo ra xu hướng để định hướng khán giả. Anh nghĩ gì về điều này?

- Theo lý thuyết là vậy nhưng nghệ sĩ khó tự làm việc này lắm. Thực tế là phải có nhà sản xuất đứng đằng sau nhưng các thành viên của Microwave chỉ là những người chơi nhạc, không có nhà sản xuất. Còn dù sao, quan trọng nhất với chúng tôi vẫn là được làm điều mình thích.

* Vậy anh kì vọng gì ở album thứ 3 này?

- Tôi nghĩ rằng, giờ đây chúng ta không nên cực đoan khi đánh giá thể loại âm nhạc mình đang nghe nó là gì. Âm nhạc nghe thấy hay là được rồi. Và chúng tôi muốn đây là một sản phẩm thể hiện được sự dung hòa giữa rock với nhạc điện tử IDM.

* Microwave là một trong số ít các rockband có “lớn tuổi” ở Việt Nam, lại chịu khó ra album. Điều này có “xóa bỏ” được suy nghĩ rock chỉ để “chơi” chứ không để “kiếm” không, thưa anh?

- Có lẽ là không! Chúng tôi chơi nhạc bằng cả trái tim, còn tim có đập được hay không lại phải có tiền. Và cho đến lúc này, chúng tôi cũng kiếm được nhiều tiền đấy chứ!

Nhưng nói kiếm được tiền để nuôi âm nhạc mà mình đam mê thì chưa tính đến. Chúng tôi chơi nhạc chỉ vì quá yêu, quá thích.

Ví dụ như để làm album này, chúng tôi tốn hàng chục ngàn đô-la mới chỉ để trang trải cho các nhạc cụ, thiết bị thu âm, máy móc đi kèm. Riêng phòng thu được thiết kế riêng cũng tốn đến hàng trăm triệu.

Trong khi rock không phải là thể loại mà lúc nào người ta cũng muốn nghe để có show thường xuyên. Bình thường, chúng tôi chỉ có 3 buổi chơi nhạc ở quán nhưng cũng không chơi rock, mỗi show được trả tầm vài triệu. Ngoài ra, chúng tôi phải làm thêm tại các event.

* Với cá nhân mình, anh đang sống như thế nào để chăm lo cho gia đình? Có khi nào, vì “cơm áo gạo tiền” mà anh phải lựa chọn giữa âm nhạc và làm kinh tế?

- Tôi hay các thành viên trong ban nhạc đều phải có nghề tay trái để lo cho gia đình, con nhỏ. Chúng tôi làm kinh doanh, buôn bán. Như tôi là nhân viên kinh doanh cho một hãng dầu nhớt.

Và thú thật là chưa bao giờ chúng tôi làm gì mà kiếm được quá nhiều tiền để phải đánh đổi, được nọ mất kia!

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện! 

       Lam Anh (thực hiện)

Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm