Hàn Quốc trước thềm cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 20

08/03/2022 16:58 GMT+7 | Tin tức 24h

(giaidauscholar.com) - Cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 20 của Hàn Quốc đang là cuộc chạy đua nước rút giữa hai ứng cử viên Lee Jae-myung của đảng Dân chủ (DP) cầm quyền và Yoon Suk-yeol của đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) đối lập. Cuộc đua này được dự báo sẽ rất căng thẳng và kết quả vô cùng sít sao.

Chân dung các ứng cử viên Tổng thống Hàn Quốc

Chân dung các ứng cử viên Tổng thống Hàn Quốc

Cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc lần thứ 20 sẽ diễn ra vào ngày 9/3/2022.

Trong bối cảnh Hàn Quốc đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, bất kể ứng cử viên nào trở thành Tổng thống tiếp theo sẽ phải nỗ lực hết mình để đưa đất nước vượt qua các thách thức.

Cuộc đua sít sao giữa hai ứng cử viên  

 Cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 20 của Hàn Quốc diễn ra vào ngày 9/3 tới đến thời điểm hiện tại chỉ còn là cuộc đua của hai ứng cử viên Lee Jae-myung của DP và Yoon Suk-yeol của đảng PPP đối lập. Cuộc bầu cử này được dự kiến sẽ rất căng thẳng và kết quả sít sao bởi trong các cuộc thăm dò dư luận trước thềm bầu cử, số phiếu ủng hộ hai ứng cử viên rất sít sao với tỷ lệ khoảng 40% cho mỗi người.   

Kết quả thăm dò cuối cùng được công bố trước thềm cuộc bầu cử có tác động lớn đến nỗ lực cuối cùng của hệ thống vận động tranh cử của các đảng phái cũng như có vai trò quan trọng trong việc định hướng, lôi kéo những cử tri chưa xác định bỏ phiếu cho ai. So sánh kết quả cuộc thăm dò trước bầu cử do Viện Gallup Korea thực hiện và kết quả bỏ phiếu thực tế từ cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 15 năm 1997 đến cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 19 năm 2017, ứng cử viên đứng đầu trong cuộc thăm dò ý kiến cuối cùng trước ngày bỏ phiếu đều đã giành chiến thắng chung cuộc.

Chú thích ảnh
Ứng cử viên Yoon Suk-yeol của đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) và Lee Jae-myung của đảng Dân chủ (DP) cầm quyền. Nguồn: TTXVN

Trong cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 19 năm 2017, vị trí thứ 2 và thứ 3 có thay đổi, nhưng các vị trí của những ứng viên chính còn lại đều chính xác. Vì lý do này, những ngày qua, DP cầm quyền và PPP đối lập đã tung hết nguồn lực để đạt được kết quả có lợi trong cuộc thăm dò cuối cùng, được cho là yếu tố chính quyết định chiến thắng.   

Ứng cử viên Yoon của đảng PPP đối lập đã tuyên bố rằng mục tiêu hàng đầu của ông nếu đắc cử tổng thống sẽ là ổn định kinh tế sau đại dịch, tạo công ăn việc làm bền vững cho người dân, ổn định nhà ở, và một xã hội công bằng. Trong khi đó ứng cử viên đại diện cho đảng cầm quyền Lee đưa ra tầm nhìn chiến lược về phát triển kinh tế, đưa Hàn Quốc lọt top 5 cường quốc thế giới, tăng sản lượng xuất khẩu lên 1.000 tỷ USD và hỗ trợ chuyển đổi số các ngành công nghiệp chủ lực.   

Đối với Triều Tiên, cả hai ứng cử viên nhấn mạnh sẽ chỉ đồng ý hợp tác với Triều Tiên khi vấn đề phi hạt nhân hóa được thực hiện một cách triệt để.   

Một điều mà các cử tri cũng hết sức quan tâm, đó là lời hứa đảm bảo môi trường sống của cả hai ứng viên nặng ký cho vị trí tổng thống Hàn Quốc. Ông Yoon hứa sẽ giảm 30% lượng bụi mịn, tăng cường xây dựng các nhà máy điện hạt nhân thân thiện với môi trường và xử lý rác thải sinh hoạt. Mặt khác ông Lee lại tập trung vào các cam kết về chuyển đổi năng lượng, áp dụng thuế carbon và tập trung vào chính sách trung hòa carbon. Ông Lee cũng hứa hẹn sẽ xây dựng một đường cao tốc năng lượng, hệ thống thống sản xuất năng lượng mới và năng lượng tái tạo ở quy mô vừa và nhỏ, với sự tham gia của người dân trên khắp đất nước.

Chú thích ảnh
Cử tri bỏ phiếu sớm bầu cử Tổng thống tại điểm bầu cử ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 4/3/2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Thách thức với người trở thành Tổng thống   

Sau 5 năm dưới sự dẫn dắt của Tổng thống Moon Jae-in, Hàn Quốc đã đạt được những thành tựu đối nội, đối ngoại quan trọng song bên cạnh những dấu ấn nổi bật, hàng loạt vấn đề còn bỏ ngỏ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Moon Jae-in như đại dịch COVID-19, những rủi ro ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế, giá nhà đất đắt đỏ, thất nghiệp, bình đẳng giới, môi trường, vấn đề hạt nhân Triều Tiên sẽ tiếp tục đặt ra thách thức đối với nhà lãnh đạo sẽ lên nắm quyền sau cuộc bầu cử ngày 9/3.   

Tờ The Korea Times ngày 7/3 cho rằng kinh tế nước này đang phải đối mặt với những rủi ro ngày càng tăng, bên cạnh đại dịch COVID-19 kéo dài với số ca nhiễm theo ngày ở mức trên 200.000 người, là những tác động từ cuộc khủng hoảng Ukraine.        

Theo tờ báo, cuộc khủng hoảng Ukraine nếu còn kéo dài sẽ có thể tác động nghiêm trọng hơn đến nền kinh tế toàn cầu so với dự đoán ban đầu. Các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính do Mỹ dẫn đầu nhằm vào Nga có thể giáng một đòn mạnh vào Hàn Quốc, quốc gia vốn có tốc độ tăng trưởng kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu.

Chú thích ảnh
Khu vực đánh dấu lựa chọn ứng cử viên. Ảnh: Khánh Vân-PV TTXVN tại Hàn Quốc

Đặc biệt là lệnh cấm xuất khẩu các vật liệu chiến lược sang Nga có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến các mặt hàng xuất khẩu trọng điểm của Hàn Quốc, trong đó có chất bán dẫn. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng Ukraine còn làm giá dầu trên thị trường toàn cầu tăng vọt và dự báo còn tiếp tục tăng nếu Mỹ cấm nhập khẩu dầu thô của Nga.     

Thực tế cho thấy giá dầu cao hơn sẽ đẩy chi phí sản xuất hàng hóa, làm giảm lợi nhuận của các nhà xuất khẩu Hàn Quốc cũng như làm tăng tỉ lệ lạm phát vốn đã tăng vọt do gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và giá cả hàng hóa, nguyên liệu thô cao hơn. Tất cả những điều này đang làm dấy lên lo ngại về sự trì trệ kéo dài của kinh tế Hàn Quốc.

Quốc gia Đông Bắc Á này mới đây ghi nhận chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 2 tăng 3,7% (so với tháng 2/2021) do giá dầu tăng vọt trong khi tỷ lệ lạm phát duy trì trên ngưỡng 3% trong tháng thứ 5 liên tiếp. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) tháng 1 đã điều chỉnh tăng dự báo lạm phát năm 2022 lên 3,1% (từ mức 2% đưa ra vào tháng 11/2021) và vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 ở mức 3%. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế Hàn Quốc có thể sẽ không đạt mức tăng trưởng cao như vậy.       

Theo tờ báo, nhà lãnh đạo mới của Hàn Quốc được bầu sau ngày bầu cử tới cần phải làm mọi cách để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine đồng thời cố gắng kiểm soát sự lây lan của biến thể Omicron.   

Chú thích ảnh
Cử tri nam trẻ tuổi tham gia bỏ phiếu. Ảnh: Khánh Vân-TTXVN

Đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tăng tốc, đại dịch COVID-19 đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và kỷ nguyên trung hòa carbon đang tái lập một trật tự mới cho thương mại quốc tế, Hàn Quốc phải tập trung vào nỗ lực chuyển đổi sang cơ cấu kinh tế kỹ thuật số và cấu trúc nền kinh tế xanh và lấy con người làm trung tâm, chủ động đi tiên phong để tạo ra động lực tăng trưởng mới bền vững cho đất nước.   

“Sức nóng” của thị trường bất động sản cũng đang làm khó Hàn Quốc. 26 nhóm giải pháp mà chính quyền Tổng thống Moon Jae In đưa ra trong 5 năm qua nhằm hạ nhiệt giá bất động sản đã không giải quyết được vấn đề. Tại thủ đô Seoul và nhiều khu vực thành thị khác, nơi sinh sống của khoảng 50% dân số Hàn Quốc, giá trung bình của một căn hộ đã tăng gấp đôi kể từ năm 2017 lên mức 1,26 tỷ won (1,05 triệu USD) vào tháng 1 năm nay.

Tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP của Hàn Quốc ở mức 105,8%, mức cao nhất trên thế giới và gần gấp đôi mức trung bình trong Nhóm G20. Người Hàn Quốc đang đi vay nhiều hơn bao giờ hết và các nhà hoạch định chính sách ngày càng lo lắng về tính bền vững của nền kinh tế.   

Trong khi đó, vấn đề bất bình đẳng giới, chênh lệch thu nhập cũng trở nên nổi cộm trong nhiệm kỳ của Tổng thống Moon. Nhiều cơ hội việc làm mới cho giới trẻ dù đã được tạo ra, nhưng còn quá nhỏ so với con số mà ông cam kết. Bất mãn về mức lương, việc làm, thu nhập và chênh lệch giàu nghèo trong xã hội ngày càng trở nên trầm trọng. Đây sẽ là thách thức với ứng cử viên tổng thống nào sẽ kế nhiệm ông Moon Jae-in.   

Trong vấn đề Triều Tiên, đàm phán nhằm tiến tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, hợp tác với Mỹ để đối phó các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên cũng là gánh nặng trên vai với ứng cử viên sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc vào ngày 9/3.

Thanh Lâm/TTXVN (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm