Họa sĩ Bùi Mai Hiên - phiêu du trong 'Vô cực'

04/11/2022 07:51 GMT+7 | Văn hoá

Bén duyên với hội họa từ năm 14 tuổi, cầm cọ hơn 50 năm không ngơi nghỉ, hiếm có người họa sĩ nào luôn khát khao tìm tòi như Bùi Mai Hiên. Mỗi lần xuất hiện, chị đều mang đến những khai phá mới trong chất liệu tưởng như đã cũ.

“Sức sống S Việt Nam” của Bùi Mai Hiên

“Sức sống S Việt Nam” của Bùi Mai Hiên

Bùi Mai Hiên (SN 1957) là một trong các họa sĩ thành công ở chất liệu sơn mài. Chị đang có bước ngoặt trong sáng tạo: chuyển tải trách nhiệm và ý thức công dân vào tác phẩm.

Sau 30 năm kể từ triển lãm cá nhân đầu tiên (Sơn mài trừu tượng, 1992), họa sĩ Bùi Mai Hiên tái xuất bằng những thể nghiệm mới với chất liệu acrylic trong triển lãm Vô cực. Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 3 - 8/11 tại Art Space (42 Yết Kiêu, Hà Nội).

Tìm thấy mình trong “Vô cực”

Bắt đầu với chất liệu acrylic, họa sĩ Bùi Mai Hiên chọn vẽ theo lối hiện thực. Suốt 10 năm qua, chị miên man trong những chuyến ngao du khắp vùng Tây Bắc, nhất là Sapa (Lào Cai). Trong những chuyến đi ấy, chị đắm mê với cảnh sắc thiên nhiên và con người vùng cao. Núi non, mây trời của vùng Sapa cứ thế bước vào tranh chị một cách đầy tự nhiên với vẻ đẹp thực cảnh.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Bùi Mai Hiên

Dẫu vậy, chị nói: “Vẽ phong cảnh Sapa, tôi tự thấy chưa có sự sáng tạo, chưa có cái mới, chưa tìm thấy điều gì đáng nói. Tôi cứ chỉ vẽ cây cối, hoa lá giống bao người. Với tính cách của mình, tôi không chấp nhận dừng lại ở những lối vẽ cũ. Tôi là kiểu người luôn muốn đi tìm một cái gì đó khiến mình thực sự “phiêu”, thăng hoa và hạnh phúc…”.

Và Bùi Mai Hiên đã tìm thấy mình trong acrylic với loạt tranh Vô cực. Vẫn là acrylic, vẫn là thiên nhiên, nhưng Bùi Mai Hiên đã mang đến một kỹ thuật mới, một biểu đạt mới, và một phong cách mới mang hơi hướng siêu thực.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Bùi Mai Hiên tại xưởng tranh

Loạt tranh Vô cực được chị vẽ trong khoảng gần 2 năm trở lại đây bằng những cảm xúc đến rất nhanh. Thậm chí khi cầm cọ, đứng trước toan, cảm xúc đến với chị một cách ào ạt. Chị vẽ rất nhanh bằng những xúc cảm dào dạt và sung sức, như có một thứ năng lượng khủng khiếp từ bên trong khởi phát. Nhưng cũng có khi chị toát mồ hôi, lảo đảo và run rẩy với cây cọ.

Có lẽ vì thế mà khi đứng trước tranh Bùi Mai Hiên, người xem như được dẫn dụ vào một cuộc phiêu du trong vô cực của sắc màu siêu thực. Cũng chỉ là những trời, nước, mây, mưa, phù du, rong rêu, v.v… nhưng tất cả như được loang tràn, bung tỏa, tan quyện và đồng hiện trên tranh. Để rồi mỗi người sẽ có những suy tưởng riêng về những vẻ đẹp của tạo hóa vốn bé nhỏ, khuất lấp nhưng lại có sức mạnh bùng lên, và lan tỏa không giới hạn.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Cây đời” của họa sĩ Bùi Mai Hiên

Bước vào cuộc chơi mới với acrylic, họa sĩ Bùi Mai Hiên vẫn luôn coi là sự bất ngờ. Song theo chị, đó là sự bất ngờ dựa trên một điểm tựa từ nhiều chục năm ngắm thiên nhiên, để tìm cách đi vào nó, và tìm cách thể hiện nó trên acrylic.

Chị kể: “Có những chuyến đi, tôi ngồi từ sáng đến tối chỉ để ngắm mây. Mây từ thung lũng đi lên, mây bồng bềnh, ùn ùn... Hay cả những khi đứng, rồi ngồi từ sáng đến trưa chỉ để ngắm, nghe nước đập vào nhau, lúc dâng lên, khi dềnh xuống,…”.

Mỗi bức tranh trong loạt Vô cực vì thế không chỉ tái hiện vẻ đẹp của thiên nhiên bằng lăng kính siêu thực. Mà hơn thế, trong tranh còn chứa đựng cả một mỹ cảm nhạy bén của người họa sĩ khi được trước những tuyệt mỹ muôn hình vạn trạng của tạo hóa.

Cái tôi sáng tạo không giới hạn

Từ những năm 1990, tên tuổi Bùi Mai Hiên đã sớm thành danh với chất liệu sơn mài theo một phong cách đầy mới lạ. Không gò bó trong sơn mài truyền thống, chị tạo dựng và dấn thân với phong cách sơn mài trừu tượng. Đến khi “sinh nghề tử nghiệp” vào năm 2012, chị khép lại chặng đường rực rỡ với sơn mài vì cơ thể bị nhiễm độc.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Thác ghềnh xôn xao” của họa sĩ Bùi Mai Hiên

Sau hơn 30 năm vẽ sơn mài trong sự đắm mê, chuyển sang chất liệu acrylic, ngay từ ban đầu Bùi Mai Hiên cũng chỉ coi là một cuộc vui chơi với lối vẽ hiện thực phong cảnh. Nhưng có lẽ với cái tôi ưa khám phá, không chấp nhận đóng khung với lối vẽ cũ, nếu chỉ dừng lại ở giai đoạn đầu khám phá acrylic thì chưa phải Bùi Mai Hiên.

Chị chia sẻ: “Ngày xưa, làm sơn mài, tôi đã tìm thấy sự bao la, mênh mông và vô cùng phong phú của sơn mài. Càng vẽ, càng thấy sự đa dạng, giàu biểu cảm của chất liệu. Và bây giờ, với acrylic, tôi cũng đã tìm thấy một điều gì đó tương tự. Trước đó, phải thú thực tôi khá loay hoay khi mới chuyển sang acrylic. Bởi acrylic khi vẽ rất nhanh khô, khó hòa quyện, khiến tôi cảm thấy sự khô khan trong tranh. Nhưng thật may mắn, sau hơn 10 năm thử nghiệm, tôi mới nhận ra acrylic là cả một sự hòa quyện”.

Sự khai phá chất liệu, đã giúp Bùi Mai Hiên từ một người họa sĩ lệ thực, chép thiên nhiên, trở thành một người nghệ sĩ qua cái tôi, qua cảm xúc, qua chất liệu để biểu cảm với thiên nhiên. Đó là lý do khiến cảm xúc trong tranh của Bùi Mai Hiên luôn tuôn trào mà không bị dừng lại, hay ngăn chặn bởi bất cứ yếu tố ngoại cảnh hay cảm quan nào.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Nhà sứa đi hội cầu vồng” của họa sĩ Bùi Mai Hiên

Đây cũng chính là tinh thần Vô cực như họa sĩ Bùi Mai Hiên khẳng định. “Vô cực là sự không giới hạn. Đừng giới hạn người họa sĩ và họa sĩ cũng đừng bao giờ tự giới hạn chính mình. Tính sáng tạo của người nghệ sĩ đôi khi sẽ bùng lên nếu không bị giới hạn”.

Chị nói thêm: “Sự khám phá của tôi với acrylic cũng vậy, để thấy chất liệu không có giới hạn trong sự thể hiện hội họa. Những bức tranh là rong, là rêu, là phù du, là sứa, là một giây phút của trời đất đi qua… Tất cả là những điều tôi đã nhìn suốt hơn 60 năm cuộc đời và bây giờ nó hiện lên trong tranh một cách tuôn trào, thậm chí tuôn trào ào ạt. Gần như tính tự do của người nghệ sĩ định đoạt bức tranh, thay vì là bối cảnh”.

“Vô cực là sự không giới hạn. Đừng giới hạn người họa sĩ và họa sĩ cũng đừng bao giờ tự giới hạn chính mình. Tính sáng tạo của người nghệ sĩ đôi khi sẽ bùng lên nếu không bị giới hạn” - họa sĩ Bùi Mai Hiên.

Luôn vẽ trung thực với chính mình

Bùi Mai Hiên tâm niệm: “Nghệ thuật của tôi là truyền tải cuộc đời của tôi”. Suốt hơn 50 năm qua, chị bao giờ cũng vẽ về mình, vẽ rất trung thực với mình, kể cả từ thời đau khổ đến những năm tháng hạnh phúc về sau.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Vũ điệu của rong rêu” của họa sĩ Bùi Mai Hiên

Nữ họa sĩ từng có hẳn một loạt tranh mang tên Hà Nội - Cơn giông, vẽ những người đàn bà trong cơn giông như để kể về những năm tháng đau khổ trong chính cuộc đời của mình. “Để rồi, sau khi đi qua cơn giông, những năm tháng sau này, kể cả quãng thời gian theo đuổi sơn mài, đều là những năm tháng tôi rất hạnh phúc. Tôi có một tình yêu mới, một gia đình mới. Khi ấy, những cơn giông không xuất hiện, thay vào đó trong tranh chỉ thể hiện những người phụ nữ hạnh phúc bên gia đình, bên con cái” - chị thổ lộ.

Nhớ lại quãng thời gian tuổi trẻ của mình, họa sĩ Bùi Mai Hiên thường trực chỉ muốn vẽ, vẽ và vẽ. Với chị tiền tài, địa vị,... luôn đứng ngoài cuộc sống và niềm ham thích vẽ của mình. Để rồi, ngay khi còn trẻ, chị đã mạnh mẽ tuyên ngôn rằng: “Vẽ như ngày cuối trong đời”. Cho đến hiện tại, khi đã có cả một sự nghiệp nhiều thành tựu trong tay, đó vẫn luôn là một mong ước của Bùi Mai Hiên. Mong ước được vẽ như ngày cuối trong đời, đã thôi thúc chị vẽ mỗi ngày và tạo động lực để chị làm mọi thứ khi còn có thể.

“Mỗi buổi sáng thức dậy, tôi đều muốn vẽ. Tôi cố gắng vẽ bây giờ và đến mãi về sau để không làm đứt đoạn hành trình của mình khi còn đang sống. Tức là tôi vẫn còn một hành trình đối với vẽ ở phía trước” - chị tâm sự - “Tôi vẫn còn một tình yêu thường hằng, và “nghiệp” đối với vẽ. Và tôi luôn mong nó đừng đứt đoạn. Hiện tại, tôi chỉ mong trời đất cho sức khỏe, để mỗi buổi sáng, tôi vẫn có thể làm việc, để hành trình vẽ của mình không dừng lại”.

Đôi nét về họa sĩ Bùi Mai Hiên

Sinh năm 1957 tại Thái Bình, sống ở Hà Nội.

Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam, năm 1985.

Là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Có tác phẩm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng châu Á - Thái Bình Dương.

Công Bắc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm